Các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm chạy 'nước rút' ngay từ đầu năm
Không cần lễ ra quân rình rang, mang nặng tính hình thức như những năm trước đây, nhịp độ thi công trên tất cả dự án hạ tầng giao thông trọng điểm - đầu tàu giải ngân vốn đầu tư công cả nước, hiện đã trở lại bình thường ngay trong tuần đầu năm mới.
Đáng chú ý là nhiều nhà thầu thi công các dự án thành phần đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông và sân bay Long Thành đã tự tổ chức thi công xuyên Tết Nguyên đán Quý Mão nhằm tránh đánh mất nhịp độ thi công khẩn trương mà họ đã rất vất vả nhen lại trong suốt 2 năm vừa qua.
Cần phải nói thêm rằng, ngoài việc động viên các cán bộ, kỹ sư, công nhân đã vì sự nghiệp chung, tạm gác lại niềm vui đoàn viên khi Tết đến, Xuân về, lãnh đạo các đơn vi thi công còn chấp nhận bỏ ra khoản chi rất lớn để duy trì hoạt động trên công trường. Đây là điều cần thiết trong bối cảnh sức ép tiến độ nhiều dự án giao thông hiện rất căng thẳng, gần như không còn quỹ thời gian dự phòng. Đó là chưa kể việc duy trì những bước nước rút ngay từ đầu năm được coi là yếu tố quyết định khả năng giải ngân toàn bộ 94.000 tỷ đồng vốn đầu công mà Bộ Giao thông - Vận tải được phân bổ năm 2023, trong đó một phần rất lớn là vốn từ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội.
Đây cũng chính là yêu cầu được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính liên tục đưa ra trong chuyến kiểm tra xuyên Tết, xuyên Việt vừa qua, cũng như trong Chỉ thị số 03/CT-TTg, ngày 27/1/2023 về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và trong nước năm 2023 còn nhiều khó khăn, phức tạp, Việt Nam tiếp tục đối diện với những khó khăn, thách thức, cơ hội đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, thì yêu cầu đặt ra lúc này là phải nhanh chóng tập trung vào công việc ngay sau kỳ nghỉ Tết. Theo đó, ưu tiên hàng đầu là giải ngân vốn đầu tư công dù đó là con đường đầy khó khăn, nhưng lại là con đường ngắn nhất để thúc đẩy phát triển kinh tế, bởi đây là một trong 3 động lực tăng trưởng.
Để hoàn thành mục tiêu được đánh giá là chưa từng có tiền lệ, ngoài nỗ lực tự thân của các nhà thầu, các cơ quan đơn vị trong ngành giao thông, thì sự vào cuộc quyết liệt nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các bộ, ngành liên quan đến giải phóng mặt bằng, giải quyết bài toán cung ứng vật liệu, kiểm soát giá cả… được cho là yếu tố then chốt duy trì bước nước rút liên tục trên các công trường trong suốt 12 tháng của năm 2023.
Đối với các dự án đường cao tốc nằm trong Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, yêu cầu đặt ra lúc này là phải khẩn trương hoàn tất công tác lựa chọn nhà thầu, sớm triển khai công trình trên thực địa.
Đây là công việc quan trọng, buộc các chủ đầu tư phải bảo đảm tính khách quan, công khai, minh bạch, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết để lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu tốt, đủ năng lực, tâm huyết, nói là làm, tránh tình trạng nhà đầu tư, nhà thầu đã có công trình tốt trong thực tế, nhưng lại không được tham gia dự án.
Tinh thần là phải quán triệt sâu sắc yêu cầu của Thủ tướng: "Không cài cắm, lợi ích nhóm, làm sao để người làm được ngẩng cao đầu mà làm, công khai, minh bạch, không phải chạy vạy gì cả". Ngoài ra, phải tập trung cắt giảm tối đa khâu trung gian, tránh đội giá, giảm thời gian, thủ tục, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân, doanh nghiệp.
Các địa phương có dự án đi qua và các bộ, ngành liên quan phải tăng cường kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh việc cấp các mỏ nguyên vật liệu, xử lý nghiêm sai phạm, không để tình trạng tài nguyên là của đất nước, nhưng nhiều mỏ đất, đá… lại giao tư nhân quản lý và họ lợi dụng để "bắt chẹt", nâng giá, gây khan hiếm nguyên vật liệu, ảnh hưởng tới tiến độ dự án. Bên cạnh đó, các chủ công trình cần sẵn sàng thay thế những nhà thầu yếu kém khi xét thấy tiến độ và chất lượng thi công không đảm bảo yêu cầu với tinh thần “Không để dự án chậm một ngày, thêm một ngày mắc nợ với nhân dân”.