Các tổ chức quốc tế nhận định gì về tác động của CPTPP tới Việt Nam?

Các tổ chức quốc tế đã đánh giá tích cực tác động của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đối với kinh tế Việt Nam trong ngắn và dài hạn. Tuy vậy, so với TPP-11, mức độ hưởng lợi của Việt Nam giảm đi nhiều.

11 nước thành viên CPTPP. Ảnh: World Bank

CPTPP có thể giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 3,5%

Trong một báo cáo mới công bố ngày hôm nay, sau khi Việt Nam và 10 quốc gia khác vừa ký kết CPTPP, Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá hiệp định này sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế to lớn cho Việt Nam.

Theo báo cáo này, những hiệp định thương mại đa phương như CPTPP sẽ bổ sung động lực cho mô hình tăng trưởng dựa trên đầu tư và xuất khẩu của Việt Nam.

Dựa trên những giả định khiêm tốn, Hiệp định CPTPP dự kiến sẽ góp phần làm tăng thêm 1,1% GDP tính đến thời điểm 2030. Với thêm giả định tăng năng suất vừa phải, CPTPP sẽ góp phần làm GDP tăng thêm 3,5%, ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam cho biết.

Tuy vậy, báo cáo cũng chỉ ra rằng, so với hiệp định TPP-12 (gồm Mỹ), kinh tế Việt Nam ít hưởng lợi hơn. Theo đó, TPP-12 có thể giúp kinh tế Việt Nam tăng thêm 3,6% tính đến năm 2030. Nếu giá định mức tăng năng suất vừa phải, tăng trưởng GDP sẽ được cộng thêm 6,6%.

Tương tự, ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam, dẫn các tính toán cho biết, với việc Mỹ không có mặt trong CPTPP, lợi ích của Việt Nam có thể ít đi so với TPP trước đó. Ví dụ GDP chỉ tăng thêm 1,32% thay vì 6,7%, xuất khẩu tăng thêm 4% thay vì 15%.

WB đánh giá hiệp định này dự kiến sẽ mang lại lợi ích cho mọi nhóm thu nhập. Đến năm 2030, CPTPP dự kiến sẽ giúp giảm 0,6 triệu người nghèo ở mức chuẩn nghèo 5,50 USD/ngày so với kịch bản cơ sở. Tuy vậy, những lao động có tay nghề cao và thuộc nhóm có thu nhập 60% từ trên xuống sẽ được hưởng lợi nhiều hơn.

Thúc đẩy thương mại

Theo tính toán của WB, với CPTPP, xuất khẩu dự báo sẽ tăng thêm 4,2%, nhập khẩu tăng thêm 5,3% và sẽ tăng cao hơn lần lượt ở các mức 6,9% và 7,6% với kịch bản có năng suất tăng.

“Hiệp định mới sẽ mang lại lợi ích trực tiếp cho Việt Nam nhờ tự do hóa thương mại và tăng cường tiếp cận thị trường. Quan trọng nhất là nó sẽ thúc đẩy và tăng tốc quá trình cải cách trong nước trong nhiều lĩnh vực khác nhau,” ông Sebastian Eckardt, Chuyên gia kinh tế WB tại Việt Nam nói.

Tuy vậy, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s đánh giá rằng cùng với Malaysia và Nhật Bản, Việt Nam là nước để tuột nhiều nhất lợi ích thương mại từ CPTPP so với TPP-12 do các nước này được hưởng lợi nhiều nhất từ việc tiếp cận thị trường Mỹ.

Tổ chức này dẫn tính toán của Viện Kinh tế quốc tế Peterson cho rằng, kim ngạch xuất xuất thực tế của Việt Nam – tính đến năm 2015 theo USD – sẽ tăng thêm 8,8% vào năm 2030 trong trường hợp không có CPTPP. Trong khi đó, mức độ tăng này là 30,1% nếu có TPP gốc (có Mỹ).

Với CPTPP, Việt Nam sẽ được tiếp cận dễ dàng hơn các thị trường Canada, Mexico và Peru. Ngoài ra, xuất khẩu hàng hóa sang Nhật Bản và Australia cũng thuận lợi hơn nhờ hàng rào thuế quan giảm.

Các ngành như dệt may, da giày và các ngành thâm dụng lao động khác của Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhiều nhất, Moody’s đánh giá.

Tác động tích cực đến doanh nghiệp

Có đến 63% các doanh nghiệp tại Việt Nam tin rằng Hiệp định Đối tác tiến bộ và toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được ký ngày 8/3 tại Chile sẽ có tầm ảnh hưởng tích cực lên hoạt động kinh doanh của họ trong vòng 2 năm tới, theo kết quả một khảo sát của HSBC.

Tỷ lệ này ở Việt Nam tương đương với tỷ lệ ở Malaysia và cao hơn hẳn mức trung bình 46% tại 6 nước thành viên CPTPP được khảo sát bao gồm Australia, Canada, Malaysia, Mexico, Singapore và Việt Nam.

Nguồn: Khảo sát của HSBC

Ngoài ra, 50% số doanh nghiệp được khảo sát ở Việt Nam cho rằng hiệp định này phù hợp với mình, ngang bằng với Singapore, và chỉ thấp hơn tỷ lệ 60% tại Malaysia. Chỉ 2% doanh nghiệp Việt đánh giá rằng hiệp định này có ảnh hưởng tiêu cực, thấp hơn hẳn tỷ lệ tại các nước còn lại.

“CPTPP là một thỏa thuận lớn và tham vọng đối với Việt Nam. Nó có ý nghĩa to lớn đối với tăng trưởng, việc làm và các mức sống trong tương lai. Đây là thời điểm mà các doanh nghiệp và chính phủ cần tập trung vào việc thực hiện hiệp định này để có thể đạt được các lợi ích một cách toàn diện. Điều đáng khích lệ là rất nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu kỳ vọng đạt được những lợi ích từ hiệp định”, ông Winfield Wong, Giám đốc toàn quốc Khối Dịch vụ ngân hàng doanh nghiệp thuộc HSBC Việt Nam, nói.

Theo WB, dự kiến tăng trưởng đầu tư nước ngoài cũng sẽ kéo theo tăng trưởng ngành dịch vụ và tăng năng suất lao động. Các doanh nghiệp tư nhân trong nước sẽ có thêm cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và nhờ vậy khuyến khích phát triển khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam nhận định, các ngành như dệt may, da giày và sử dụng nhiều lao động của Việt Nam vẫn được lợi. Việt Nam sẽ tận dụng được lợi thế giao thương với các nước thành viên hiệp định, nhất là các thị trường như Canada hay Mexico.

Thúc đẩy cải cách trong nước

Ông Sebastian Eckardt, Chuyên gia kinh tế WB tại Việt Nam, nhận xét: “Thực hiện các cam kết trong CPTPP sẽ thúc đẩy hơn nữa minh bạch hóa và xây dựng thể chế hiện đại tại Việt Nam”.

CPTPP dự kiến sẽ thúc đẩy cải cách trong các lĩnh vực như quản lý cạnh tranh, dịch vụ (dịch vụ tài chính, viễn thông, và gia nhập tạm thời của các nhà cung cấp dịch vụ), hải quan, thương mại điện tử, môi trường, mua sắm của chính phủ, sở hữu trí tuệ, đầu tư, tiêu chuẩn lao động, pháp lý, thâm nhập thị trường hàng hóa, quy tắc xuất xứ, các biện pháp phi thuế quan, khắc phục thương mại, WB nhận định.

Tương tự, Moody’s cho rằng việc giảm các hàng rào thương mại và phi thương mại theo CPTPP phụ thuộc vào các cải cách nhất định ở mỗi nước. Do đó, hiệp định này sẽ giúp thúc đẩy cải cách trong nước.

“Chúng tôi kỳ vọng các nỗ lực cải cách hiện nay sẽ tăng cường tính cạnh tranh và tăng đầu tư, và củng cố chất lượng thể chế trong thời gian tới tại các quốc gia thành viên. Các nước có trình độ quản trị và tính cạnh tranh tương đối thấp như Peru, Việt Nam, Mexico và Brunei sẽ được hưởng lợi nhiều nhất”, Moody’s nhận xét.

Cụ thể, tại Việt Nam, việc ký kết CPTPP và việc kết thúc đàm phán FTA với Liên minh châu Âu cho thấy tính hiệu quả của chính phủ tăng lên, và sẽ góp phần tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi hơn và thu hút thêm FDI.

MINH TUẤN

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/the-gioi/cac-to-chuc-quoc-te-nhan-dinh-gi-ve-tac-dong-cua-cptpp-toi-viet-nam-3438908.html