Cách Ukraine vượt trận địa mìn dày đặc của Nga
Các thiết bị rà phá bom mìn đóng vai trò quan trọng trong việc giúp Ukraine vượt qua các bẫy mìn của Nga để tiến hành phản công.
Cuộc phản công của Ukraine ở khu vực miền Nam được mở đầu bằng một tiếng nổ lớn, theo đúng nghĩa đen. 4 ngày sau khi tiến hành cuộc thăm dò đầu tiên trải dọc chiến tuyến kéo dài hơn 160 km chạy qua Zaporizhzhia và Donetsk, các lực lượng Ukraine đã phát động cuộc tấn công xuyên qua bãi mìn của Nga ở phía Nam khu vực Mala Tomachka thuộc vùng Zaporizhzhia.
Công binh của Lữ đoàn Cơ giới số 33 và Lữ đoàn Xung kích 47 đã thực hiện bước đi đầu tiên, sử dụng thiết bị rà phá bom mìn MCLC (mine-clearing line-charge), để kích nổ mìn của đối phương. MCLC thực chất là sợi dây cáp chứa thuốc nổ mạnh, được phóng bằng động cơ tên lửa đẩy có thể tạo ra một con đường xuyên qua bãi mìn và các chướng ngại vật khác. Chúng có thể tương thích với nhiều bệ phóng trên mặt đất. Ukraine đã triển khai lực lượng tấn công gồm xe tăng Leopard 2A6 và xe chiến đấu bộ binh M-2A2 đi sau xe rà mìn Leopard 2R và BMR-2, cố gắng chọc thủng phòng tuyến của đối phương.
Nhưng các lực lượng Ukraine đã bị trinh sát Nga phát hiện. Nga đã điều trực thăng và pháo binh tiến hành các cuộc tấn công làm phá hủy xe tăng, xe chiến đấu bộ binh và xe rà mìn của đối phương.
Một blogger của Nga cho rằng, nếu không có sự hỗ trợ của không quân, phòng tuyến của Nga đã bị chọc thủng: “2 lữ đoàn này của lực lượng vũ trang Ukraine từng được huấn luyện tại các căn cứ của NATO. Sau khi di chuyển qua các bãi mìn, họ có thể nhanh chóng chuyển sang đội hình chiến đấu và tiến về phía căn cứ của Nga”.
Trận Mala Tomachka nhấn mạnh tầm quan trọng của tổ hợp rà phá bom mìn trong giai đoạn hiện tại của cuộc xung đột. Dù cuộc tấn công của Ukraine không thành công nhưng đã khiến Nga phải đề cao cảnh giác hơn.
Đánh giá về vai trò của thiết bị rà phá bom mìn, ông Mark Hertling – cựu tướng của quân đội Mỹ cho biết, nếu chỉ sử dụng MCLC, Ukraine không thể giành chiến thắng trong một cuộc giao tranh. Nhưng nếu không có thiết bị này, Ukraine chắc chắn sẽ thất bại. “MCLC là một trong những thiết bị đơn giản về mặt kỹ thuật nhưng lại cực kỳ quan trọng trong việc công phá tuyến phòng thủ”.
Theo ông Mark Hertling, binh sỹ Ukraine có lẽ đã sử dụng quá ít MCLC tại Mala Tomachka khiến họ không thể ra phá toàn bộ bãi mìn. Một video về cuộc tấn công của Ukraine ở gần thành phố Bakhmut, thuộc tỉnh Donetsk cho thấy, các lực lượng Ukraine cùng lúc khai hỏa rất nhiều tổ hợp rà phá bom mìn M58 để vượt qua trận địa của đối thủ.
Tổ hợp rà phá bom mìn đã từng được sử dụng trong Thế Chiến 2. Quân đội Liên Xô giới thiệu xe quét mìn UR-77 vào năm 1977, còn quân đội Mỹ cho ra mắt tổ hợp rà phá bom mìn M58 vào năm 1988. Cơ chế hoạt động của 2 hệ thống này tương tự nhau. Mỗi tổ hợp có thể phá hủy trận địa mìn có chiều dài 100m, rộng 8m.
Theo học thuyết của Liên Xô, MCLC là thiết bị thiết yếu của các tiểu đoàn công binh, nhằm dọn đường và hỗ trợ cho các đơn vị tiến công trên tiền tuyến. Công binh được đào tạo chuyên sâu về việc sử dụng các thiết bị công binh, có nhiệm vụ rà phá bom mìn, xây công trình phòng thủ, gây thương vong cho đối phương thông qua việc sử dụng chất nổ …
Vấn đề đối với các thiết bị rà phá bom mìn là chúng không có hệ thống bảo v., vì thế rất dễ bị tấn công bằng các loại đạn pháo thông thường. Trong cuộc xung đột tại Irab vào tháng 4/2003, khi Sư đoàn bộ binh số 3 của Mỹ thực hiện chiến dịch “Thunder Run” (Cuộc tấn công sấm sét), họ đã phải đưa ra lựa chọn khó khăn là bỏ lại các tổ hợp M-58.
Ông Jonathan Peterson cựu Thiếu tá Thủy quân lục chiến Mỹ cho biết, tổ hợp rà phá bom mìn đã bị bỏ lại phía sau và quân đội Mỹ đã cho nổ tung chúng để tránh thiết bị rơi vào tay đối phương.
Hiện cả Nga và Ukraine có những cách thức rất sáng tạo để sử dụng MCLC. Các lực lượng Nga ở miền Nam Ukraine đã tích hợp dây cáp chứa chất nổ này vào một chiếc xe kéo bọc thép cũ để biến phương tiện thành thiết bị nổ cải tiến. Ngoài ra, các bên cũng được cho là đã sử dụng thiết bị trong các cuộc giao tranh trong thành phố để tiêu diệt lực lượng của đối phương. Việc triển khai thiết MCLC trong môi trường tác chiến đô thị không chỉ giúp rà phá một lượng lớn chất nổ trong một khu vực rộng lớn với độ chính xác cao mà còn gây áp đảo tâm lý binh sỹ đối phương khi họ ở trong khu vực bị ảnh hưởng.
Theo giới phân tích, dù vẫn còn nhiều hạn chế, nhưng không thể phủ nhận vai trò của MCLC trên chiến trường. Trong các cuộc xung đột tương lai, thiết bị này có thể ngày càng được sử dụng rộng rãi hơn. Để MCLC phát huy hiệu quả tối ưu, chúng cần được sự yểm trợ của hệ thống phòng không và pháo binh./.