Cái kết cay đắng của người chồng ngoại tình
Cuối tuần này là ngày giỗ chú Ba. Tôi nghe mẹ kể mà xen vào một chút cảm thương và ngạc nhiên.
Chú Ba, chồng của dì ruột của tôi, người đã ruồng rẫy mẹ con dì đi theo người tình. Để rồi ở phần cuối đời, khi chú biết mình không còn sống được bao nhiêu do căn bệnh hiểm nghèo lây nhiễm từ người tình, chú tìm về bên dì trong sự ăn năn, hối cải. Cảm thương là thế, nhưng tôi cũng ngạc nhiên. Tôi thấy trọng dì nhiều hơn vì sau tất cả những nỗi khổ mà dì phải chịu đựng, dì cũng đã đầy vị tha cho chú để chú nhắm mắt xuôi tay trong bình yên.
Ngày đó tôi còn nhỏ, nhưng đủ để biết được chuyện gì đang xảy đến với đại gia đình khi mà dì liên tục xuất hiện ở nhà tôi với dòng nước mắt đau khổ. Chuyện chú Ba ngoại tình ngày ấy trong tôi là một điều gì rất kinh khủng. Không kinh khủng sao được khi gia đình chú đang yên ấm với hai con trai, vợ tần tảo, của ăn của để không nhiều nhưng trước đến nay vẫn được tiếng là gia đình yêu thương nhau.
Trước khi chú dời nhà đi sống với người tình, giữa họ đã trải qua nhiều căng thẳng. Những trận đánh ghen diễn ra như cơm bữa. Không giữ được chú, nhiều người quay ra trách móc dì. Rằng dì đã sống sao để chú ngoại tình?! Rằng dì đã không biết cách lại còn đi đánh ghen "lung tung"! Rằng dì chỉ biết buôn bán mà không khéo léo cho chú một tổ ấm! Rồi họ còn trách cả sang hai con trai của dì. Rằng hai đứa không biết cách nói chuyện phải trái với bố. Rằng sao không giúp mẹ đi "tiêu diệt" con hồ ly cướp chồng kia... Nhưng tuyệt nhiên chẳng thấy mấy ai trách chú. Họ chỉ ngỡ ngàng mà thôi. Có lẽ bởi chú là người kín tiếng, ít va chạm, luôn hiền lành và không hại ai. Ngày đó chú là công nhân, còn dì chỉ là "phường buôn ở chợ" nên việc chú dứt áo ra đi là một tổn thất lớn, cả vật chất, tinh thần cho ba mẹ con dì.
Chú đi rồi, dì chông chênh một thời gian. Sau đó, dì xốc lại tinh thần và tập trung nuôi con. Những chuyến tàu chạy hàng từ mờ sáng đến Lạng Sơn "đánh buôn" rau, củ quả, dì lại theo tàu về xuôi để kịp chuyến chợ chớp nhoáng của các con buôn vào mỗi buổi sáng. Sau đó dì lại tranh thủ chạy xe ôm vài tiếng nếu có khách. Gần trưa dì lại làm chuyến nữa, ngược tàu đón hàng rồi cùng hàng trên tàu về xuôi. Những chiếc bánh mì ăn vội đã trở thành bữa chính quen thuộc với dì... Rồi chiều đến, dì lại tranh thủ đi phụ thợ xây dựng kiếm chút đồng lẻ. Cuộc sống khốn khó, chắt bóp chi tiêu dần dần giúp dì có được căn nhà khang trang hơn cho ba mẹ con.
Một tay dì nuôi lớn hai con, dựng vợ, xây nhà cho hai con trên mảnh đất chia đôi. Chú đi từ ngày đó, không một lời hỏi thăm.
Rồi một ngày, chú trở về làng xưa trong sự ngỡ ngàng của người quen xưa cũ. Tin chú bị bệnh sắp chết trở về vang khắp làng. Ai cũng bảo dì đừng bao giờ chứa chấp loại đó nữa. Ai cũng xúi và tin các con dì và mẹ nó không bao giờ tha thứ. Ngày chú xuất hiện, dì cũng ngỡ ngàng. Nhưng khi biết nơi cuối đời chú muốn tìm về nói lời xin lỗi, dì dặn mình và các con hãy tha thứ cho người sắp mất. Dì dọn một căn phòng trên tầng hai cho chú ngủ nghỉ.
Một tháng sau, chú ra đi mãi mãi.