Các giải pháp nâng cao chất lượng vận tải đường bộ

Những năm qua hạ tầng giao thông của tỉnh, nhất là giao thông đường bộ, được đầu tư phát triển mạnh, công tác quản lý Nhà nước về vận tải được tăng cường theo hướng tạo điều kiện phát triển đa dạng phương thức, đảm bảo theo đúng quy định, cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đi lại của nhân dân thuận tiện, an toàn và nhanh chóng.

Lực lượng Thanh tra chuyên ngành Sở Xây dựng kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô.

Lực lượng Thanh tra chuyên ngành Sở Xây dựng kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô.

Ngành chức năng đã chủ động xây dựng kế hoạch, các văn bản chỉ đạo công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT), trật tự vận tải hành khách trong các dịp cao điểm Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa lễ hội xuân, kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5, Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia…; tham gia các đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị đảm bảo trật tự ATGT và phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân trong dịp nghỉ tết tại các đơn vị vận tải, bến xe và các tuyến giao thông quan trọng;... Tổng hợp, đề xuất báo cáo Bộ Xây dựng quy hoạch chi tiết mạng lưới tuyến vận tải hành khách liên tỉnh. Chỉ đạo các đơn vị kinh doanh vận tải chấp hành nghiêm các quy định trong tổ chức hoạt động vận tải; lộ trình thực hiện các quy định mới tại Nghị định 10/2020/NĐ-CP; tăng cường tuyên truyền, giáo dục đội ngũ lái xe của đơn vị phải chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ, điều khiển phương tiện chạy đúng tốc độ cho phép, không phóng nhanh vượt ẩu, tranh giành khách, ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông…

Mạng lưới vận tải hành khách đường bộ trên địa bàn tỉnh Nam Định ngày càng có sự kết nối tốt hơn với các phương thức giữa các phương tiện đường bộ với nhau như xe buýt, taxi. Luồng tuyến vận tải khách đường bộ đã phát triển hầu hết tới tất cả các huyện, xã. Số lượng đơn vị vận tải hành khách, kết cấu đoàn phương tiện liên tục tăng qua các năm. Các đơn vị vận tải mạnh dạn đầu tư phương tiện mới, chất lượng cao; đổi mới công tác quản trị, điều hành của doanh nghiệp với hệ thống tổng đài đặt vé, phần mềm đặt xe trực tuyến; chất lượng dịch vụ vận tải hành khách ngày càng nâng cao, các đơn vị tập trung cạnh tranh bằng chất lượng phục vụ, nhiều doanh nghiệp đã xây dựng được cho mình thương hiệu vận tải. Vận tải hàng hóa bằng đường bộ đã cơ bản thực hiện mục tiêu là hoạt động trong phạm vi đường ngắn, gom hàng tạo chân hàng cho các phương thức vận tải khác, vận chuyển trên các tuyến mà các phương thức vận tải khác như đường sắt, đường thủy nội địa không thể đáp ứng được. Nhờ đó, hoạt động vận tải đường bộ trên địa bàn tỉnh Nam Định trong những năm vừa qua có bước phát triển khá, mức tăng trưởng bình quân đạt từ 8-10%/năm.

Các đơn vị vận tải có nhiều cố gắng trong việc đổi mới phương tiện, nâng cao chất lượng dịch vụ, trật tự vận tải đã được thiết lập, từ đó đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và trật tự ATGT. Hoạt động phục vụ hành khách trong các dịp cao điểm như Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và các dịp nghỉ lễ trong năm cơ bản được đơn vị tổ chức hiệu quả, an toàn để phục vụ tốt nhu cầu của nhân dân về quê đón tết, nghỉ lễ. Hoạt động vận tải hàng hóa đường bộ được lưu thông thông suốt, thuận lợi theo tinh thần đảm bảo lưu thông hàng hóa, đáp ứng kịp thời nhu cầu của nhân dân, nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp. Hiện nay trên địa bàn tỉnh Nam Định có tổng cộng 396 đơn vị vận tải/2.442 phương tiện (doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh vận tải) tham gia hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ. Trong đó có 199 đơn vị vận tải khách bằng ô tô với tổng số 1.880 xe/37.264 chỗ; 216 đơn vị vận tải hàng hóa với tổng số 559 xe/5.976 tấn tải trọng. Toàn tỉnh có 11 bến xe khách được Sở Xây dựng nghiệm thu và công bố đưa vào khai thác theo các tiêu chí tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bến xe khách (1 bến đạt loại 2, 3 bến đạt loại 3, 6 bến đạt loại 4, 1 bến đạt loại 5). Các bến xe sử dụng phần mềm để quản lý hoạt động xe ra, vào bến và duy trì thực hiện truyền tải dữ liệu đầy đủ, liên tục về máy chủ của Tổng cục Đường bộ Việt Nam theo quy định tại Điều 50 và khoản 4 Điều 51 của Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT. Năm 2024, sản lượng vận tải hành khách ước đạt 25.777 nghìn lượt khách vận chuyển, tăng 9,5% so với năm trước và 1.878 triệu lượt khách.km luân chuyển, tăng 5,7%; vận tải hàng hóa đạt 53.262 nghìn tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 11,4% và 11.715 triệu tấn.km luân chuyển, tăng 12,7%. Trong quý I năm 2025, hoạt động vận tải đáp ứng tốt nhu cầu đi lại, thúc đẩy lưu thông hàng hóa phục vụ sản xuất, kinh doanh. Vận chuyển hành khách tăng 3,5% và luân chuyển tăng 12,8% do nhu cầu đi lại, lễ hội đầu xuân của người dân tăng so với cùng kỳ năm trước. Vận tải hàng hóa đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất, kinh doanh với hàng hóa vận chuyển tăng 15,5% và luân chuyển tăng 25,5%.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện công tác quản lý vận tải còn tồn tại một số bất cập, hạn chế ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh, ổn định và cạnh tranh công bằng của thị trường dịch vụ vận tải. Hiện nay, tình trạng các xe hoạt động khai thác tuyến vận tải hành khách cố định trên địa bàn đang bị cạnh tranh khốc liệt bởi dịch vụ vận tải hàng không giá rẻ đối với các tuyến đường dài và các phương tiện vận chuyển hợp đồng hoạt động trá hình theo hình thức “xe ghép, xe tiện chuyến” (đặc biệt là các tuyến có cự ly dưới 300km đi các tỉnh, thành phố lớn quanh Nam Định như Hà Nội, Quảng Ninh...). Hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt còn gặp nhiều khó khăn do không được trợ giá; chưa có cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển vận tải hành khách bằng xe buýt, chủ yếu hoạt động theo hình thức xã hội hóa, doanh nghiệp tự cân đối chi phí. Phần lớn các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ, quản lý không tập trung; công tác quản lý, sử dụng, điều hành phương tiện và lái xe còn chưa chặt chẽ. Một số đơn vị vận tải, bến xe chưa quan tâm đúng mức trong việc thực hiện các quy định của pháp luật trong tổ chức hoạt động kinh doanh vận tải (công tác quản lý lái xe, phương tiện, công tác theo dõi giám sát hoạt động vận tải của bộ phận theo dõi các điều kiện về ATGT, công tác lưu trữ lệnh vận chuyển…).

Để thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, đảm bảo trật tự ATGT, xây dựng thị trường vận tải cạnh tranh lành mạnh, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải trong thời gian tới, Sở Xây dựng tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh. Trong đó tập trung đôn đốc các đơn vị vận tải thực hiện nghiêm Luật Đường bộ, Luật Trật tự ATGT đường bộ và các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý vận tải để đảm bảo hoạt động vận tải thông suốt, lành mạnh, an toàn, thuận lợi, phục vụ kịp thời cho người dân, doanh nghiệp. Theo dõi chặt chẽ hoạt động của phương tiện qua thiết bị giám sát hành trình tham mưu xử lý vi phạm theo quy định đối với các xe vi phạm về tốc độ, chạy sai hành trình, rà soát thu hồi Giấy phép kinh doanh vận tải đối với đơn vị ngừng hoạt động. Rà soát hoạt động các phương tiện vận tải hành khách theo tuyến cố định năm 2025 tại các bến xe khách trên địa bàn. Tiếp tục theo dõi, khai thác, sử dụng Hệ thống xử lý dữ liệu hình ảnh từ camera lắp trên xe ô tô kinh doanh vận tải theo quy định phục vụ công tác quản lý hoạt động vận tải và xử lý vi phạm theo quy định. Tiếp tục chỉ đạo các đơn vị vận tải tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, phương tiện, đội ngũ lái xe, nhân viên phục vụ đảm bảo an toàn, chuyên nghiệp, thuận tiện trong vận tải hành khách; có kế hoạch bảo dưỡng sửa chữa phương tiện phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân. Theo dõi chặt chẽ, hướng dẫn các đơn vị kinh doanh vận tải về việc điều chỉnh giá cước vận tải để phù hợp với thay đổi các yếu tố đầu vào, kiểm tra việc thực hiện giá cước vận tải bằng xe ô tô, giá dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ theo quy định đảm bảo quyền lợi của hành khách.

Bài và ảnh: Thành Trung,

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/xa-hoi/202505/cac-giai-phap-nang-caochat-luong-van-tai-duong-bo-fcd1867/