Các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội được quy định như thế nào?

* Bạn đọc Nguyễn Văn Nam ở xã An Châu, tỉnh Nghệ An, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội được quy định như thế nào?

Trả lời: Vấn đề bạn hỏi được quy định tại Điều 9, Luật Bảo hiểm xã hội 2024. Cụ thể, các hành vi bị nghiêm cấm như sau:

1. Chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.

2. Chiếm dụng tiền hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

3. Cản trở, gây khó khăn hoặc làm thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đối tượng tham gia, thụ hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

4. Gian lận, giả mạo hồ sơ trong việc thực hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

5. Sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ bảo hiểm thất nghiệp trái pháp luật.

6. Truy cập, khai thác, cung cấp cơ sở dữ liệu về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp trái pháp luật.

7. Đăng ký, báo cáo sai sự thật; cung cấp thông tin không chính xác về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

8. Thông đồng, móc nối, bao che, giúp sức cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

9. Cầm cố, mua bán, thế chấp, đặt cọc sổ bảo hiểm xã hội dưới mọi hình thức.

10. Hành vi khác theo quy định của luật.

* Bạn đọc Nguyễn Văn Tuyển ở xã Yên Trung, tỉnh Bắc Ninh, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, những hành vi nào bị nghiêm cấm trong việc khấu trừ, hoàn thuế giá trị gia tăng?

Trả lời: Vấn đề bạn hỏi được quy định tại Điều 13, Luật Thuế giá trị gia tăng 2024. Cụ thể như sau:

1. Mua, cho, bán, tổ chức quảng cáo, môi giới mua, bán hóa đơn.

2. Tạo lập giao dịch mua, bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ không có thật hoặc giao dịch không đúng quy định của pháp luật.

3. Lập hóa đơn bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trong thời gian tạm ngừng hoạt động kinh doanh, trừ trường hợp lập hóa đơn giao cho khách hàng để thực hiện các hợp đồng đã ký trước ngày thông báo tạm ngừng kinh doanh.

4. Sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn, chứng từ theo quy định của Chính phủ.

5. Không chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử về cơ quan thuế theo quy định.

6. Làm sai lệch, sử dụng sai mục đích, truy cập trái phép, phá hủy hệ thống thông tin về hóa đơn, chứng từ.

7. Đưa, nhận, môi giới hối lộ hoặc thực hiện các hành vi khác liên quan đến hóa đơn, chứng từ để được khấu trừ thuế, hoàn thuế, chiếm đoạt tiền thuế, trốn thuế giá trị gia tăng.

8. Thông đồng, bao che; móc nối giữa công chức quản lý thuế, cơ quan quản lý thuế và cơ sở kinh doanh, người nhập khẩu, giữa các cơ sở kinh doanh, người nhập khẩu trong việc sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn, chứng từ để được khấu trừ thuế, hoàn thuế, chiếm đoạt tiền thuế, trốn thuế giá trị gia tăng.

QĐND

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/cac-hanh-vi-bi-nghiem-cam-trong-linh-vuc-bao-hiem-xa-hoi-duoc-quy-dinh-nhu-the-nao-836024