Cái miệng chụp nạn nhân, tiêm độc vào người ghê rợn của ốc nón

Ốc sên thường được cho là loài động vật chậm chạp và vô hại. Tuy nhiên trong khoảng 40.000 loài ốc khác nhau, một số được cho là ngoại lệ với khả năng săn mồi kèm nọc độc cực kinh hoàng.

Ốc nón có tên khoa học là Coninae, là một phân họ của ốc sên biển. Dù di chuyển chậm chạp nhưng khả năng săn mồi của nó lại khiến người xem vô cùng kinh ngạc.

Ốc nón hoạt động về đêm còn ban ngày chúng nghỉ ngơi. Khi săn mồi, ốc nón ẩn náu thân dưới cát và chỉ giơ ống hút lên. Khi con mồi tới gần, chúng sẽ tóm chặt mục tiêu, tiêm chất độc vào cơ thể con mồi khiến con mồi tê liệt.

Sau khi con mồi tê liệt, ốc nón sẽ nuốt chửng nó một cách dễ dàng. Ốc nón có vũ khí siêu lợi hại chính là chiếc lao giấu sâu trong miệng chúng. Chiếc lao này có chứa ít nhất 100 loại độc tố và nguy hiểm hơn là nó có thể xuyên thủng qua găng và đồ lặn để đến da thịt nạn nhân.

Khi bị chọc giận hoặc bị đe dọa, ốc nón tự vệ bằng cách chĩa chiếc lao chứa nọc độc vào đối thủ của mình. Ốc nón thường được tìm thấy ở các rạn san hô tại Thái Bình Dương. Tuy có độc nguy hiểm nhưng số trường hợp tử vong do loài ốc nón gây ra khá hiếm.

Ốc nón chứa nọc độc cực mạnh và phức tạp, gọi chung là conotoxins - loại độc tố mạnh nhất thế giới. Nọc độc con ốc nón lớn có thể làm chết người trong vòng 2-3 phút.

Các nhà khoa học đang cố gắng sử dụng nọc độc của ốc nón để tạo ra một loại thuốc giảm đau mới cho con người.

Nguyên nhân là vì nọc độc conotoxins chứa hàng trăm loại protein nhỏ của loài ốc nón có một tác dụng giảm đau ở người.

Để nghiên cứu. các nhà khoa học đã thử nghiệm loại thuốc được tạo nên từ chất conotoxins trên loài chuột.

Kết quả thí nghiệm trên chuột đã cho thấy loại thuốc này "làm giảm đáng kể cơn đau" và chưa thấy có tác dụng phụ nào.

Loại thuốc từ nọc độc ốc nón hoạt động bằng một cơ chế hoàn toàn khác so với morphine. Vì vậy, các nhà khoa học cho rằng thuốc này sẽ có ít tác dụng phụ và đó là một trong những lợi thế lớn.

“Đây có thể là một tiền đề để phát triển một nhóm thuốc mới có thể giảm đau hiệu quả một trong những chứng đau kinh niên khó chữa nhất hiện nay”, giáo sư David Craik, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết.

Bên cạnh đó các nhà khoa học đang nghiên cứu phát triển một loại thuốc dựa trên conotoxin có thể uống bằng đường miệng. Các loại thuốc sử dụng protein hiện nay phải được tiêm trực tiếp vào tủy sống của bệnh nhân.

Mời các bạn xem video: Top 10 Loài Động Vật Sống Lâu Nhất Trái Đất. Nguồn: Yan News

Thùy Dung (T.H)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/khoa-hoc-cong-nghe/cai-mieng-chup-nan-nhan-tiem-doc-vao-nguoi-ghe-ron-cua-oc-non-1534287.html