Các tập đoàn, tổng công ty phát huy vai trò chủ lực trong nền kinh tế

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN và 19 tập đoàn, tổng Công ty đồng hành vượt qua một năm đầy khó khăn, phát huy vai trò nòng cốt của kinh tế nhà nước.

Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban đã quyết liệt chỉ đạo, giao nhiệm vụ và đồng hành cùng các tập đoàn, tổng công ty vượt qua một năm đầy khó khăn, thách thức, phát huy vai trò nòng cốt của kinh tế nhà nước.

Ông Nguyễn Hoàng Anh - Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban) - chia sẻ với Báo Công Thương.

Thưa ông, những khó khăn chung của kinh tế thế giới năm 2023 đã tác động như thế nào tới hoạt động của các doanh nghiệp do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu?

Nhìn lại chặng đường năm 2023, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, xu hướng tác động mạnh hơn tới kinh tế toàn cầu. Nhiều nền kinh tế lớn đối mặt với tăng trưởng thấp, thậm chí rơi vào suy thoái.

Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban đã quyết liệt chỉ đạo, giao nhiệm vụ và đồng hành cùng các tập đoàn, tổng công ty vượt qua khó khăn, thách thức. Nhờ đó, các tập đoàn, tổng công ty đã hoàn thành ở mức cao nhất nhiệm vụ công tác năm 2023, đóng góp quan trọng phát triển kinh tế - xã hội đất nước, với một số kết quả nổi bật:

Về sản xuất, kinh doanh, tổng doanh thu Công ty mẹ của 19 tập đoàn, tổng công ty đạt 1.135.743,61 tỷ đồng, bằng 105,15% kế hoạch năm 2023 và xấp xỉ bằng cùng kỳ năm 2022; lợi nhuận trước thuế đạt 53.256,32 tỷ đồng (không tính Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN), bằng 166,09% kế hoạch năm 2023 và bằng 110,92% so với cùng kỳ năm 2022; nộp ngân sách nhà nước đạt 79.252,01 tỷ đồng, bằng 199,96% kế hoạch năm 2023 và bằng 120,22% so với cùng kỳ năm 2022.

Ông Nguyễn Hoàng Anh - Chủ tịch Ủy ban Quản lý Vốn Nhà nước tại doanh nghiệp

Đáng chú ý, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) vượt sản lượng khai thác, doanh thu và lợi nhuận đạt được cao nhất trong lịch sử. Tập đoàn cũng đạt tỷ lệ giải ngân cao khi hoàn thành thực hiện đầu tư 8.773 tỷ đồng/9.006 tỷ đồng, tương đương 97% kế hoạch đầu tư. Tổng doanh thu toàn Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã hoàn thành kế hoạch năm trước 2 tháng. Đặc biệt, với sự nỗ lực trong thực hiện tái cơ cấu, đổi mới hoạt động sản xuất, kinh doanh, đến năm 2023, Tổng công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe) có lợi nhuận sau nhiều năm liên tiếp trong tình trạng thua lỗ.

Với vai trò là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp (DN) chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành Công Thương, Ủy ban đã thực hiện đầy đủ và có kết quả các nhiệm vụ được giao. Đã có 8/12 dự án, DN đã được Bộ Chính trị đồng ý chủ trương sau khi có phương án xử lý; một số dự án, DN đã có lãi, giảm lỗ lũy kế, đóng góp cho ngân sách nhà nước, giảm dư nợ trung hạn và dài hạn.

Đối với 3 dự án còn lại giao Ủy ban chỉ đạo việc xây dựng phương án xử lý, gồm Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên (Tisco 2), Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Quý Xa và Dự án Nhà máy gang thép Lào Cai (VTM), Công ty TNHH một thành viên công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS), Ủy ban đã hoàn thiện phương án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và báo cáo Thường trực Chính phủ. Ủy ban sẽ tiếp tục quyết liệt thực hiện đúng chỉ đạo của Thường trực Chính phủ để hoàn thiện phương án trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng được Chính phủ đặc biệt quan tâm đó là tiếp tục đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty. Ủy ban sẽ làm gì để thực hiện nhiệm vụ này, thưa ông?

Nhiệm vụ, mục tiêu đặt ra đối với Ủy ban và các tập đoàn, tổng công ty trong những năm tiếp theo rất nặng nề và có ý nghĩa quan trọng để thực hiện các chiến lược của Đảng và Nhà nước đề ra.

Do đó, Ủy ban sẽ nỗ lực, nghiêm túc, quyết liệt, đẩy mạnh thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp theo định hướng tiếp tục hoàn thiện mô hình Ủy ban. Phối hợp các cơ quan quản lý khác để chỉ đạo DN thực hiện theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước hoàn thiện chính sách, quy hoạch để tạo điều kiện thuận lợi cho DN hoạt động.

Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh thăm hỏi, động viên các công nhân của Tập đoàn Điện lực Việt Nam

Tăng cường, tạo sự chủ động cho DN, người đại diện phần vốn nhà nước tại DN và tích cực phối hợp, hỗ trợ DN hoạt động có hiệu quả; về nguyên tắc, không can thiệp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư của DN.

Bên cạnh đó, Ủy ban chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty thực hiện đầy đủ, đúng tiến độ các nhóm giải pháp. Trong đó, chú trọng bảo đảm các cân đối lớn cho nền kinh tế, cho nguồn thu ngân sách và giải quyết việc làm, thu nhập cho người lao động; thực hiện đúng tiến độ, chất lượng các dự án đầu tư lớn, trọng điểm.

Đề xuất sửa đổi các quy định để có thể điều tiết được các nguồn vốn đầu tư giữa các DN nhà nước; kết nối hoạt động kinh doanh giữa các tập đoàn, tổng công ty theo chuỗi; điều động, bổ sung cán bộ có chuyên môn, năng lực giữa các DN với nhau và giữa Ủy ban với các DN.

Ông dự báo như thế nào về những thách thức trong năm 2024 và giải pháp mà Ủy ban đã xây dựng để có thể vượt qua những thách thức đó?

Theo dự báo, năm 2024, tình hình quốc tế và trong nước tiếp tục có nhiều yếu tố rủi ro, phức tạp, khó lường. Do đó, để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ công tác của năm tới, Ủy ban và các tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu cần nỗ lực, quyết tâm rất lớn để vượt qua khó khăn, thách thức, nắm bắt được cơ hội đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển.

Với kinh nghiệm, sự quyết tâm, tinh thần trách nhiệm cao và kết quả đạt được trong năm 2023 vừa qua, Ủy ban và 19 tập đoàn, tổng công ty sẽ cố gắng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ công tác đề ra; theo đó, một số vấn đề trọng tâm cần đặc biệt chú trọng:

Một là, quyết liệt triển khai Kế hoạch thực hiện Quyết định số 78/QĐ-TTg ngày 19/9/2023 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch triển khai Kết luận của Bộ Chính trị về tổng kết tình hình thực hiện Thông báo số 40-TB/TW ngày 14/9/2017 của Bộ Chính trị về Đề án “Thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước tại DN”.

Hai là, chỉ đạo quyết liệt 19 tập đoàn, tổng công ty triển khai thực hiện các Chiến lược, Kế hoạch, Đề án đã được phê duyệt, góp phần thực hiện thắng lợi Kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư hàng năm và 5 năm.

Ba là, tích cực và chủ động phối hợp với các bộ, cơ quan tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án khó, phức tạp, chậm được xử lý, kéo dài trong nhiều năm, các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu.

Trên tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng, đổi mới tư duy, tiên phong, sáng tạo, năng động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Năm 2024, Ủy ban và 19 tập đoàn, tổng công ty tiếp tục nỗ lực hết sức mình để khẳng định vị thế và vai trò tiên phong, mở đường dẫn dắt của DN nhà nước, đưa đất nước ta vững bước trên con đường đổi mới, hội nhập và phát triển bền vững.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Lan Anh (thực hiện)

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cac-tap-doan-tong-cong-ty-phat-huy-vai-tro-chu-luc-trong-nen-kinh-te-302543-302543.html