Cần có chế tài đủ mạnh để trấn áp nạn đòi nợ kiểu 'khủng bố'
Vừa qua, Chuyên đề Báo Công an TPHCM nhận được đơn của ông Phạm Thành Doanh (SN 1979, ngụ Q3, TPHCM; Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư kinh doanh G.K) phản ánh việc ông và người nhà liên tục nhận nhiều cuộc gọi đòi nợ từ các nhân viên của một công ty mua bán nợ (có địa chỉ tại TP.Cần Thơ). Điều trái khoáy là họ đòi một nhân viên cũ của ông Doanh (đã nghỉ việc từ lâu) phải trả số tiền còn nợ ngân hàng.
Theo nội dung đơn của ông Doanh, từ ngày 03 đến 05-6-2022, ông và vợ là bà Phạm Thị Kim Vy liên tục nhận nhiều cuộc gọi quấy rối, khoảng 30 giây lại có một cuộc gọi từ các thuê bao di động đầu số MobiFone, với lời lẽ khiếm nhã, hăm dọa, buộc vợ chồng ông phải tác động để nhân viên cũ của ông là anh Lê Quốc K. (ngụ TP.Cao Lãnh, Đồng Tháp) trả nợ ngân hàng.
Mặc dù vợ chồng ông Doanh nhiều lần trả lời là không hề liên quan đến việc vay vốn của anh K., nhưng các nhân viên đòi nợ vẫn không buông tha. Sau đó, vợ chồng ông Doanh vô cùng ngạc nhiên, không hiểu bằng cách nào mà các đối tượng gọi điện đòi nợ tìm được số điện thoại của bạn bè, đối tác để quấy rối tiếp những người này. Họ cũng bị gọi điện đòi khoản nợ của anh K., từ 20 - 50 cuộc gọi/ngày. Điều đáng nói là trong số những người bạn của vợ chồng ông Doanh, có cả doanh nhân và cán bộ nhà nước, khiến việc làm ăn và uy tín của công ty ông Doanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Trao đổi với phóng viên, ông Doanh nói: "Sau khi nhận những cuộc gọi đòi nợ kiểu khủng bố tinh thần, tôi tìm hiểu và liên lạc với K. và gia đình em này, mới biết K. có vay 14 triệu đồng của Công ty tài chính MB Shinsei (gọi tắt là Mcredit – PV), có trụ sở tại P.Láng Thượng, Q.Đống Đa, Hà Hội".
Theo Hợp đồng vay số 1000320090099497 thực hiện giữa Mcredid và anh K., lãi suất cho vay trong hạn lên tới 45%/năm. Với số tiền vay 14 triệu đồng, anh K. bị ép mua bảo hiểm nhân thọ với phí là 770 ngàn đồng. Việc vay tiền theo anh K. được thực hiện tại trụ sở ngân hàng Ngân hàng TMCP Quân đội (MB Bank) - chi nhánh Cao Lãnh (Đồng Tháp).
Có thể thấy một thực trạng trong những năm gần đây, ngoài việc cho vay của các đối tượng tín dụng đen thông qua công nghệ thông tin (app), với lãi suất cao ngất ngưởng, gây bức xúc dư luận, không ít công ty tài chính liên kết với ngân hàng cũng cho vay lãi suất cao. Theo giới thiệu trên website của Mcredit, công ty này được thành lập từ năm 2016 và là "công ty tài chính liên doanh giữa Ngân hàng TMCP Quân đội (thuộc MB Group) và Ngân hàng Shinsei (Nhật Bản)".
Trên website của MB Bank cũng giới thiệu Mcredit là công ty thành viên của MB, với tên quốc tế là MB Shinsei Finance Limited Liability Company (viết tắt là MS Finance). Các sản phẩm của Mcredit là cho vay tiền mặt, cho vay trả góp, thẻ tín dụng. Mcredit cũng cho biết, mạng lưới kinh doanh của họ đã kết nối hơn 150.000 điểm thanh toán Payoo, MoMo, Viettel, VnPost và hệ thống chi nhánh, phòng giao dịch của MB Bank trên toàn quốc.
Trên thực tế, hoạt động của không ít công ty đòi nợ thuê trước đây đã gây nhiều hệ lụy, bị dư luận phản ứng mạnh mẽ, bởi cách thức đòi nợ mang tính chất khủng bố tinh thần của người vay. Những năm gần đây, Luật Đầu tư năm 2020 (bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2021) đã đưa ngành nghề "kinh doanh dịch vụ đòi nợ" vào danh mục ngành, nghề cấm đầu tư, kinh doanh; dịch vụ đòi nợ thuê bị "khai tử".
Nhưng ngay lập tức, trên thị trường lại xuất hiện một dịch vụ khác là "mua bán nợ". Đây là hoạt động giao dịch kinh tế - tài chính để trao đổi, chuyển nhượng khoản nợ từ cá nhân này sang cá nhân khác, doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác, tổ chức này sang tổ chức khác..., chuyển nhượng lại "quyền thu hồi nợ" từ một khoản nợ của bên bán nợ cho công ty mua nợ và được thực hiện ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Những doanh nghiệp đòi nợ trước đây với thành phần lãnh đạo, nhân viên không thay đổi, tiếp tục hoạt động dịch vụ đòi nợ thuê của mình dưới hình thức trên. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần sớm có chế tài để hạn chế những tác động xấu của loại hình hoạt động này.