Cách bố mẹ giúp con giảm áp lực mùa thi
Vì mong muốn con có cuộc sống tốt đẹp hơn, nhiều bố mẹ đã 'vô tình' tạo áp lực lớn khiến con thêm căng thẳng, sợ hãi trước mỗi mùa thi.
Áp lực từ những kỳ vọng
Nhiều cha mẹ cho rằng, phải có áp lực, con mới tiến bộ, học tập nghiêm túc. Thế nhưng, người lớn ít quan tâm xem lực học của con đến đâu, có đáp ứng được với mong mỏi của mình không. Con chỉ học trung bình, nhưng cha mẹ lại muốn chúng phải thi đỗ vào những trường đại học tốp đầu, để sau này ra trường mới có công việc và cuộc sống ổn định. Điều này sẽ khiến con cảm thấy mệt mỏi và mất đi niềm vui của tuổi trẻ.
Áp lực thường bắt nguồn từ nhu cầu của cha mẹ, buộc con làm những gì mình kỳ vọng, dù hoạt động này không phải sở thích, nhu cầu của con trẻ. Hiện, nhiều cha mẹ đầu tư cho con theo học các trường hàng đầu mà trước đây mình không có khả năng theo học, mong ước con đỗ vào đại học, làm việc lương cao ổn định mà không hề tìm hiểu xem con có thực sự thích không.
Cũng chính nỗi sợ con thua kém bạn bè, cha mẹ tạo mọi điều kiện để bù đắp cho con và khi kỳ vọng quá nhiều chính là đặt lên vai con trẻ áp lực lớn và tạo ra stress.
Là người dẫn chương trình (MC) được nhiều người biết đến, MC Phan Anh luôn được khán giả quan tâm. Anh từng giành giải Mai Vàng 2010 ở hạng mục “Người dẫn chương trình được yêu thích nhất”. Phan Anh còn được khán giả biết đến qua một số bộ phim ăn khách như “Lời nguyền huyết ngải”, “Cầu vồng tình yêu”, “Có lẽ bởi vì yêu”… Có một gia đình hạnh phúc, anh chăm chút cho tổ ấm, và đặc biệt là dành sự quan tâm chuyện học hành của con cái.
Phan Anh bày tỏ quan điểm: “Học, học nữa, học mãi chứ không ai học, học nhiều, học thêm. Tôi rất sợ mọi sự nhồi nhét, khiên cưỡng sẽ gây ra phản ứng chống đối tự nhiên, không cách này thì cách khác.
Thế giới tuổi thơ của mỗi người là nền tảng cơ bản để sau này lớn lên sống hạnh phúc. Ai hạnh phúc là người đó thành đạt, chứ ngược lại thì không chắc. Khi con còn nhỏ, cái con cần được “nhồi nhét” là khoảng thời gian được chơi, được quan tâm, được yêu thương trọn vẹn với sự chăm sóc của cha mẹ, gia đình”.
Đừng coi trọng điểm số
Trên thực tế, không phải đứa trẻ nào khi sinh ra cũng có khả năng đáp ứng được mong mỏi học hành giỏi giang của bố mẹ. Thậm chí, nhiều trẻ ở lứa tuổi tiểu học cũng cảm thấy căng thẳng, lo lắng bị cha mẹ mắng vì điểm kém. Vô tình, những điểm số kia khiến trẻ cảm thấy sợ hãi, chán nản việc học và thiếu đi sự vui vẻ khi đến trường.
Nói về việc học của các con, MC Phan Anh cho biết: “Vì các con tôi không bị áp lực từ gia đình trong chuyện điểm số, thành tích nên chúng rất thoải mái. Tuy nhiên, các bạn ấy cũng có sự nỗ lực ở lớp hoặc có những mục tiêu mà các bạn đề ra từ đầu học kỳ. Các con tự thấy phải hoàn thành nếu không sẽ ngượng với bản thân và thầy, cô giáo.
Có lẽ tư duy giáo dục của người lớn là quan trọng nhất, sau đó thì chọn cho con một môi trường học tập lành mạnh, phù hợp sẽ khiến con thực sự hứng thú với cuộc sống và trong mọi hoạt động kể cả việc học”.
Có lẽ không ít ông bố, bà mẹ đã không khỏi giật mình khi nghe con tâm sự rằng “con không có ngày nghỉ”, “bố mẹ ép con phải học thêm”, hay “con ước không bao giờ có bài kiểm tra”... Nếu người lớn quá coi trọng điểm số, đặt ra yêu cầu cao vượt khả năng của trẻ thì sẽ tạo thành áp lực, khiến trẻ luôn sống trong hoang mang, sợ hãi.
Điểm số không nói lên điều gì trong tương lai mỗi người nhưng cách ứng xử của người lớn với điểm số thì tạo ra rất nhiều tiêu cực trong hiện tại.
Về phương pháp giảm áp lực cho con mùa thi, MC Phan Anh chia sẻ: “Việc giáo dục con cái của gia đình tôi được thống nhất của cả cha và mẹ. Chúng tôi luôn đồng hành, tôn trọng, lắng nghe, giúp con có thể phát huy tốt nhất những thế mạnh của bản thân.
Trong học tập, vợ chồng tôi chú trọng để các con tự giác, không áp lực về điểm số, tích cực tham gia với con trong những nội dung được trường, lớp yêu cầu. Và đặc biệt, vợ tôi dành rất nhiều thời gian nói chuyện với con để hiểu một ngày ở trường của con bắt đầu và kết thúc như thế nào? Cách nói chuyện phải tạo được cảm giác mẹ quan tâm con, muốn chơi và học cùng con chứ không phải quản lý xem con làm những gì”.
Trước các kỳ thi, chuyên gia sức khỏe khuyến cáo, cha mẹ cần chú trọng tới việc ăn uống, nghỉ ngơi của con thay vì ép con học nhồi nhét. Điều này không chỉ khiến con mệt mỏi, mà còn tăng thêm áp lực, làm con lo lắng, sợ hãi, ảnh hưởng đến kết quả bài thi.
Để nhận diện dấu hiệu trầm cảm và stress ở trẻ, bác sĩ Tạ Hồng Nhung (Bệnh viện Việt Đức) chia sẻ: Stress thường diễn biến rất âm thầm, tuy nhiên khi trẻ có những hành vi sau, cha mẹ hoặc người chăm sóc cần lưu tâm. Đầu tiên là hành vi tự hủy hoại bản thân. Việc tự làm đau bản thân này là cách để giải tỏa sự bấn loạn trong cảm xúc bản thân của trẻ.
Các dấu hiệu khác là trẻ có những hành vi bất thường, trái ngược với tính cách trước kia như trở nên hung hăng, chống đối hoặc tuân thủ quá mức, có sự rối loạn trong hành vi ăn uống như ăn quá ít hoặc quá nhiều, bị rối loạn giấc ngủ như ngủ quá nhiều hoặc quá ít, buồn chán, giảm kết nối với xã hội...
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/cach-bo-me-giup-con-giam-ap-luc-mua-thi-post637785.html