Cách làm việc 'Từ trong quần chúng ra, trở về nơi quần chúng' của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Trong phong cách làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cách làm việc 'từ trong quần chúng ra, trở về nơi quần chúng' là nét nổi bật, đồng thời là một trong những giá trị đặc sắc nhất về phong cách mà Người để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta học tập và làm theo, nhằm đáp ứng với yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa (XHCN), vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Cách làm việc "từ trong quần chúng ra, trở về nơi quần chúng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh được xuất phát từ nhận thức sâu sắc của Người về vai trò của quần chúng nhân dân trong lịch sử theo yêu cầu của sự nghiệp cách mạng và bản chất chế độ chính trị XHCN.

Trên cơ sở quan điểm quần chúng nhân dân là chủ thể chân chính sáng tạo ra lịch sử, kế thừa, phát triển tinh hoa tư tưởng dân tộc về vai trò của dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không có gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”[1]; “Dân là gốc của nước, của cách mạng”, “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân”, “Dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được. Dân chúng không ủng hộ, việc gì làm cũng không nên”[2]; “Nước lấy dân làm gốc. Gốc có vững cây mới bền. Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”[3]. Từ nhận thức đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với Đảng ta trong hoạch định Cương lĩnh, đường lối, chiến lược cách mạng đã luôn xuất phát từ nguyện vọng, lợi ích cơ bản của quần chúng nhân dân. Nhờ đó đã huy động được sức mạnh vô địch của toàn dân trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, đưa nhân dân ta từ kiếp nô lệ lên địa vị làm chủ đất nước, làm chủ xã hội. Chủ tịch Hồ chí Minh luôn nhấn mạnh, bản chất của chế độ chính trị nước ta là chế độ chính trị XHCN, “nước ta là nước dân chủ, dân là chủ và làm chủ”, cán bộ, đảng viên là “công bộc” của dân, phải luôn đặt quyền lợi của dân lên trên hết thảy.

Không chỉ là lãnh tụ nêu tư tưởng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là một tấm gương sáng trong thực hành tư tưởng. Tư tưởng về cách làm việc “từ quần chúng ra, trở về nơi quần chúng” đã được chủ tịch Hồ Chí Minh thực tiễn hóa một cách mẫu mực, trở thành tấm gương sáng để mọi cán bộ, đảng viên học tập và làm theo. Cách làm việc đó của Người và Đảng ta đã thực sự “đưa chính trị vào giữa dân gian” một cách hiệu quả nhất, huy động được sức mạnh to lớn của toàn dân, làm nên những thắng lợi vẻ vang trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, trong tiến hành công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN đạt được những thắng lợi to lớn vừa qua.

Cách làm việc “từ quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh gồm một số nội dung căn bản sau đây: Luôn lấy quần chúng làm điểm xuất phát đồng thời là mục tiêu cao nhất của mọi chủ trương, chính sách.

Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” (1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Sự lãnh đạo trong mọi công tác thiết thực của Đảng ắt phải từ trong quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng”[4]. Đây là xuất phát điểm đồng thời là mục tiêu của hoạch định và tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách đều vì lợi ích của quần chúng. Từ đó Người yêu cầu mọi cán bộ, đảng viên phải luôn xem xét, nhận thức rõ “cách tổ chức và cách làm việc nào không phù hợp với quần chúng, thì phải có gan đề nghị lên cấp trên để bỏ đi hoặc sửa lại... Cách làm việc nào hợp với quần chúng, quần chúng cần, thì dù chưa có sẵn, ta phải mạnh dạn đề nghị lên cấp trên mà đặt ra”[5].

Phải luôn gần dân, đi sâu vào đời sống của quần chúng nhân dân

Gần dân, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh là Đảng phải đi sâu vào cuộc sống sản xuất, chiến đấu, sinh hoạt của dân, luôn quan tâm và thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của dân. Muốn vậy, cán bộ, đảng viên phải luôn thành tâm, thật sự tin yêu, tôn trọng quần chúng, học hỏi, cầu thị lắng nghe ý kiến góp ý, phê bình của quần chúng, phải khéo léo khơi gợi thì quần chúng mới tâm huyết, bày tỏ thật ý kiến của mình. Người yêu cầu cán bộ, đảng viên: “Bất cứ việc gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương, rồi động viên và tổ chức toàn dân thi hành”. Bởi một điều giản đơn là: “Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách đơn giản, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra”[6]. Do ý kiến và đề nghị của quần chúng thường lẻ tẻ, không tập trung, đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải khéo gom góp lại, sắp đặt lại cho có ngăn nắp, thứ tự, theo nghĩa là phải biết tổng hợp, rồi phân tích, khái quát rút ra kết luận để cùng quần chúng thực hiện. Người còn chỉ ra, vấn đề nào vượt quá thẩm quyền thì cán bộ “phải có gan đề nghị cấp trên” giải quyết. Các kết luận được tổng hợp từ nguyện vọng, ý kiến của quần chúng có giá trị rất quan trọng, trở thành cơ sở luận cứ khoa học cho Đảng, Chính phủ hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách. Người luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên rằng trí tuệ quần chúng là rất lớn, cần đi sâu khai thác, học hỏi, song “học hỏi quần chúng nhưng không theo đuôi quần chúng”[7], “không phải dân chúng nói gì, ta cũng cứ nhắm mắt theo”[8], mà cần có sự chọn lọc chính xác. Thực chất đây là bước lựa chọn, tổng hợp, phân tích, khái quát nguyện vọng, ý kiến của quần chúng để chuyển hóa thành đường lối để lãnh đạo quần chúng.

Phải đi sâu nắm vững tình hình chất lượng cụ thể của quần chúng

Nắm vững tình hình chất lượng cụ thể của quần chúng, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh là phải phân loại được chất lượng quần chúng với các mức hạng khác nhau để có biện pháp làm việc phù hợp thì mới đạt hiệu quả thiết thực. Để làm được, Người yêu cầu: “Việc gì cũng phải điều tra rõ ràng, cẩn thận và phải làm đến nơi đến chốn”[9]. Cách làm việc như vậy sẽ cho phép cán bộ, đảng viên thấu hiểu nguyện vọng, nhu cầu, lợi ích của quần chúng; từ đó dựa chắc vào quần chúng để đưa ra chủ trương, xác định kế hoạch cho sát, đúng. Quan trọng hơn là nó giúp cho công tác tổ chức, động viên, huy động được tiềm năng, sức mạnh to lớn của quần chúng để thực hiện thắng lợi chủ trương, kế hoạch đề ra.

Phải tránh tệ quan liêu xa rời quần chúng

Với quan điểm cán bộ, đảng viên là “công bộc”, “đày tớ của dân”, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nghiêm khắc phê phán thói lên mặt làm “quan cách mạng”, cửa quyền, mệnh lệnh, ức hiếp nhân dân theo kiểu thích làm việc bằng giấy tờ, ngồi một nơi chỉ tay năm ngón, không chịu xuống địa phương kiểm tra công tác; việc gì cũng từ trên dội xuống, dùng mệnh lệnh, chỉ thị để lãnh đạo, dẫn đến những chỉ thị, nghị quyết cấp trên gửi xuống các địa phương có thực hiện được hay không, các đồng chí cũng không biết đến. Hệ quả của cái lối làm việc như vậy theo Người là rất có hại. Nó làm cho chúng ta không đi sát phong trào, không hiểu rõ được tình hình bên dưới cho nên phần nhiều chủ trương của chúng ta không thi hành được đến nơi, đến chốn. Từ đó Người chỉ rõ: “Muốn chống bệnh quan liêu, bệnh bàn giấy, muốn biết các nghị quyết có được thi hành không, thi hành có đúng không; muốn biết ai ra sức làm, ai làm qua chuyện, chỉ có một cách, là khéo kiểm soát”[10]. Công tác kiểm soát nếu được thực hiện tốt thì sẽ biết được ưu điểm, khuyết điểm của từng cá nhân và tập thể đơn vị, “mới biết rõ ưu điểm và khuyết điểm của các mệnh lệnh và nghị quyết”[11].

Từ phân tích luận giải trên cho thấy, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về cách làm việc “từ quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng” có sự thống nhất chặt chẽ, biện chứng giữa lý luận và thực tiễn. Vì vậy nó có tính khoa học cao, bảo đảm tính hiệu quả cho mọi hoạt động Đảng, Nhà nước, của cán bộ, đảng viên trong thực hiện chức năng lãnh đạo, quản lý. Tính khoa học, biện chứng của cách làm việc “từ quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng” thể hiện ở “quy trình” gồm 4 bước cơ bản, có tính hướng dẫn thực hiện cụ thể:

Bước 1: Từ nguyện vọng, sáng kiến của quần chúng khái quát thành các luận cứ khoa học, giữ vị trí là cơ sở xuất phát cho Đảng, Chính phủ hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách.

Bước 2: Đưa đường lối, chủ trương, chính sách trở lại nơi quần chúng để chuyển thành nhận thức tự giác của quần chúng.

Bước 3: Tổ chức, hướng dẫn quần chúng triển khai hiện thực hóa đường lối, chủ trương, chính sách.

Bước 4: Bám sát phong trào quần chúng để lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra; phát hiện cách làm hay, hiệu quả để xây dựng mô hình và nhân rộng phù hợp với điều kiện cụ thể; kịp thời tổng kết, rút ra bài học kinh nghiệm, nhất là hình thành luận cứ khoa học để tham mưu với Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Chính phủ để bổ sung, phát triển đường lối, chủ trương, chính sách.

Hiện nay, Đảng ta đã và đang tiến hành Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng vào Quý I năm 2021. Việc học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng nói chung, trong đó tư tưởng về cách làm việc “từ quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng” có ý nghĩa rất cơ bản và cấp thiết để các tổ chức Đảng, mọi cán bộ, đảng viên quán triệt vận dụng, góp phần đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn dân thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội các cấp, góp phần thực hiện thành công đường lối, quan điểm Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Đại tá, PGS, TS HÀ NGUYÊN CÁT, Học viện Quốc phòng

[1]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb, Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000. t.8, tr.276

[2] . Hồ Chí Minh: Sđd, tâp 5, tr.293

[3] . Hồ Chí Minh: Sđd, tâp 5, tr.409-410

[4] . Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H. 1995, tập 5, tr. 290.

[5] . Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H. 2002, tập 5, tr. 246.

[6] . Hồ Chí Minh: Sđd, tập 5, tr.295.

[7] . Hồ Chí Minh: Sđd, tập 5, tr. 248.

[8] . Hồ Chí Minh: Sđd, tập 5, tr. 293.

[9] . Hồ Chí Minh: Sđd, tập 5, tr. 257.

[10] .Hồ Chí Minh: Sđd, tập 5, tr. 287.

[11] .Hồ Chí Minh: Sđd, tập 5, tr. 288.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ky-niem-130-nam-ngay-sinh-chu-tich-ho-chi-minh/dang-cam-quyen-theo-tu-tuong-ho-chi-minh/cach-lam-viec-tu-trong-quan-chung-ra-tro-ve-noi-quan-chung-cua-chu-tich-ho-chi-minh-618317