Căn bệnh sợ nồm ẩm

Không khí ẩm, bầu trời luôn u ám thiếu ánh sáng khiến nhiều người cảm thấy ngột ngạt, buồn chán, mất hứng thú với cuộc sống, tăng nặng triệu chứng trầm cảm do nồm ẩm.

Nguyễn Thị Hà (29 tuổi, trú tại Đống Đa, Hà Nội) luôn cảm thấy tâm trạng u ám trong những ngày này. Nhìn qua cửa sổ, cô thở dài: “Nồm đến rồi, mùa kinh khủng nhất trong năm”.

Căn nhà nhỏ 5 tầng của gia đình nằm ở ngõ sâu trong phố Thái Thịnh, những ngày nồm, ngoài cửa luôn ẩm ướt, nước đọng khiến chị Hà không muốn ra khỏi nhà. Từ tầng một, cầu thang, trần nhà đều ngưng tụ hơi nước, ám mùi khó chịu. Các phòng đều trang bị máy hút ẩm nhưng cũng chỉ đỡ phần nào.

“Tôi thấy chán ghét không khí này, khó ngủ, căn bệnh viêm mũi dị ứng trở nặng vô cùng khó chịu”, chị Hà nói.

Thiếu ánh sáng dẫn tới tăng nặng các triệu chứng trầm cảm. Ảnh: Nhật Hạ.

Thiếu ánh sáng dẫn tới tăng nặng các triệu chứng trầm cảm. Ảnh: Nhật Hạ.

Ba năm trước, người phụ nữ này từng điều trị trầm cảm sau sinh. Thấy vợ mất ngủ, xuống tinh thần, hay cáu gắt, người chồng khuyên chị Hà liên hệ bác sĩ hỗ trợ để tránh bệnh nặng hơn.

Cũng trong tình trạng bất ổn như chị Hà, N.H.L (26 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) tìm đến Bệnh viện E (Hà Nội) khám vì chứng “sợ nồm”. L. cảm thấy ngột ngạt vì thời tiết này. Khi đi ra ngoài thành phố, cô thấy khỏe nhưng về nhà luôn cảm thấy u uất, ngủ liên tục, cáu gắt.

Mỗi ngày, nhìn trần nhà ẩm mốc hay sàn trơn trượt khiến cô gái thấy cuộc sống tẻ nhạt không còn khả năng sáng tạo, bệnh tật bủa vây. L. còn xả nước rất nóng trong phòng tắm và đưa tay vào để lấy cảm giác. Mẹ cô lo lắng nên đã đưa con đi khám.

Theo Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Viết Chung - Trưởng khoa Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện E, trầm cảm là một rối loạn tâm trạng, đặc trưng bởi cảm giác buồn bã, mất hứng thú với hoạt động yêu thích trước đây cùng khả năng hoàn thành công việc. Triệu chứng kéo dài trong ít nhất 2 tuần. Bệnh được kích hoạt từ những yếu tố nội sinh và bên ngoài, trong đó có thời tiết hay còn gọi trầm cảm theo mùa.

Theo bác sĩ Chung, trong những ngày nồm ẩm, số người bệnh trầm cảm, lo âu tăng lên đặc biệt là những người trước đó đã có tiền sử bệnh, hay gặp ở nữ giới.

Người bệnh ngoài các triệu chứng điển hình của trầm cảm còn có cảm giác mệt mỏi nhiều, ngủ cả ngày, thèm đồ ăn ngọt.

Bác sĩ Chung cho rằng các giai đoạn chuyển mùa đều mang tới nhiều bệnh lý khác nhau, bao gồm trầm cảm. Nguyên nhân do thay đổi của nhịp sinh học, ánh sáng mặt trời. Đặc biệt, thay đổi lượng ánh sáng gây ra các thay đổi hoạt động hormone trong đó có hormone Serotonin (một chất dẫn truyền thần kinh được sử dụng trên khắp cơ thể). Thiếu ánh sáng gây tăng hormone melatonin dẫn tới trạng thái buồn ngủ, ngủ nhiều.

Trầm cảm theo mùa điều trị bằng tư vấn tâm lý hoặc thuốc. Bổ sung thêm vitamin D cũng là giải pháp tốt vì người bệnh trầm cảm theo mùa thường thiếu hụt loại vitamin này. Người bệnh được khuyến khích áp dụng liệu pháp ánh sáng, ra ngoài nhiều, thức dậy sớm và tiếp xúc với nguồn ánh sáng tự nhiên bằng hoạt động đi bộ, đọc sách dưới ánh mặt trời, kết nối xã hội.

Trường hợp không thể ra ngoài, bệnh nhân có thể dùng hộp đèn ánh sáng để giúp cơ thể thay đổi hoạt động hormone.

Phương Thúy

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/can-benh-so-nom-am-2372787.html