Cắm chốt cùng lính biên phòng (*): Lạnh cóng giữa biển đêm
Gió rít kèm theo những trận mưa giữa biển đêm, lạnh thấu xương, các chiến sĩ biên phòng vẫn phải thức trắng, kịp thời phát hiện mọi động tĩnh trên vùng biển Tây Nam
Chúng tôi có dịp theo chân các chiến sĩ biên phòng Trạm Kiểm soát biên phòng cửa khẩu cảng Dương Đông (TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) tuần tra đêm trên biển, ngay trong những ngày dịch bùng phát tại nước bạn Campuchia, tình trạng nhập cảnh trái phép từ nước bạn vào Việt Nam bằng đường biển ngày càng phức tạp.
Căng mắt thay radar canh biển
Khi chiếc ca-nô của lực lượng biên phòng chở 5 chiến sĩ rời cảng An Thới, TP Phú Quốc, một ca-nô khác từ cảng Dương Đông chở theo lực lượng tuần tra cùng tiến về hướng vịnh Thái Lan để làm nhiệm vụ ngăn chặn người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam từ nước bạn Campuchia. Sau 15 phút xuất bến, ca-nô tuần tra của Trạm Kiểm soát Biên phòng cửa khẩu cảng Dương Đông tiếp cận khoảng 200 tàu đánh cá và ghe câu mực đang thắp sáng cả một vùng biển Tây Nam. Sau khi kiểm tra giấy tờ tùy thân của thuyền viên và thủ tục xuất bến, ca-nô của lực lượng kiểm soát biên phòng tiếp tục lao đi trong màn đêm thăm thẳm. Khoảng 23 giờ, ca-nô dừng lại, tắt máy, thả trôi giữa sóng nước. Các chiến sĩ biên phòng không chỉ dùng đôi mắt làm "radar" mà còn úp tai sát mặt biển để lắng nghe tiếng động ngoài khơi.
Đại úy Cao Minh Sang - quyền Trạm trưởng Trạm Kiểm soát biên phòng cửa khẩu cảng Dương Đông - nói nhiều tháng qua, anh và đồng đội không ngủ đêm, vì phải thức canh mặt biển để kịp thời phát hiện mọi động tĩnh trên địa bàn phụ trách.
Theo một chiến sĩ biên phòng, nếu đồng đội trên biên giới bộ chịu cái nóng như nung của vùng Hà Tiên, Giang Thành thì những người lính trên biển phải chịu lạnh thấu xương từ những cơn mưa giông cùng nước biển tạt ướt sũng người. Những lúc quá mệt mỏi, lính biên phòng ghé tạm các bè nuôi cá của người dân trên biển để ngả lưng 5-10 phút rồi lại lên ca-nô lao đi giữa biển khơi.
Đêm trắng giữa biển trời, chúng tôi đã trải nghiệm cái lạnh thấu xương ấy và cảm nhận được nỗi khổ cực, vất vả mà các chiến sĩ nơi đây phải trải qua hằng đêm.
Một phương tiện lạ đang tiến về từ phía biển Campuchia. Những ánh đèn pha trên ca-nô tuần tra đồng loạt bật sáng, chiếu thẳng vào, loa phóng thanh yêu cầu phương tiện neo dừng để lực lượng chấp pháp kiểm tra. Trong một đêm, lực lượng tuần tra đã kiểm tra trên 10 phương tiện như thế. Không phát hiện dấu hiệu nhập cảnh trái phép, các chiến sĩ biên phòng Dương Đông và An Thới yên tâm cho ca-nô về bến lúc trời hừng sáng, bàn giao ca trực để tranh thủ ngủ bù vào ban ngày.
Kiểm soát đồng bộ dưới biển, trên bờ
Tại đảo Phú Quốc, mỗi ngày có hàng ngàn tàu cá của ngư dân và tàu câu mực của du khách hoạt động. Các chiến sĩ biên phòng phải lên từng tàu cá, đến từng thuyền câu, kiểm tra giấy tờ của thuyền viên.
Đại tá Nguyễn Thế Anh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang, cho biết địa phương có 16.000 km2 mặt biển tiếp giáp Campuchia với hàng ngàn phương tiện thủy hoạt động ở khu vực này mỗi ngày. Việc kiểm soát gặp nhiều khó khăn bởi lực lượng thiếu, trang thiết bị hạn chế nên khó khép kín được vùng biển rộng lớn.
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã tăng cường cho Kiên Giang 2 tàu tuần tra và hàng chục cán bộ, chiến sĩ từ lực lượng của Hải đoàn 18 đóng tại Vũng Tàu.
Sau khi tiếp nhận 2 tàu tuần tra Grip có công suất 2.200 mã lực, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang đưa các phương tiện này ra cảng An Thới để bàn giao cho Hải đội 2. Lực lượng tăng cường này phối hợp cùng 11 tàu hiện có và 30 chốt của 5 đồn biên phòng đóng tại Phú Quốc làm nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19.
Đại tá Nguyễn Thế Anh cho biết hoạt động xuất nhập cảnh trái phép thời gian gần đây rất tinh vi, có sự liên kết giữa trong và ngoài biên giới, có cả người Việt và người nước ngoài tham gia tổ chức. Nhóm tội phạm này sử dụng các phương tiện trà trộn vào hoạt động đánh bắt trên biển, gây khó khăn cho lực lượng chức năng. Họ nghiên cứu địa bàn rất kỹ, liên hệ với nhau qua mạng xã hội nhằm tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng. "Điều kiện khó khăn như vậy nhưng chúng tôi vẫn xác định hướng trọng điểm để chốt chặn trên biển. Một mặt tăng cường kiểm soát ở bờ biển, có hàng chục chốt cố định và cơ động. Việc tuần tra, kiểm soát trên biển và trên bộ được thực hiện 24/24 giờ để kịp thời phát hiện, ngăn chặn hoạt động xuất nhập cảnh trái phép cũng như các vụ vi phạm pháp luật khác" - chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang bày tỏ.
Khuya, lực lượng biên phòng đóng tại xã Gành Dầu phát hiện sà lan chạy từ phía Bắc đảo Phú Quốc sang vùng biển Campuchia. Khi tổ tuần tra truy đuổi, người điều khiển sà lan tăng tốc bỏ chạy. Nhận được yêu cầu hỗ trợ từ Việt Nam, lực lượng chức năng của Campuchia đã bắt giữ sà lan chở 19 người. Hai ngày sau đó, phía Campuchia bàn giao những người liên quan cho Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang xử lý theo pháp luật.
Cũng từ thông tin của quần chúng, rạng sáng, tổ công tác của Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng An Thới phát hiện 4 cô gái có biểu hiện lạ xuất hiện tại khu vực cảng cá. Lực lượng chức năng xác định 4 người này vừa nhập cảnh trái phép từ Campuchia bằng đường biển.
Từ lời khai của 4 người này, bộ đội biên phòng kết hợp công an kiểm tra các quán ăn, khách sạn, nhà nghỉ để truy tìm một phụ nữ tách đoàn. Đến 4 giờ, lực lượng làm nhiệm vụ phát hiện và cưỡng chế người phụ nữ khoảng 35 tuổi tại khách sạn H.T, phường An Thới, TP Phú Quốc. Tất cả 5 người được lực lượng chức năng đưa đi cách ly, lấy mẫu xét nghiệm ngay sau đó.
Lần gần nhất là 8 người nhập cảnh trái phép từ Campuchia bằng sà lan được lực lượng biên phòng phát hiện vào lúc rạng sáng. Những người vi phạm khai nhận họ chở cọc bê-tông và khai thác cát thuê tại Campuchia. Do ảnh hưởng dịch Covid-19 và không giao hàng được nên quay về Việt Nam mà không làm thủ tục xuất cảnh tại Campuchia nên sà lan chạy đến Phú Quốc đã bị lực lượng chức năng bắt giữ.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 17-5
Dựa vào sức dân
Tại Phú Quốc, ngoài lực lượng bám biển, hàng chục chốt biên phòng được đóng cố định, tại nhà dân và các căn nhà tiền chế ven biển, khi đêm xuống, lực lượng cơ động còn dùng xe máy tuần tra các lối mòn nối liền ranh rừng và biển để kịp thời phát hiện người lạ mặt.
Ông Nguyễn Lưu Trung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, cho biết biên giới đường bộ được các chốt kiểm soát rất tốt nhưng tình hình trên biển lại phức tạp. Do đó, giải pháp thành công nhất của tỉnh này là huy động người dân tham gia và phát hiện tàu, người lạ lên bờ vào thời điểm bất thường. "Những vụ nhập cảnh trái phép vừa qua phần lớn được phát hiện từ ngư dân, người dân và các doanh nghiệp. Vì vậy, mỗi người dân của tỉnh Kiên Giang đang là một chiến sĩ trên mặt trận phòng chống dịch" - ông Trung khẳng định.