Cải thiện Chỉ số PAPI, xây nền hành chính phục vụ
Nhận diện “điểm nghẽn” khiến Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) giảm sâu cả về điểm số lẫn thứ hạng, tỉnh ta đã quyết liệt hành động, tái tạo sức mạnh quản trị từ gốc. Đây không chỉ là yêu cầu cấp bách để lấy lại đà tăng trưởng Chỉ số PAPI trên bảng xếp hạng toàn quốc mà còn là điều kiện tiên quyết để xây dựng nền hành chính phục vụ, kiến tạo và phát triển bền vững.
Tháng 4 vừa qua, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam phối hợp với cơ quan liên quan công bố kết quả Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) năm 2024 của 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Kết quả, Chỉ số PAPI của tỉnh ta chỉ đạt 43,7 điểm, giảm 0,5 điểm và tụt 19 bậc so với năm 2023, từ vị trí 11 xuống vị trí 30/63 tỉnh, thành phố. Trong khu vực Trung du và miền núi phía Bắc, tỉnh ta xếp thứ 5/14 tỉnh và đứng thứ 3/7 tỉnh khu vực miền núi, biên giới phía Bắc.

Người dân được phục vụ nhanh chóng, thuận tiện tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.
PAPI gồm 8 trục nội dung, đo lường hiệu quả quản trị và hành chính công dựa trên trải nghiệm thực tế của người dân khi tương tác với chính quyền các cấp. Theo kết quả đánh giá, tỉnh ta có 2/8 trục nội dung tăng điểm so với năm 2023 gồm: Quản trị điện tử và quản trị môi trường. Trong đó, nội dung quản trị môi trường đạt 4,04 điểm (tăng 0,07 điểm), nằm trong nhóm cao nhất toàn quốc, trở thành minh chứng rõ nét cho nỗ lực cải thiện chất lượng không khí và bảo vệ tài nguyên trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, có đến 6/8 trục nội dung giảm điểm (dao động từ 0,03 - 0,33 điểm) và thuộc nhóm thấp nhất đến nhóm trung bình cao so với cả nước. Cách biệt điểm số giữa 8 trục nội dung còn tương đối lớn, dao động từ 3,27 (thấp nhất) đến 7,22 (cao nhất)/10 điểm. Trong đó, chỉ số nội dung cung ứng dịch vụ công của tỉnh ghi nhận mức 7,07/10 điểm, giảm nhẹ 0,09 điểm so với năm 2023 nhưng vẫn nằm trong nhóm thấp so với cả nước. Trong 4 nội dung thành phần, có 2 nội dung tăng điểm (giáo dục tiểu học công lập và an ninh trật tự); tuy nhiên, mức tăng còn rất khiêm tốn. Ngược lại, 2 nội dung thành phần cơ sở hạ tầng cơ bản, y tế công lập đều giảm điểm, riêng y tế công lập giảm tới 0,123 điểm.
Ở khía cạnh khác, chỉ số kiểm soát tham nhũng trong khu vực công của tỉnh đạt 7,14/10 điểm, xếp nhóm Trung bình cao so với toàn quốc, tuy nhiên vẫn giảm nhẹ 0,03 điểm so với năm 2023. Trong 4 nội dung thành phần thì công bằng trong tuyển dụng vào khu vực nhà nước và quyết tâm chống tham nhũng của chính quyền các cấp đều có cải thiện. Song, hai chỉ số then chốt khác là kiểm soát tham nhũng trong chính quyền và trong cung ứng dịch vụ công lại giảm điểm, cho thấy công tác phòng, chống tham nhũng vẫn còn nhiều thách thức.
Ngoài 2 trục nội dung trên, 4 trục nội dung khác cũng chung cảnh giảm điểm, gồm: Tham gia của người dân ở cơ sở; công khai, minh bạch trong việc ra quyết định; trách nhiệm giải trình với người dân; thủ tục hành chính công. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng trên là hiệu quả tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật đến người dân còn hạn chế. Sự tương tác giữa chính quyền với người dân dù được cải thiện nhưng chất lượng còn thấp. Văn hóa giao tiếp hành chính ở cấp cơ sở vẫn còn nhiều hạn chế, chưa thực sự lấy sự hài lòng của người dân làm trung tâm phục vụ.
Trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng, lãng phí, mặc dù tỉnh đã có nhiều nỗ lực, song kết quả khảo sát cho thấy: Tỷ lệ người dân cho biết họ không phải chi thêm tiền khi thực hiện các dịch vụ công như cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xin giấy phép xây dựng, chứng thực... đều giảm so với năm trước, với mức giảm dao động từ 1,96% - 10,20%. Thực tế này cho thấy hiện tượng “chung chi”, “bôi trơn” khi tiếp cận dịch vụ công vẫn còn tồn tại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin xã hội và làm suy giảm hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng.
Cùng với hạn chế trên, chất lượng cung ứng dịch vụ công vẫn là “nút thắt” cần tháo gỡ. Tình trạng thiếu trang thiết bị hiện đại, nhân lực y tế còn mỏng ở tuyến huyện cùng với hạn chế trong chất lượng giáo dục cơ bản, làm giảm mức độ hài lòng của người dân. Riêng công tác cải cách thủ tục hành chính dù được đẩy mạnh nhưng vẫn chưa bứt phá. Một bộ phận cán bộ còn thiếu tinh thần trách nhiệm, thậm chí có biểu hiện nhũng nhiễu trong giải quyết hồ sơ đất đai, khiến tỷ lệ hài lòng của người dân tại một số địa phương sụt giảm đáng kể…
PAPI không chỉ là “tấm gương” phản chiếu điểm mạnh cần phát huy, điểm yếu cần khắc phục mà còn là “kim chỉ nam” định hướng cho quá trình đổi mới quản trị và hành chính công theo hướng dân chủ, hiệu quả và minh bạch. Bởi vậy, trên cơ sở phân tích kết quả Chỉ số PAPI năm 2024, UBND tỉnh đã kịp thời ban hành kế hoạch duy trì, cải thiện và nâng cao Chỉ số PAPI năm 2025. Trong đó, chú trọng tái tạo sức mạnh quản trị từ gốc, chấn chỉnh từ bên trong hệ thống, từ con người, cơ chế, tư duy; trọng tâm là nâng cao chất lượng phục vụ Nhân dân, lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo uy tín của chính quyền. Đặc biệt, để nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, kết quả thực hiện nhiệm vụ cải thiện Chỉ số PAPI được đưa vào tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, bình xét thi đua, khen thưởng hàng năm đối với tập thể, cá nhân liên quan.
Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị cùng những giải pháp cụ thể đang được triển khai đồng bộ, tỉnh ta đặt mục tiêu nâng cao điểm số PAPI năm 2025, phấn đấu vươn lên nhóm các tỉnh, thành phố có kết quả cao nhất cả nước, đồng thời đạt vị trí top đầu trong khu vực Trung du và miền núi phía Bắc. Qua đó, tạo động lực mạnh mẽ để hiện thực hóa mục tiêu nâng cao chất lượng quản lý, điều hành của chính quyền các cấp; xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, minh bạch, liêm chính, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì Nhân dân phục vụ.