Các quan chức Fed nhận thấy áp lực giá đã giảm

Theo biên bản cuộc họp tháng Sáu vừa được công bố, các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tại cuộc họp gần đây nhất thừa nhận nền kinh tế Mỹ dường như đang chậm lại và 'áp lực giá đang giảm dần', nhưng chọn cách chờ đợi thêm thông tin trước khi cắt giảm lãi suất.

Các quan chức Fed nhận thấy áp lực giá đã giảm

Các quan chức Fed nhận thấy áp lực giá đã giảm

Biên bản vừa được công bố đặc biệt ghi nhận chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ chậm lại trong tháng Năm, cùng với một số diễn biến về hoạt động sản xuất và thị trường lao động, củng cố quan điểm rằng lạm phát đang trong xu hướng giảm.

Một số thành viên tham gia cuộc họp lưu ý rằng tăng trưởng tiền lương đã chậm lại, trong khi những người khác chỉ ra việc giảm giá ở các nhà bán lẻ lớn và báo cáo thống kê từ các đầu mối kinh doanh của chính họ rằng giá cả đã giảm.

Nhưng bất chấp xu hướng lạm phát đã tạo dựng được niềm tin rằng nó đang trên đà đi xuống, thì các nhà hoạch định chính sách của Fed vẫn chưa sẵn sàng để cắt giảm lãi suất.

Biên bản cho biết, các quan chức "không kỳ vọng rằng việc hạ thấp phạm vi mục tiêu của lãi suất quỹ liên bang là phù hợp cho đến khi có thông tin bổ sung giúp họ tin tưởng hơn rằng lạm phát đang tiến tới mục tiêu 2%".

Vào thời điểm cuộc họp diễn ra, chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE), thước đo lạm phát yêu thích của Fed, được báo cáo ở mức tăng 2,7% so với cùng kỳ trong tháng Tư.

Biên bản cho biết, các nhà hoạch định chính sách vẫn đánh giá chỉ số này ở mức cao và mới chỉ cải thiện "khiêm tốn" kể từ cuộc họp trước đó của họ, một yếu tố thúc đẩy Fed vẫn duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt bất chấp nền kinh tế dường như đang chậm lại và áp lực giá cả giảm dần.

Chính phủ Mỹ tuần trước báo cáo rằng PCE đã giảm xuống 2,6% trong tháng 5.

Biên bản cho biết: “Đại đa số những người tham gia đánh giá rằng tăng trưởng trong hoạt động kinh tế dường như đang dần hạ nhiệt và hầu hết đều nhận xét rằng họ coi quan điểm chính sách hiện tại là có tính kiềm tỏa”, và do đó có khả năng sẽ kiềm chế hơn nữa nền kinh tế và lạm phát.

Nhưng khi bỏ phiếu để giữ lãi suất chính sách ổn định ở mức 5,25-5,50%, biên bản cho biết: "những người tham gia lưu ý rằng tiến trình giảm lạm phát trong năm nay chậm hơn so với dự kiến của họ vào tháng 12 năm ngoái", với một số người tham gia nhấn mạnh sự cần thiết phải kiên nhẫn trước khi cắt giảm lãi suất và một số khác cho rằng có thể cần phải tăng lãi suất hơn nữa nếu lạm phát tăng trở lại.

Chuyên gia kinh tế trưởng tại J.P. Morgan, Michael Feroli đã viết trong một bản tin nhấn mạnh vào số lượng các yếu tố phù hợp để giảm lạm phát và cho rằng biên bản tương đối "bồ câu".

Trong khi đó, Ian Shepherdson, chuyên gia kinh tế trưởng tại Pantheon Macroeconomics, cho biết biên bản phản ánh quan điểm của ngân hàng trung ương về nền kinh tế là "không giáo điều" và dường như sẵn sàng phản ứng nhanh với bất kỳ thay đổi nào sắp tới trong dữ liệu.

"Fed vẫn không vội vàng bắt đầu nới lỏng, nhưng quan điểm này có thể sẽ thay đổi nhanh chóng nếu như tăng trưởng việc làm chậm lại và lạm phát tiếp tục ở mức vừa phải", Shepherdson viết, đồng thời dự báo Fed sẽ cắt giảm lãi suất nhanh hơn nhiều so với mong đợi của nhiều người, khoảng 1,25 điểm phần trăm vào cuối năm nay, nếu tốc độ tăng trưởng việc làm giảm nhiều như ông dự đoán.

Nhìn chung, các nhà đầu tư mong đợi một đợt cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản tại cuộc họp ngày 17-18/9 của Fed và một đợt cắt giảm khác vào tháng 12.

Chính sách chuyển tiếp

Nguy cơ suy giảm việc làm cũng được ghi nhận trong biên bản vừa được công bố, cũng như các quan chức Fed cần chuẩn bị cho người dân và nhà đầu tư về một số dự báo kinh tế có thể xảy ra.

Nhiều quan chức Fed đã bắt đầu nói về các "kịch bản" thay thế để định hình quan điểm chính sách của họ, và biên bản đã đặt cách tiếp cận đó vào trung tâm của cuộc thảo luận.

Biên bản lưu ý: “Những người tham gia nhấn mạnh tầm quan trọng của việc điều chỉnh các quyết định chính sách trong tương lai dựa trên dữ liệu, triển vọng và sự cân bằng rủi ro”, đồng thời bác bỏ mọi ý kiến cho rằng các quyết định đều đi theo “con đường định sẵn”.

Trong số những khả năng đó, ngày càng có nguy cơ thị trường việc làm có thể chậm lại nhanh hơn nhiều so với dự đoán.

"Một số người tham gia đặc biệt nhấn mạnh rằng với việc thị trường lao động bình thường hóa, nhu cầu suy yếu hơn nữa có thể không tạo ra tình trạng thất nghiệp lớn hơn so với trước đây khi nhu cầu lao động thấp hơn do có ít cơ hội việc làm hơn", biên bản cho biết.

Sau khi lạm phát cao hơn dự đoán vào đầu năm nay làm dấy lên lo ngại Fed có thể "lại chậm" một bước trong cuộc chiến chống lại lạm phát, biên bản dường như xác nhận quá trình chuyển đổi sang chính sách tiền tệ nới lỏng hơn vẫn đang được lên kế hoạch, nhưng phải thận trọng.

Dữ liệu được công bố vào ngày 12/6 cho thấy CPI trong tháng Năm không hề tăng so với tháng trước đó, một diễn biến đáng khích lệ, nhưng nó đã đến sau trong các cuộc họp cân nhắc chính sách của Fed.

Một số người tham gia thị trường đã rất ngạc nhiên khi dữ liệu thuận lợi hơn không được phản ánh đầy đủ hơn trong dự báo của Fed công bố tại cuộc họp tháng trước.

Fed sẽ tổ chức cuộc họp chính sách tiếp theo vào ngày 30-31/7, vẫn được dự đoán sẽ giữ nguyên lãi suất cơ bản.

Đến thời điểm cuộc họp sắp tới diễn ra, các nhà hoạch định chính sách của Fed sẽ nhận được thông tin cập nhật về thị trường lao động với việc công bố báo cáo việc làm tháng Sáu, chỉ số CPI tháng Sáu vào ngày 11/7 và ước tính sơ bộ về tăng trưởng kinh tế quý II vào ngày 25/7.

Đại Hùng

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/cac-quan-chuc-fed-nhan-thay-ap-luc-gia-da-giam-153239.html