Các thị trường tài chính đang xung đột với Fed

Khi giới đầu tư đặt cược lớn rằng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm nới lỏng cuộc chiến chống lạm phát, Fed cần phải đẩy lùi kỳ vọng đó để ngăn các thị trường 'cầm đèn chạy trước ô tô'. Với chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ đang tăng chậm lại nhưng vẫn còn ở mức cao, Fed sẽ không muốn lợi suất trái phiếu giảm nhanh và giá cổ phiếu tăng vọt vì điều này có thể thúc đẩy lạm phát tăng mạnh trở lại.

Tại cuộc họp báo đầu tháng 11, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã bày tỏ quan điểm sẵn sàng tăng lãi suất cao đến mức cần thiết để dập tắt lạm phát ngay cả khi Fed đã báo hiệu giảm nhịp độ tăng. Ảnh: Getty

Tại cuộc họp báo đầu tháng 11, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã bày tỏ quan điểm sẵn sàng tăng lãi suất cao đến mức cần thiết để dập tắt lạm phát ngay cả khi Fed đã báo hiệu giảm nhịp độ tăng. Ảnh: Getty

Tuần trước, giới đầu tư đã chứng kiến sự nhạy cảm cực độ của các thị trường tài chính Mỹ, khi dữ liệu của Bộ Lao động Mỹ công bố hôm 10-11 cho thấy lạm phát trong tháng 10 của nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng dưới mức dự đoán. Thông tin này thúc đẩy các nhà đầu tư mua mạnh trái phiếu chính phủ Mỹ, khiến lợi suất giảm sâu (lợi suất biến động trái chiều với giá trái phiếu). Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm 31,3 điểm cơ bản, xuống còn 3,828%, mức giảm lớn nhất trong một ngày kể từ ngày 18-3-2009. Lợi tức trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 2 năm cũng giảm mạnh nhất kể từ cú sụp đổ của Ngân hàng đầu tư Lehman Brothers đã kích hoạt cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Chỉ số ICE US Dollar, đo lường sức mạnh của đồng đô la Mỹ so với rổ tiền tệ của các đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, giảm 3,85% trong hai ngày, chỉ thấp hơn một chút so với mức giảm 4,08% trong hai ngày sau khi Thỏa ước Plaza giữa Mỹ, Tây Đức, Anh, Pháp và Nhật Bản được ký kết ngày 22-9 -1985 nhằm làm suy yếu đồng bạc xanh.

Thị trường cổ phiếu cũng tăng vọt trong ngày 10-11, với chỉ số S&P 500, theo dõi cổ phiếu của 500 công ty đại chúng có vốn hóa lớn nhất Mỹ, tăng 5,5%.

Tuy nhiên, trong bài viết đăng trên Wall Street Journal hôm 16-11, cây bút bình luận thị trường tài chính James Mackintosh cho rằng các thị trường đã phản ứng thái quá. Ông nói dữ liệu lạm phát chỉ cải thiện nhẹ so với dự báo trong một tháng đơn lẻ là chưa đủ để tạo ra nền tảng vững chắc hỗ trợ cho cơn hưng phấn đến mức như vậy.

Theo Mackintosh, sự lạc quan của thị trường đặt Fed vào tình thế khó khăn hơn. Các diễn biến tích cực trên thị trường có thể cản trở nỗ lực chống lạm phát của Fed. Các điều kiện tài chính tốt hơn trên thị trường đã thúc đẩy các công ty đổ xô phát hành trái phiếu sau một thời gian “nằm im” nghe ngóng. Lợi suất của các tài sản có rủi ro cao cũng đang giảm, với mức chênh lệch lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ so với lợi suất của trái phiếu doanh nghiệp hạng rác ở cấp thấp nhất CCC giảm từ 12,61 điểm phần trăm vào hôm 9-11, xuống còn 12,01 điểm phần trăm vào hôm 14-11.

Theo một chỉ số của ngân hàng Goldman Sachs theo dõi các điều kiện tài chính tổng thể của chứng khoán, lãi suất, chênh lệch giữa lợi suất trái phiếu doanh nghiệp và đồng đô la Mỹ đã được nới lỏng với tốc độ nhanh chưa từng thấy kể từ tháng 3-2020 cũng như từ phản ứng khẩn cấp của Fed trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Chỉ số này hiện đã quay trở lại mức trước khi Fed tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm hồi tháng 9.

Tất cả điều này gợi nhớ đợt phục hồi của thị trường hồi đầu tháng 7 sau cú lao dốc trong mùa hè, chỉ khác là diễn ra nhanh hơn nhiều. Các điều kiện tài chính đã nới lỏng ở mức tương tự trong giai đoạn từ tháng 6 đến giữa tháng 8 khi các nhà đầu tư tin rằng Fed sẽ sớm ngừng tăng lãi suất. Tuy nhiên, họ đã sai lầm vì cuối cùng, các nhà hoạch định chính sách của Fed đã lên tiếng và chấm dứt kỳ vọng đó.

Và hiện tại, một quan chức của Fed đã cảnh báo thị trường đang hưng phấn quá mức. Hôm 13-11, Christopher Waller, thành viên Hội đồng thống đốc của Fed, cho rằng các nhà đầu tư đã phản ứng thái quá nếu họ nghĩ rằng dữ liệu lạm phát dịu lại sẽ khiến Fed xem xét chấm dứt chu kỳ tăng lãi suất.

Ông nói: “Thị trường dường như đã đi trước chúng tôi về vấn đề này. Mọi người nên hít một hơi thật sâu để bình tĩnh lại. Chúng ta vẫn còn một chặng đường dài phía trước để đi”.

Vấn đề đối với Fed là khi các điều kiện tài chính dễ dàng hơn, điều này sẽ hỗ trợ nền kinh tế ngay cả khi số liệu lạm phát vẫn đang quá nóng, dù có tăng chậm lại trong tháng 10. Tất nhiên, Fed cuối cùng sẽ phải ngừng tăng lãi suất để tránh tăng trưởng bị bóp nghẹt, nhưng có vẻ như Fed sẽ không muốn kích thích tiền tệ ngay bây giờ, đặc biệt là nếu động thái kích thích đó lệ thuộc vào mong muốn bất chợt của thị trường.

Các nhà đầu tư vẫn có lý khi cho rằng số liệu lạm phát sẽ tác động đến chính sách của Fed. Lạm phát tăng chậm lại có thể khiến Fed cân nhắc nới lỏng tốc độ tăng lãi suất và cơ quan này đang chờ thêm bằng chứng rõ ràng hơn về cách mà chính sách tiền tệ tác động đến nền kinh tế. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là mức lãi suất cao nhất cuối cùng trong chu kỳ thắt chặt tiền tệ hiện tại sẽ thấp hơn so với dự kiến trước đây, như lời Chủ tịch Fed Jerome Powell đã nói rõ trong cuộc họp báo hồi đầu tháng này.

Mức giảm 0,3 điểm phần trăm trong một ngày của lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm như hôm 10-11 là điều cực kỳ hiếm xảy ra và thường được thúc đẩy bởi các sự kiện chấn động như lệnh phong tỏa kiểm soát dịch Covid-19 ở Mỹ vào năm 2020, hay việc Mỹ mất xếp hạng tín dụng AAA vào năm 2011 và cú sụp đổ của Ngân hàng Lehman Brothers vào năm 2008. Mức tăng lạm phát cốt lõi (không bao gồm thực phẩm và năng lượng) của Mỹ 0,3% trong tháng 10 so với tháng trước đó, thay vì 0,5% như dự báo đã không thực sự ấn tượng.

James Mackintosh cho rằng các thị trường chuyển động mạnh theo hướng tích cực không phải vì các yếu tố cơ bản của nền kinh tế cải thiện rõ rệt, mà bởi vì rất nhiều nhà đầu tư cuối cùng đã từ bỏ việc cố gắng dự đoán điểm ngoặt của lạm phát. Lạm phát tháng 10 tăng chậm lại một cách đáng ngạc nhiên đã dẫn đến hội chứng sợ bị bỏ lỡ cơ hội (FOMO) khi những người đã từ bỏ hy vọng, cũng như những người đặt cược lạm phát sẽ giảm nhanh, đổ xô mua cổ phiếu và trái phiếu.

Có thể lần này các nhà đầu tư sẽ được chứng minh là đúng và Fed đã sai. Nhưng chống lại Fed luôn nguy hiểm, Mackintosh cảnh báo. Ngay bây giờ, việc chống lại Fed sẽ tạo ra rủi ro mà chính Fed buộc phải chống lại bằng cách trở nên “diều hâu” hơn, ít nhất là trong giọng điệu, để ngăn chặn các điều kiện tài chính bị nới lỏng quá nhiều. Chắc chắn, Fed không muốn các thị trường thúc đẩy lạm phát tăng mạnh trở lại.

Theo WSJ

Khánh Lan

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/cac-thi-truong-tai-chinh-dang-xung-dot-voi-fed/