Các thiên đường du lịch đau đầu vì mùa hè của những chuyến đi trả thù

Sau 2 năm, người dân thế giới lại đổ xô đi du lịch, dẫn đến kỳ vọng về một mùa du lịch hè bùng nổ. Tuy nhiên, sự hồi sinh của lĩnh vực tỷ USD này đang bị cản trở bởi nhiều yếu tố.

Tại hội nghị du lịch ở Phuket tháng trước, thủ tướng Thái Lan quan sát và đặt câu hỏi với những người tham dự.

“Quý vị đã sẵn sàng chưa?”, ông Prayuth Chan-ocha nói, tháo khẩu trang và khởi động lĩnh vực có thể giúp Thái Lan hồi phục kinh tế sau 2 năm đại dịch Covid-19 - đó là du lịch. Và khi đám đông hô to “Rồi!”, đây cũng chính là câu trả lời thay cho người dân toàn cầu, vốn kìm nén sau hai mùa hè phải chôn chân tại nhà phòng dịch.

Tuy nhiên, sự hồi sinh ngành du lịch hậu đại dịch lại không hề dễ dàng. Giới phân tích cho rằng phát triển du lịch hậu đại dịch sẽ không bật căng mạnh mẽ, mà giống như “vừa đi khỏi hang sâu và tối thì gặp phải con đường gập ghềnh”, AP so sánh.

"Mùa hè của những chuyến du lịch trả thù"

Mong muốn khám phá của con người là nhân tố chính giúp du lịch hậu đại dịch đi lên, bất chấp số ca Covid-19 đang gia tăng và lạm phát. Nhưng nhu cầu phát triển kinh tế mới là động lực cho ngành công nghiệp trị giá 3.500 tỷ USD này, tính theo số liệu năm 2019. Ước tính cho thấy 1/10 dân số thế giới đang làm công việc liên quan đến du lịch.

Nhiều địa điểm - đặc biệt là nơi nới lỏng gần như mọi yêu cầu phòng dịch - đang kỳ vọng về một mùa hè đầy nắng và thú vị.

“Nhiều người nói đây sẽ là mùa hè của những chuyến du lịch trả thù”, Theresa Starta - 52 tuổi, cư dân Pittsburgh - nói trong lúc nhìn xuống một con kênh ở Amsterdam, nơi đám đông đổ về thủ đô Hà Lan. "Thật tuyệt khi thấy một số thứ đã quay trở lại”.

Trong khi đó, Sanga Ruangwattanakul - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tại đường Khao San ở Bangkok - cho biết: “Con đường phục hồi hoàn toàn (du lịch) còn rất dài, nhưng ít nhất chúng tôi đã có những bước chập chững đầu tiên”.

Khách du lịch xếp hàng vào tham quan Điện Pantheon tại Rome, Italy hôm 17/6. Ảnh: AP.

Elie Dagher - quản lý nhà hàng La Villa Massenet ở Nice, Pháp - ví von ở đây “đã là mùa hè kể từ mùa xuân”. Ông nói kể từ tháng 4, quán rượu chật cứng khách từ Scandinavia và Hà Lan, Vương quốc Anh và Mỹ.

Ở Branson, Missouri, đại dịch không ảnh hưởng gì tới nơi nổi tiếng với các buổi biểu diễn nhạc đồng quê và điểm tham quan ngoài trời. Lynn Berry, phát ngôn viên Văn phòng Hội nghị và Du khách Branson, cho biết vào năm ngoái, nơi này đón kỷ lục 10 triệu lượt khách, và đang trên đà ghi nhận mức cao mới.

Jeff Johnson, quản lý công viên Shepherd of the Hills, cho rằng khi nơi này ngừng hoạt động một thời gian ngắn vào năm 2020, lượng khách trung thành đã đến các bang và thành phố lân cận. “Khi chúng tôi mở cửa trở lại, mọi thứ lại về như cũ”, ông nói.

Tại Italy, số lượng lớn khách du lịch - đặc biệt là từ Mỹ - đã quay trở lại. Vào thời điểm Italy nới lỏng các biện pháp phòng dịch hồi tháng 4, “một cơn sóng thần” khách Mỹ đặt phòng với tốc độ chưa từng thấy đã xuất hiện.

Sự trở lại của du khách cũng thổi luồng sinh khí mới vào du lịch Thái Lan. Theo ông Ruangwattanakul, con phố “Tây ba lô” nổi tiếng của Bangkok, đường Khao San, đón tới 5.000 du khách mỗi ngày - một con số đầy hứa hẹn. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa nhằm nhò gì so với 30.000 khách/ngày trước đại dịch.

Sự hồi sinh mong manh

Tuy vậy, bất chấp du khách đang đổ dồn về các điểm du lịch, thách thức vẫn phủ bóng lên sự lạc quan hậu đại dịch. Dự báo cho thấy ít nhất là năm 2024, ngành này mới có thể phục hồi hoàn toàn. Ngành du lịch đang chứng kiến một loạt các vấn đề, như lạm phát, gián đoạn chuỗi cung ứng, gia tăng ca nhiễm hay thiếu lao động.

Trước khi bước sang tháng 7, “hỗn loạn” trở thành từ để miêu tả cảnh tượng khi đi lại vào mùa hè 2022. Các sân bay và hãng hàng không không thể đáp ứng đủ nhu cầu của hành khách, dẫn đến việc các chuyến bay bị hủy, hành lý thất lạc và đủ loại “ác mộng” khác. Khách du lịch thì hoang mang, đành phải chọn chuyến đi ngắn ngày hơn, trong khi khách sạn và công ty lữ hành khó lên kế hoạch tham quan cho khách.

Chiến sự ở Ukraine cũng gây thêm rủi ro cho ngành du lịch, góp phần thúc đẩy lạm phát - một trở ngại lớn ngay cả khi “nỗi đau” đại dịch đã đi qua. Việc du khách nước ngoài đổ xô đến điểm du lịch nổi tiếng - nơi gặp vấn đề về chuỗi cung ứng - khiến mọi thứ đắt đỏ hơn.

Không chỉ vậy, ngay cả khi hạn chế phòng dịch đã dỡ bỏ, an toàn vẫn là mối quan tâm hàng đầu của nhiều người.

“Điều quan trọng nhất đối với mọi người khi quyết định đi nghỉ là sức khỏe và sự an toàn. Luôn luôn là vậy”, Simon Hudson - Giáo sư trong lĩnh vực du lịch tại Đại học Nam Carolina - cho biết. "Cần mất thêm thời gian để suy nghĩ này thay đổi”.

Du khách và người dân rảo bước trên đường phố Saint Jean de Luz, tây nam nước Pháp hôm 20/6. Ảnh: AP.

Thái Lan chính là ví dụ rõ nét cho những khó khăn phục hồi du lịch hậu đại dịch, khi khách Trung Quốc có thể coi là nhân tố chính. Năm 2019, du khách Trung Quốc chiếm 1/4 lượng khách quốc tế đến Thái Lan. Nhưng hiện tại, việc Trung Quốc theo đuổi chính sách Zero Covid-19 cho thấy khó có khả năng lượng khách tương đương sẽ sớm quay lại Thái Lan.

Ở những nơi khác trên thế giới, Israel đang phải vật lộn để chào đón lại 4,5 triệu lượt khách giống như năm 2019. Mặc dù đã dỡ bỏ hết hạn chế phòng dịch, Israel hạ mục tiêu xuống còn một nửa trong năm nay.

Không chỉ vậy, xung đột chính trị cũng góp phần cản trở nỗ lực này, ví dụ như làn sóng đụng độ với Palestine hồi mùa xuân, hay liên minh cầm quyền Israel vừa sụp đổ.

Tuy nhiên, Bộ Du lịch Israel vẫn báo cáo bước phát triển chậm nhưng ổn định. Các ngày lễ tôn giáo lớn vào mùa xuân giúp tăng lượng khách tháng 4, trong khi tháng 5 ghi nhận số khách tăng khoảng 57% so với cùng kỳ 2 năm trước.

Nhưng sự phục hồi này không đồng đều, đặc biệt là ở khu vực Bờ Tây.

"Chúng tôi mong đợi có nhiều người đến trong tháng 5, 6 và tháng này, nhưng mọi thứ vẫn diễn ra rất chậm", Wisam Salsaa - quản lý của khách sạn The Walled Off ở Bethlehem, thành phố cổ kính nơi Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến đến thăm trong chuyến đi tới Israel và Saudi Arabia vào tháng 7 - cho biết.

Khách sạn này vốn rất nổi tiếng, nhưng đang gặp khó khăn. Quản lý đã phải điều chỉnh lượng nhân viên từ khoảng 50 người xuống còn 32. Trong tháng 6, tỷ lệ lấp đầy các phòng chỉ đạt khoảng 30%.

"(Sự hồi sinh) Lĩnh vực du lịch ở đây rất mong manh", ông Salsaa nói.

Phương Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cac-thien-duong-du-lich-dau-dau-vi-mua-he-cua-nhung-chuyen-di-tra-thu-post1331765.html