Cách trang trí mâm ngũ quả ngày Tết ở ba miền Bắc - Trung - Nam

Cùng cách gọi, cùng mang ý nghĩa mong cầu cho một năm mới tốt lành nhưng mâm ngũ quả ở ba miền Bắc - Trung - Nam lại có nhiều khác biệt rõ rệt.

Lễ vật thắp hương của người Việt Nam luôn có trái cây, nhưng trái cây dâng lễ dịp Tết Nguyên đán phải là mâm ngũ quả. Việc bày mâm ngũ quả vừa là để tăng sự trang trọng, thành kính đối với thần linh, tổ tiên, vừa là hoạt động trang trí ngày Tết, giúp không gian nhà ở thêm phần ấm cúng, đậm không khí xuân.

Sở dĩ gọi là mâm ngũ quả vì có sự xuất hiện của 5 loại quả khác nhau. Tuy vào từng miền, gia chủ sẽ lựa chọn các loại quả phù hợp.

Nguồn gốc, ý nghĩa của mâm ngũ quả

Sự hiện diện của mâm ngũ quả ngày Tết xuất phát từ thế giới quan cổ của phương Đông, cụ thể là thuyết Ngũ hành, cho rằng thế giới được tạo nên từ 5 yếu tố là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Năm loại quả bày trên mâm cúng tương ứng với ngũ hành, thể hiện sự cân bằng, trọn vẹn trong lễ vật dâng cúng cũng như cầu mong sự cân bằng, trọn vẹn trong đời sống.

Số 5 là số lẻ, thuộc dương, tượng trưng cho sự sinh sôi, nảy nở, phát triển.

Nhiều Phật tử cho rằng mâm ngũ quả có nguồn gốc từ đạo Phật. Hình ảnh trái cây 5 màu xuất hiện trong kinh Vu lan bồn (Ullambana Sutra); 5 màu đó tượng trưng cho "ngũ thiện căn" gồm: Tín căn (lòng tin), tấn căn (ý chí kiên trì), niệm căn (ghi nhớ), định căn (tâm không loạn), huệ căn (sáng suốt).

Trong văn hóa Việt, số 5 còn tượng trưng cho mong muốn được “ngũ phúc lâm môn” - đón ngũ phúc vào nhà. Ngũ phúc gồm: Phú quý (sung túc, giàu có), trường thọ (sống lâu), khang ninh (khỏe mạnh, an lành), hảo đức (nhân từ, lương thiện) và thiện chung (may mắn).

Ngày nay, nhiều người sáng tạo ra nhiều cách bày mâm ngũ quả đẹp mắt. Họ cho thêm nhiều loại quả khác nhau chứ không nhất thiết gồm 5 loại quả như trước kia.

Cách trang trí mâm ngũ quả ngày Tết

Vì mâm ngũ quả sẽ được bày lên ban thờ trong suốt các ngày Tết nên mọi người thường chọn những quả vừa chín, hoặc quả ương, không trầy xước, còn cuống xanh. Không sử dụng trái cây giả, trái cây đã quá chín.

Với người dân miền Bắc, mâm ngũ quả cần tuân thủ đúng ngũ hành, được phối theo 5 màu: Kim - màu trắng, Mộc - màu xanh, Thủy - màu đen, Hỏa - màu đỏ, Thổ - màu vàng.

Các loại trái cây thường xuất hiện trong mâm ngũ quả của người miền Bắc là chuối xanh, bưởi vàng, phật thủ, quất, dứa. Trong đó, chuối xanh bày theo nải là biểu tượng của sự quây quần, sum vầy, thường được đặt ở dưới cùng để đỡ lấy các loại quả khác.

Mâm ngũ quả của người dân miền Bắc thường không thể thiếu nải chuối xanh và quả bưởi vàng.

Mâm ngũ quả của người dân miền Bắc thường không thể thiếu nải chuối xanh và quả bưởi vàng.

Mâm ngũ quả của người miền Trung có các loại quả đặc trưng như bưởi, chuối, dưa hấu, dứa, sung, cam, quýt. Tùy theo từng địa phương với đặc trưng về khí hậu, sản vật mà người ta chọn quả để bày mâm, thường vẫn có nải chuối lớn đỡ ở dưới, các loại quả khác bày lên trên, chú trọng đầy đủ màu sắc.

Những quả to, nặng để ở dưới cùng, những quả nhỏ được xếp đan xen lẫn nhau để tạo nên sự hài hòa.

Mâm ngũ quả của người miền Trung thường không cầu kỳ.

Mâm ngũ quả của người miền Trung thường không cầu kỳ.

Người miền Nam chọn bày mâm ngũ quả chủ yếu dựa theo cách phát âm, ưu tiên những trái cây mà tên có âm gần với những từ biểu thị sự may mắn, tốt lành.

Mâm ngũ quả ở miền Nam thường gồm với các loại quả tương ứng với cách phát âm cụm từ “cầu sung vừa đủ xài”, cụ thể là mãng cầu (cầu chúc những điều tốt đẹp), sung (mong muốn sung túc), dừa (vừa đủ, không thiếu), đu đủ (đủ đầy, sung túc), xoài (phát âm gần giống chữ xài với ý nghĩa cả năm tiêu xài không thiếu thốn).

Người miền Nam thường chọn các loại quả theo cách phát âm, không phải theo màu sắc.

Người miền Nam thường chọn các loại quả theo cách phát âm, không phải theo màu sắc.

Người miền Nam thường kiêng bày chuối hoặc cam quýt trong mâm ngũ quả. Theo họ, từ "chuối" có phát âm giống với từ "chúi" (có nghĩa cả năm không ngẩng đầu lên được), còn cam quýt có trong câu "quýt làm cam chịu", ám chỉ sự không may mắn.

Minh Hương

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/cach-trang-tri-mam-ngu-qua-ngay-tet-o-ba-mien-bac-trung-nam-ar922493.html