Cách khắc phục đỏ mắt khi đeo kính áp tròng

Kính áp tròng (lens) hiện nay được rất nhiều bạn trẻ ưa chuộng, giúp tăng thẩm mỹ, thay đổi màu mắt và thuận tiện hơn trong sinh hoạt. Tuy nhiên, một hiện tượng thường gặp là đỏ mắt khi đeo loại kính này. Nếu nhẹ thì sẽ hết sau vài giờ đến 1-2 ngày, nhưng nếu có tổn thương thì sẽ ảnh hưởng đến mắt.

1. Tại sao đeo kính áp tròng lại gây đỏ mắt?

Khi đeo kính áp tròng sai cách, kính không phù hợp có thể dẫn tới khô mắt, đỏ mắt:

- Khô đỏ mắt: Bình thường mỗi phút chúng ta chớp mắt khoảng 17 lần. Khi xem tivi, điện thoại, đọc sách/báo… thì số lần chớp mắt giảm còn khoảng một nửa. Mỗi lần chớp mắt sẽ mang theo nước mắt có tác dụng bôi trơn nhãn cầu, giúp mắt không bị khô và rửa trôi các dị vật trong mắt, ngăn ngừa nhiễm khuẩn mắt.

Khi đeo kính áp tròng thường xuyên sẽ hút nước mắt, lượng nước mắt tiết ra không đủ cung cấp độ ẩm cho mắt dẫn đến mắt bị khô, dễ nhiễm khuẩn và gây đỏ mắt.

- Làm xước giác mạc: Khi đeo thường xuyên, đặc biệt là kính áp tròng kém chất lượng hoặc vệ sinh không đúng cách sẽ khiến giác mạc dễ bị tổn thương.

Ngoài ra, người sử dụng thường phải dùng tay không để đeo hoặc tháo lens ra. Nếu tay vệ sinh không thật sạch, cùng với bụi bẩn bám ở kính sẽ gây tổn thương giác mạc và gây đỏ mắt.

Cẩn thận khi đeo kính áp tròng gây xước giác mạc.

- Dị ứng: Thành phần của thấu kính cũng như dung dịch vệ sinh mắt kính có thể gây dị ứng. Do đó khi đeo kính áp tròng mắt dễ bị kích ứng khiến mắt bị đỏ, đặc biệt là với người có sẵn cơ địa dị ứng.

- Mắt thiếu oxy: Đeo kính áp tròng có thể khiến mắt không có đủ oxy, làm giảm khả năng hấp thu oxy của giác mạc. Từ đó gây ra các vấn đề như mắt đỏ, khô, mỏi… Hiện tượng này càng dễ xảy ra khi đeo kính áp tròng trong thời gian dài (hơn 8 giờ/ngày); dùng kính áp tròng kém chất lượng, đeo sai cách. Trường hợp mắt thiếu oxy khi đeo kính áp tròng dễ gặp hơn ở thấu kính dành cho người bị tật khúc xạ.

Ngoài các nguyên nhân phổ biến trên đây thì đỏ mắt do đeo kính áp trong có thể nghiêm trọng hơn như biến dạng và thay đổi độ cong giác mạc nếu đeo kính áp tròng quá thường xuyên và không tháo ra đi ngủ, hoặc đeo kính áp tròng có độ cong của kính không hợp với mắt.

2. Khắc phục thế nào?

Mắt đỏ do đeo kính áp tròng nếu nhẹ thì sau khi tháo kính vài giờ sẽ hết, nhưng nếu nặng và không có biện pháp xử trí đúng, kịp thời có thể gây tổn thương thị lực.

Để khắc phục tình trạng đỏ mắt và các bệnh lý ở mắt do đeo kính áp tròng, cần phải phòng ngừa ngay từ đầu.

Theo đó, cần lưu ý:

- Trước khi sử dụng kính áp tròng, tốt nhất là nên tư vấn bác sĩ nhãn khoa để được tư vấn loại kính áp tròng phù hợp nhất.

- Với kính áp tròng mới mua và sử dụng lần đầu, cần phải ngâm trong dung dịch chuyên dụng từ 6 - 8 tiếng trước khi sử dụng.

- Khi sử dụng cần làm theo đúng chỉ dẫn về cách đeo, tháo và cách vệ sinh kính áp tròng cũng như vệ sinh mắt. Mặc dù dùng tay sạch để đeo kính sẽ giúp thao tác nhanh và tiện lợi hơn, nhưng vẫn có nguy cơ khiến mắt bị tổn thương/nhiễm khuẩn. Do đó nên dùng dụng cụ đeo kính chuyên dụng để đảm bảo sạch sẽ vệ sinh.

Sử dụng thuốc nhỏ mắt chuyên dụng cho kính áp tròng.

- Không đeo kính áp tròng khi thời tiết nóng bức, môi trường nhiều khói bụi, vì sẽ khiến mắt dễ bị tổn thương hơn. Nên đeo kính chống bụi để có thể bảo vệ mắt khỏi bụi bẩn khi ra đường.

- Sau khi tháo kính áp tròng, phải bảo quản và vệ sinh sạch sẽ, cất vào hộp đựng chuyên nghiệp theo hướng dẫn sử dụng. Nên thay nước ngâm kính 2 ngày/lần để đảm bảo vệ sinh sạch sẽ.

- Nên nhỏ mắt bằng thuốc chuyên dụng cho kính áp tròng để cung cấp thêm độ ẩm cho mắt.

- Chỉ đeo kính áp tròng tối đa từ 6-8 tiếng mỗi ngày, không đeo quá thời gian đó và càng không nên quên tháo kính trước khi đi ngủ. Nếu đeo trên mắt càng lâu sẽ càng khiến mắt gặp phải các bất lợi như khô mắt, tích tụ bụi bẩn, làm giảm khả năng thẩm thấu oxy cho mắt… từ đó càng làm cho các triệu chứng như đỏ mắt, cộm mắt, viêm kết mạc/giác mạc tăng lên.

- Kiểm tra kính áp tròng trước khi đeo để tránh bị rách và xước, gây tổn thương cho mắt. Thay kính áp tròng đúng thời gian quy định.

- Nếu thấy đỏ mắt sau đeo kính áp tròng thì cần ngừng sử dụng ngay. Sau 1-2 ngày mà tình trạng đỏ mắt không hết, cần đi khám mắt để tìm nguyên nhân và điều trị.

BS. Lê Hà

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cach-khac-phuc-do-mat-khi-deo-kinh-ap-trong-169231110190021022.htm