Cà Mau thực hiện nhiều giải pháp xóa mù chữ

Làm tốt công tác tuyên truyền và tiến hành nhiều giải pháp, công tác xóa mù chữ ở tỉnh Cà Mau đạt được những kết quả khả quan.

Bộ GD&ĐT công nhận tỉnh Cà Mau đủ điều kiện đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ mức độ 1.

Chung tay xóa mù chữ

Theo Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau, tỉnh vừa được Bộ GD&ĐT công nhận đủ điều kiện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ I. Ngày 29/6/2023, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành Quyết định số 1874 về việc công nhận tỉnh Cà Mau đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1 năm 2022.

Ông Lê Hoàng Dự, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Cà Mau cho biết: Tỉnh Cà Mau được công nhận đạt Chuẩn phổ cập giáo dục Tiểu học và xóa mù chữ vào năm 1998; Phổ cập GDTH đúng độ tuổi, phổ cập THCS sở năm 2008; Phổ cập cho trẻ Mầm non 5 tuổi vào năm 2016. Đến nay, công tác phổ cập được củng cố, duy trì và đạt được những kết quả khả quan.

Đối với Phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi, tỷ lệ huy động trẻ đến trường hơn 97%; Tỷ lệ hoàn thành chương trình hơn 98%; Tỷ lệ trẻ học 2 buổi/ngày hơn 99%. Hằng năm, Phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi toàn tỉnh luôn giữ vững và duy trì ở mức khả quan.

Đối với Phổ cập giáo dục Tiểu học, tỷ lệ huy động trẻ em 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%. Số trẻ 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học đạt hơn 96 %; số trẻ em còn lại trong độ tuổi đang học các lớp tiểu học. Có 219 trường dạy 2 buổi/ngày và dạy trên 5 buổi/tuần, với 108.736/108.736 học sinh, đạt tỷ lệ 100%. Các lớp học này được tổ chức giảng dạy và học tập có chất lượng, nhận được sự đồng tình ủng hộ của cha mẹ học sinh.

Đối với Phổ cập giáo dục THCS, toàn tỉnh có 114 trường THCS và 33 trường THPT, chia làm 1.812 lớp, với 65.570 học sinh. Trẻ 6 tuổi vào lớp 1, đạt 100%. Tỷ lệ thanh thiếu niên tốt nghiệp ở độ tuổi từ 15 - 18 đạt hơn 95%. Tỷ lệ 11 - 14 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học đạt 99%. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp tiểu học, vào lớp 6 đạt hơn 96%. Tỷ lệ tốt nghiệp THCS năm qua đạt hơn 99%.

Đối với xóa mù chữ, số người biết chữ trong độ tuổi từ 15 - 25 đạt mức độ 1 hơn 99%; mức độ 2 hơn 99%. Số người biết chữ trong độ tuổi 15 - 35 đạt mức độ 1 hơn 99%; mức độ 2 hơn 98%. Số người biết chữ trong độ tuổi 15 - 60 đạt mức độ 1 hơn 97%; mức độ 2 hơn 93%.

Theo Sở GD&ĐT Cà Mau, thời gian qua, tỉnh chú trọng tổ chức tuyên truyền rộng rãi đến mọi người dân, ở mọi địa bàn dân cư trong tỉnh. Nhất là các địa bàn còn nhiều người mù chữ về tầm quan trọng và sự cần thiết của việc đảm bảo quyền được biết chữ của mọi người đối với sự phát triển của mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng. Biết chữ có mối quan hệ mật thiết với hiệu quả trong xóa đói, giảm nghèo và thực hiện các quyền cơ bản khác, góp phần xây dựng xã hội học tập, xây dựng nông thôn mới.

Học sinh vùng sông nước Cà Mau đến trường.

Nhiều giải pháp xóa mù chữ

Kết hợp giữa tuyên truyền trên hệ thống thông tin đại chúng với tuyên truyền miệng, khẩu hiệu, biểu ngữ, pa nô, áp phích, phát động thi đua… Biên soạn, in ấn, phát hành các tài liệu tuyên truyền về công tác chống mù chữ (sách mỏng, tờ gấp, áp phích, băng rôn…). Đề cao trách nhiệm tuyên truyền của các tổ chức, hội, đoàn thể đến các hội viên, đoàn viên tự giác xóa mù chữ và vận động người chưa biết chữ đi học xóa mù chữ. Xóa mù chữ là giải pháp quan trọng để nâng cao trình độ dân trí và chất lượng tổ chức, hội viên, đoàn viên của các đoàn thể và lực lượng lao động xã hội.

Đặc biệt, tỉnh Cà Mau đổi mới công tác quản lý, tổ chức lớp học xóa mù chữ phù hợp với các nhóm đối tượng. Tiếp tục củng cố, kiện toàn và nâng cao năng lực hoạt động của Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục các cấp. Kịp thời bổ sung nhân sự khi có sự thay đổi các thành viên trong Ban chỉ đạo; tạo sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành giáo dục với các ngành, các tổ chức có liên quan trong công tác chống mù chữ.

Tổ chức điều tra, khảo sát cụ thể, đánh giá khách quan thực trạng người mù chữ, tái mù chữ trong độ tuổi từ 15 đến 60 tuổi (mù chữ hoàn toàn; mù chữ lớp 1, lớp 2, lớp 3) và người chưa học hết lớp 5. Trên cơ sở đó, có kế hoạch cụ thể xóa mù chữ cho từng đơn vị cấp huyện, xã; phân công cán bộ chủ chốt của các xã vận động từng người mù chữ ra lớp học.

Tỉnh tổ chức các lớp học xóa mù chữ phù hợp với tập quán sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số; phù hợp với đối tượng người học. Phát huy vai trò của các trưởng khóm, ấp trong việc vận động người mù chữ đến lớp học. Tổ chức lớp xóa mù chữ tập trung, mỗi lớp khoảng 5 học viên ở các địa bàn thuận lợi hoặc phân công xóa mù chữ kèm cặp cho 1 đến 2 người ở địa bàn khó khăn và người mù chữ không có điều kiện học tập trung.

Quốc Ngữ

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ca-mau-thuc-hien-nhieu-giai-phap-xoa-mu-chu-post663702.html