Căn bệnh nhạc sĩ 'Gánh hàng rong' đang mắc phải nguy hiểm thế nào?
Nhạc sĩ 'Gánh hàng rong' Lê Quốc Dũng bị ung thư phổi nhiều năm qua. Ngoài ra, nhạc sĩ còn mắc tiểu đường nên thể trạng suy giảm, sụt cân nhanh chóng.
Trao đổi với PV VNN, nhạc sĩ Anh Tú, đại diện Hội Âm nhạc TP.HCM cho biết, sáng 17/2, ông cùng một số thành viên của Hội Âm nhạc TP.HCM tới thăm hỏi động viên và giúp đỡ nam đồng nghiệp là nhạc sĩ Lê Quốc Dũng hiện đang bệnh nặng, sức khỏe yếu, phải chống gậy khi đi lại.
Được biết, nhạc sĩ Lê Quốc Dũng sinh năm 1951, trong gia đình có truyền thống âm nhạc. Niềm đam mê âm nhạc của nhạc sĩ bắt nguồn từ những ngày học lỏm cha dạy học trò. Sau đó, ông trở thành nhạc công và bắt đầu công việc sáng tác. Ông là tác giả của nhiều bài hát nổi tiếng như Gánh hàng rong, Bóng biển, Nụ hôn mùa xuân, Tình băng giá, Tuyệt vời khi có em, Vu vơ, Dẫu tình đã xa, Nắng xuân...
Theo nhạc công Lê Quốc Hùng - em trai nhạc sĩ - cho biết tình trạng ông đang nguy kịch. Ông bị ung thư phổi nhiều năm qua, hiện bệnh đã di căn đến cổ họng, trò chuyện khó khăn. Nhạc sĩ còn mắc tiểu đường nên thể trạng nhanh chóng suy giảm, sụt cân. Trước đó, ông điều trị ở Bệnh viện Ung Bướu, gần đây bác sĩ cho về vì sức khỏe quá yếu.
Ung thư phổi có xu hướng trẻ hóa
Tại Việt Nam ung thư phổi đứng hàng thứ nhất trong 10 loại ung thư thường gặp trên cả hai giới và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Nhưng theo các chuyên gia y tế, nếu được phát hiện sớm bệnh sẽ có thể có phương pháp điều trị hiệu quả hơn rất nhiều.
Ung thư phổi là loại ung thư thường gặp và ngày càng có xu hướng gia tăng. Gần đây, bệnh xuất hiện ở những người trẻ tuổi nhiều hơn, chiếm tỷ lệ khoảng 12% tổng số ung thư các loại tính chung trên toàn thế giới.
Dấu hiệu sớm của ung thư phổi, cần được thăm khám sớm và điều trị kịp thời
Mặc dù hầu hết những người được chẩn đoán mắc ung thư phổi không có triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn đầu trước khi di căn, nhưng một số người vẫn có thể nhận thấy:
Ho nhiều, ho ra máu
Các triệu chứng thường gặp là ho, chiếm khoảng 70% các trường hợp, khó thở, ho ra máu, viêm phổi tái diễn, đau ngực. Có thể kèm triệu chứng khan tiếng, do khối bướu xâm lấn trực tiếp hay do các hạch bạch huyết ở trung thất bị di căn và làm liệt dây thanh âm.
Khàn giọng hoặc khò khè
Các vấn đề về hô hấp liên quan đến ung thư phổi không phải chỉ xuất hiện dưới dạng khó thở. Nó có thể xuất hiện như ở dạng khàn giọng hoặc khò khè. Nếu bạn nhận thấy bất kỳ thay đổi liên tục nào trong hơi thở thì cần phải đến khám bác sĩ.
Khó thở, đau ngực
Nếu ung thư phổi đã di căn đến thành ngực hoặc gây sưng các hạch bạch huyết ở khu vực này thì có thể gây khó thở, đau nhức ở ngực, lưng, vai. Đau ngực do ung thư phổi sẽ nghiêm trọng hơn khi ho, cười hoặc thở sâu.
Thường xuyên bị nhiễm trùng
Ung thư phổi có thể gây ra tình trạng nhiễm trùng ảnh hưởng đến đường hô hấp và dẫn đến các bệnh như viêm phế quản hoặc các bệnh nhiễm trùng mãn tính khác. Nếu bạn bị nhiễm trùng phổi mãn tính, bạn nên dành thời gian đi chụp X-quang phổi để biết mình có nguy cơ bị ung thư phổi hay không.
Sụt cân
Trong bất kì trường hợp nào, sự sụt cân diễn ra nhanh chóng mà không rõ nguyên nhân, không liên quan đến việc bạn đã cắt giảm calo hoặc tập thể dục... thì rất có thể là do bệnh tật gây ra, kể cả bệnh ung thư.
4 cách giúp bạn phòng ngừa ung thư phổi
Bỏ thuốc lá
Theo thông kê, tỷ lệ mắc ung thư phổi của người hút thuốc lá so với những người không hút cao hơn gấp 10 lần. Do đó việc cần nhấn mạnh đầu tiên để phòng tránh ung thư phổi là bỏ thuốc lá và cũng tránh xa những làn khói thuốc xung quanh.
Tập thể dục thường xuyên
Các vận động thể lực kể cả các hoạt động đơn giản như làm vườn 2 lần 1 tuần có thể giúp bạn giảm nguy cơ mắc ung thư phổi.
Chế độ ăn giàu rau xanh và hoa quả
Phòng tránh ung thư phổi nên bổ sung nhiều rau xanh, hoa quả tươi. Hãy ăn các loại rau đa dạng, nhiều màu sắc khác nhau như súp lơ, rau chân vịt, hành, táo, cà chua, cam… Những thực phẩm này không chỉ có thể phòng bệnh hiệu quả mà còn rất tốt cho những bệnh mạn tính như cao huyết áp, tiểu đường, bệnh tim mạch vành…
Tránh tiếp xúc với phóng xạ và kim loại nặng
Đối với những công nhân làm việc trong môi trường rò rỉ hóa chất cũng phải áp dụng những biện pháp bảo hộ hiệu quả, tránh hoặc giảm tối thiểu việc tiếp xúc với những yếu tố độc hại gây ung thư.