Các Bộ trưởng giải trình, làm rõ những vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm

Trước những vấn đề mà các đại biểu Quốc hội quan tâm, tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội diễn ra chiều 2/11, 3 thành viên Chính phủ đã trả lời, giải trình, làm rõ những nội dung liên quan đến hoạt động quản lý nhà nước của các ngành.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu giải trình một số vấn đề của ngành nông nghiệp. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phát triển sản phẩm đặc thù, gỡ "điểm nghẽn" đất đai

Về tái cơ cấu nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường khẳng định, triển khai thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, thời gian qua chúng ta đã đạt được những thành tựu hết sức to lớn; nhận thức về tái cơ cấu nông nghiệp ngày càng được nâng cao ở các bộ, ngành, địa phương; quy mô sản xuất ngày càng được mở rộng, hướng tới sản xuất hàng hóa; nhiều doanh nghiệp lớn đã quan tâm đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp…

Tuy nhiên, trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, vẫn còn những hạn chế, tồn tại, trong đó nổi lên là: Quy mô sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng mạnh khoa học-công nghệ hiện đại chỉ mới chiếm tỉ lệ nhỏ; các sản phẩm nông nghiệp làm ra chủ yếu là sản phẩm thô, các cảm phẩm chế biến sâu còn ít, dẫn tới chuỗi giá trị thấp; thị trường thiếu ổn định, thậm chí tiềm ẩn nhiều rủi ro; một số thị trường tiêu thụ lớn sản phẩm của chúng ta vẫn là tiểu ngạch; nhân tố hạt nhân trong tổ chức sản xuất nông nông nghiệp là hợp tác xã chưa có nhiều (hiện tại mới có khoảng 4.000 doanh nghiệp, 12.000 hợp tác xã, 56.000 tổ hợp tác xã, 29.500 trang trại), cho thấy nhân tố chủ chốt trong sản xuất hàng hóa lớn của chúng ta là ít.

Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém là nhận thức về phát triển nông nghiệp, tái cơ cấu nông nghiệp vẫn chưa thực sự đầy đủ ở nhiều cấp chính quyền địa phương; chính sách ban hành nhiều nhưng có một số chính sách không đi được vào cuộc sống và còn có những bất cập; nguồn lực đầu tư, công tác quản lý nhà nước về chuyên ngành có nhiều mặt chưa đáp ứng được yêu cầu…

Về nhiệm vụ thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, cần xác định nhóm sản phẩm lợi thế quốc gia để tập trung đầu tư và thúc đẩy, đó là những nhóm sảm phẩm lợi thế, tạo ra giá trị lớn, có giá trị xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên như: Cá tra, tôm, rau quả, điều, thịt lợn… Đồng thời, tập trung phát triển nhóm sảm phẩm có quy mô lớn, đặc thù, chủ lực ở cấp tỉnh như vải thiểu Lục Ngạn, nhãn lồng Hưng Yên… và nhóm sản phẩm có giá trị cao ở quy mô nhỏ trong các địa phương.

Tập trung tháo gỡ những “điểm nghẽn” để tạo điều kiện cho sản xuất, ở đây nút thắt lớn nhất là vấn đề về đất đai, phải bảo đảm tích tụ đất đai đến ngưỡng cho phép để bảo đảm ứng dụng mạnh khoa học kỹ thuật, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao, đáp ứng cho xuất khẩu.

Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển nông nghiệp, tái cơ cấu nông nghiệp, nhất là chính sách khuyến khích, thu hút doanh nghiệp về đầu tư phát triển ở khu vực nông nghiệp; chính sách phát triển các hợp tác xã…

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà phát biểu. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Môi trường phải song hành với phát triển

Tiếp sau Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cũng đã giải trình, làm rõ những vấn đề liên quan đến lĩnh vực tài nguyên, môi trường.

Về tài nguyên đất, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định, đất đai là tài nguyên vô giá của đất nước, việc sử dụng hiệu quả đất đất đai là yêu cầu cấp bách và cho đến nay, chúng ta chưa làm được điều đó như nhiều đại biểu Quốc hội trong phát biểu thảo luận đã nêu, vấn đề lãng phí đất đai vẫn diễn ra ở nhiều nơi và đây là vấn đề nóng bỏng.

Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục quan tâm tham mưu, xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm khắc phục những tồn tại trong công tác quản lý, sử dụng tài nguyên đất đai; chủ động trong nghiên cứu phương pháp, hiện đại hóa công tác quy hoạch, đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất đai; thúc đẩy chủ trương cho phép tích tụ ruộng đất để phát triển sản xuất quy mô lớn, tạo ra sản phẩm có giá trị cao trên thị trường trong nước và quốc tế.

Cùng với tài nguyên đất, Bộ cũng sẽ tiếp tục tập trung mạnh cho công tác quản lý tài nguyên nước cho sản xuất, sinh hoạt; đẩy mạnh các hợp tác quốc tế và khu vực trong quản lý và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên nước. Nghiên cứu, xây dựng kế hoạch thích ứng tối ưu với biến đổi khí hậu, nhất là đối với các vùng được dự báo bị chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Về khai thác khoáng sản, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định công tác quản lý, khai thác tài nguyên khoáng sản sẽ tiếp tục được thắt chặt theo hướng tăng cường ứng dụng các công nghệ tiên tiến vào khai thác và chế biến khoáng sản; giảm khai thác và xuất thô, hướng mạnh chế biến sâu các loại khoáng sản trước khi xuất khẩu; kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác, khai thác gắn liền với công tác bảo vệ môi trường sinh thái; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động quản lý, khai thác khoáng sản.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng cho rằng, sau một loạt sự cố môi trường, chúng ta nhận thấy môi trường của chúng ta đã đến ngưỡng không thể “chịu” thêm được nữa. Chính vì vậy, đổi mới cơ cấu kinh tế chính là xác lập một vị trí mới của vấn đề môi trường. Trước đây, môi trường thường đi sau hoạt động phát triển thì hiện nay, vấn đề môi trường cần phải đi trước và đi song hành với quá trình phát triển; công tác bảo vệ môi trường phải nằm ngay trong từng dự án đầu tư, trong quy hoạch, chiến lược đầu tư và trong xu lướng phát triển của thế giới.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng nhấn mạnh, sau một số sự cố môi trường thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo, triển khai rất nhiều công việc để giải quyết; tiến hành rà soát toàn bộ các nguồn phát thải. Hiện đã kết thúc thanh tra 137 cơ sở, từ hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp cho tới các ngành xả thải nhiều như khai thác khoáng sản, hóa chất, giấy và đã có những con số rất rõ ràng để thời gian tới cần có những biện pháp quyết liệt, đồng bộ, nghiêm túc trong công tác bảo vệ môi trường cũng như tăng cường hoạt động giám giát công tác bảo vệ môi trường.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân phát biểu. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cùng với 2 vị Bộ trưởng nêu trên, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cũng trả lời, làm rõ nhiều vấn đề cụ thể mà các đại biểu quan tâm về chế độ công chức, công vụ; chế độ công chức cấp xã; vấn đề về bổ nhiệm chức danh đối với cán bộ công chức; chính sách ưu tiên tuyển dụng đối với sinh viên là người dân tộc thiểu số…

Nguyễn Hoàng

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/thoi-su/cac-bo-truong-giai-trinh-lam-ro-nhung-van-de-dai-bieu-quoc-hoi-quan-tam/290590.vgp