Cần bảo đảm tính thống nhất, ổn định của hệ thống pháp luật

Sáng 13-9, tiếp tục Phiên họp thứ 27, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội.

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 718/NQ-UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết số 67/2013/QH13 của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tăng cường chỉ đạo công tác triển khai thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội và ban hành văn bản quy định chi tiết; xác định xây dựng và hoàn thiện thể chế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, phân công của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ đã quan tâm, tập trung các nguồn lực để triển khai thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết.

Tính từ kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa XIV đến nay, Quốc hội đã thông qua 13 văn bản (13 luật) do Chính phủ trình. Hiện, Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành tích cực soạn thảo, hoàn thiện các dự án luật đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019.

Tính từ tháng 8-2017 đến tháng 8-2018, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, cơ quan ngang bộ có nhiệm vụ xây dựng, ban hành 204 văn bản, quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh, trong đó: 152 văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết đã có hiệu lực; 52 văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết sẽ có hiệu lực trong năm 2019. Tính đến ngày 15-8-2018, đã ban hành 140/152 văn bản, đạt 92,11%, còn 12 văn bản nợ chưa ban hành.

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên họp. Ảnh: Quốc hội.

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ về nội dung này, thay mặt Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Chủ nhiệm Nguyễn Khắc Định đánh giá cao việc số lượng văn bản quy định chi tiết ban hành chậm, còn nợ đã giảm dần. Tuy nhiên, số văn bản quy định chi tiết nợ chưa ban hành vẫn còn 12/152 văn bản, chiếm 7,9%; trong đó, có 3 văn bản quy định chi tiết của 2 luật, pháp lệnh có hiệu lực từ năm 2017 trở về trước, 9 văn bản quy định chi tiết của 9 luật có hiệu lực trong năm 2018. Ngay trong số các văn bản quy định chi tiết đã được ban hành thì số văn bản được ban hành để có hiệu lực đồng thời với thời điểm có hiệu lực của luật mới chỉ đạt 90/138 văn bản (chiếm 65,2%). Đây là vấn đề Chính phủ cần chỉ đạo các Bộ rút kinh nghiệm, có giải pháp để khắc phục.

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều đánh giá cao báo cáo của Chính phủ song vẫn băn khoăn về việc thiếu đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật dẫn đến việc tại các kỳ họp của Quốc hội, số lượng luật phải sửa khá nhiều; hay như tình trạng một luật ban hành cần nhiều văn bản hướng dẫn kèm theo, dẫn đến tình trạng “luật chờ nghị định”.... Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh đây là những vấn đề cần khắc phục, đặc biệt cần kiểm soát chặt chẽ hơn nữa đầu vào của các luật, nghị định...trong thời gian tới.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, vẫn còn một số văn bản quy phạm pháp luật khá quan trọng nhưng chưa được ban hành; có Bộ ngành thiếu chủ động trong thi hành nghị quyết nên lúng túng; chất lượng một số dự án luật chưa bảo đảm cả về chuẩn bị, nội dung, thời gian khi trình; việc đánh giá tác động của nhiều dự án luật còn hình thức....

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng băn khoăn về việc hệ thống pháp luật thiếu ổn định, thay đổi liên tục. “Cho đến giờ này, cầm một luật trên tay không biết luật đó đã bị sửa đổi bởi các luật nào và sẽ tiếp tục bị sửa đổi bởi những luật nào?” Chủ nhiệm Lê Thị Nga đặt câu hỏi và nhấn mạnh tính thiếu ổn định của hệ thống pháp luật hiện nay sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến xã hội, đặc biệt là tâm lý của các nhà đầu tư. Nhấn mạnh thay đổi là đúng nhưng Chủ nhiệm Lê Thị Nga cho rằng cần thiết có sự ổn định tương đối, chứ không thể khi gặp vướng mắc là nghĩ ngay đến sửa luật.

Đồng tình với quan điểm trên, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng nhấn mạnh đến việc bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, thực ra hệ thống pháp luật của chúng ta khá toàn diện, nhưng việc tổ chức thực hiện chưa tốt. Cho nên, mới có việc cứ vướng mắc cái là đề nghị sửa luật mà vướng mắc cũng chính là do việc tổ chức thực hiện chứ không phải do tính không hợp lý, không hoàn thiện của các luật đó. “Rất nhiều luật tồn tại không quá 5 năm, trong khi thực tế cơ bản luật đó không có vấn đề gì. Do đó, cần phải tính toán thật kỹ để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tập trung vào những luật cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, những luật tốt rồi, có khiếm khuyết không đáng kể thì tiếp tục thực hiện, tránh sửa đổi liên tục như hiện nay.

Còn Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải lại bày tỏ băn khoăn về con số 5.639 văn bản ban hành có dấu hiệu trái pháp luật được thể hiện trong báo cáo của Bộ Tư pháp. Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết, qua công tác kiểm tra văn bản theo thẩm quyền, các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương đã phát hiện 5.639 văn bản trái pháp luật, gồm: 1.236 văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật về thẩm quyền ban hành và nội dung; 3.829 văn bản quy phạm pháp luật sai sót về căn cứ pháp lý, thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản; 574 văn bản không phải là văn bản quy phạm pháp luật nhưng có chứa quy phạm pháp luật.

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho hay, vấn đề này xuất hiện trong nhiều năm trước đây chứ không chỉ năm 2017 và đặt ra câu hỏi những văn bản đó ảnh hưởng tới quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thế nào. Đại biểu cho rằng việc đánh giá hậu quả của việc thi hành văn bản đó cũng như xem xét trách nhiệm của cán bộ công chức tham mưu, soạn thảo, thẩm định, ban hành văn bản đó chưa quyết liệt.

THẢO NGUYỄN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/can-bao-dam-tinh-thong-nhat-on-dinh-cua-he-thong-phap-luat-549408