Cần bổ sung hướng dẫn về quy trình, thủ tục giải thể Công đoàn cơ sở
Liên đoàn Lao động quận Thanh Xuân vừa báo cáo tổng hợp các ý kiến của đoàn viên Công đoàn tại Đại hội Công đoàn quận Thanh Xuân góp ý vào Dự thảo Điều lệ Công đoàn Việt Nam (sửa đổi, bổ sung), với nhiều đóng góp thiết thực.
Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Thanh Xuân Lê Mạnh Hùng cho biết, các đoàn viên đã nghiên cứu và góp ý kiến cụ thể về từng nội dung của Dự thảo Điều lệ. Cụ thể, về bố cục Điều lệ, các ý kiến góp ý nhất trí về kết cấu thành phần, sắp xếp bố cục các chương, điều như trong Điều lệ.
Về nội dung Dự thảo Điều lệ, các ý kiến góp ý cho rằng, về cơ bản nội dung Dự thảo Điều lệ và Hướng dẫn thi hành đã quy định, hướng dẫn khá đầy đủ để các cấp Công đoàn thuận lợi trong triển khai thực hiện. Tuy nhiên trong thực tiễn vẫn còn nội dung cần xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc điều chỉnh cho phù hợp.
Cụ thể như với quy định về đoàn viên tại mục h, điểm 1, điều 2 của Dự thảo Điều lệ Công đoàn: “Đoàn viên bị mất việc làm, được tạm dừng sinh hoạt Công đoàn và tạm dừng đóng đoàn phí, nhưng không quá 12 tháng kể từ ngày mất việc”, cần có hướng dẫn trình tự, thủ tục cụ thể để dễ áp dụng.
Tại mục i, điểm 1, điều 2 của Dự thảo Điều lệ Công đoàn quy định: “Được nghỉ sinh hoạt Công đoàn khi nghỉ hưu, được Công đoàn cơ sở nơi làm thủ tục về nghỉ và Công đoàn địa phương nơi cư trú giúp đỡ khi có khó khăn; được tham gia sinh hoạt câu lạc bộ hưu trí, ban liên lạc hưu trí do Công đoàn hỗ trợ”, các ý kiến góp ý đề nghị bỏ cụm từ “Công đoàn địa phương”, vì trong quy định của Điều lệ các cấp Công đoàn không có cấp này, đồng thời thay vào đó việc ghi rõ Công đoàn cấp nào.
Bên cạnh đó, tại Hướng dẫn số 03/HD-TLĐ ngày 20/02/2020 của Đoàn chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về thi hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam, các ý kiến góp ý đề nghị bỏ nội dung tại điểm 9.1.a. “Công đoàn cơ sở nơi có dưới 10 đoàn viên bầu chức danh chủ tịch (không bầu Ban Chấp hành)”, như vậy khi thành lập Công đoàn cơ sở nơi doanh nghiệp có dưới 10 đoàn viên mà không có Ban chấp hành thì không đi làm dấu Công đoàn được, do vậy Công đoàn cơ sở chưa có tư cách pháp nhân đầy đủ để hoạt động, không mở được tài khoản tại ngân hàng...
Hướng dẫn số 03/HD-TLĐ, tại mục 6.1.a nêu: “Nhiệm kỳ của Công đoàn cơ sở theo nhiệm kỳ của Công đoàn cấp trên trực tiếp quản lý, chỉ đạo. Đối với Công đoàn cơ sở mới thành lập, thời gian kết thúc nhiệm kỳ theo thời gian của của Công đoàn cấp trên trực tiếp. Trường hợp khi Công đoàn được thành lập mà thời gian kết thúc nhiệm kỳ của Công đoàn cấp trên trực tiếp còn dưới 18 tháng thì nhiệm kỳ của Công đoàn cơ sở thực hiện theo nhiệm kỳ kế tiếp của Công đoàn cấp trên trực tiếp”.
Theo Liên đoàn Lao động quận Thanh Xuân, các ý kiến góp ý đề nghị thay cụm từ “dưới 18 tháng” thành cụm từ: “từ 30 tháng trở xuống”, để thống nhất với nội dung đã quy định tại Điều 8, Điều lệ Công đoàn Việt Nam: Công đoàn cấp trên được điều chỉnh nhiệm kỳ đại hội của Công đoàn cấp dưới cho phù hợp với nhiệm kỳ đại hội Công đoàn cấp trên nhưng không vượt quá 30 tháng.
Đồng thời, tại điểm 12.5, Hướng dẫn số 03/HD-TLĐ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần bổ sung hướng dẫn về quy trình, thủ tục giải thể Công đoàn cơ sở để thống nhất thực hiện.
Bên cạnh đó, các ý kiến góp ý cũng đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có văn bản riêng hướng dẫn Công đoàn cấp trên trực tiếp về việc cơ quan, đơn vị nào có trách nhiệm thu hồi con con dấu Công đoàn và trình tự, thủ tục thu hồi con dấu... theo quy định tại Hướng dẫn số 03/HD-TLĐ, điểm 12.5.c: “Khi giải thể, chấm dứt hoạt động Công đoàn cơ sở, Công đoàn cấp trên trực tiếp phải thông báo đến các đơn vị, cá nhân liên quan và thực hiện thu con dấu theo quy định. Khi giải thể tổ chức Công đoàn thì chấm dứt hoạt động của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Ủy ban kiểm tra và các chức danh cán bộ Công đoàn”.