BV Việt Đức mổ nhầm chân: Gặp 'lương y' được 'khuyến mãi' những gì?

Khoan lên án sự nhầm lẫn tai hại, hãy thử thống kê xem nếu gặp được “lương y” trên bàn mổ, người bệnh sẽ được khuyến mãi những "dịch vụ" gì.

Nạn nhân bị mổ nhầm chân là anh Trần Văn Th. (37 tuổi, Ứng Hòa, Hà Nội). Anh Th. phải đi tập tễnh do bị liệt dây thần kinh chày trước chân trái, chân phải cũng có vết mổ do trước đây bị gãy xương đùi.

Khoan lên án sự nhầm lẫn tai hại này, ta hãy thử thống kê xem nếu gặp được “lương y” trên bàn mổ, người bệnh sẽ được "khuyến mãi" những gì:

Khuyến mãi đầu tiên mà người bệnh được hưởng là ca phẫu thuật chân lành. Có thể nói, đây là một ca cực khó, hẳn các bác sĩ đã phải tốn nhiều công sức tìm kiếm phương pháp, kỹ thuật mổ phù hợp để điều trị… chân lành cho người bệnh.

Bệnh nhân bị mổ nhầm chân đang nằm theo dõi ở Bệnh viện Việt Đức.

Khuyến mãi tiếp theo chính là bài học vô giá về kỹ năng thích ứng với sự biến đổi… thái độ ở một trong những bệnh viện hàng đầu Việt Nam. Cùng làm việc ở khoa Chấn thương chỉnh hình 3, cùng đứng ra trao đổi với gia đình bệnh nhân, nhưng thái độ của ông Quang - Phó khoa lại khác hẳn sự lắng nghe, tinh thần cầu thị của Trưởng khoa Lê Mạnh Sơn và đại diện Phòng Công tác xã hội bệnh viện.

Sự việc đáng tiếc đã xảy ra, hẳn mong ước lớn nhất của gia đình người bệnh lúc này là anh Th. chóng bình phục, chứ không phải những bù đắp về tiền bạc hay hình thức xử lý kỷ luật ekip mổ. Chuyện “quên” xoay chiều hình ảnh không gian trong não bộ cũng không phải là sai sót hiếm gặp trong y khoa vì khi khám chữa bệnh, bên phải của bác sĩ thực chất là bên trái của bệnh nhân.

Nhưng lời nói “bổ sung” của vị Phó khoa lại mang đầy tính răn đe: “Chúng tôi thiện chí thì gia đình cũng phải thiện chí. Chứ còn nếu đã bung bét ra rồi thì lúc đấy cũng khó. Lúc đấy lại phải dựa vào luật. Luật thì nó phải có thời gian”.

Thế nào là “bung bét”? Và thế nào là “lúc đấy cũng khó”, thưa ông? Phải chăng nếu “lỡ miệng” chia sẻ, thở than với cộng đồng, với báo giới thì gia đình bệnh nhân chỉ còn cách “đợi luật” giải quyết hậu quả? Sao có thể quy ngược trách nhiệm như vậy?

Chẳng những thế, theo Zing.vn, người nhà bệnh nhân cho biết một bác sĩ đã trực tiếp tỏ thái độ uy hiếp gia đình: “Nếu gia đình không giữ kín thông tin mà cung cấp cho báo chí, chúng tôi sẽ không giải quyết tình cảm nữa mà sẽ giải quyết theo pháp luật".

Như vậy, bệnh nhân sẽ được hưởng lợi từ rất nhiều dịch vụ cộng thêm khi lựa chọn “kỹ thuật” mổ nhầm chân”. Ngoại trừ yêu cầu đóng thêm phí để “mổ nốt chân bị bệnh” hơi khó nhằn, các dịch vụ còn lại đều không mất thêm chi phí (!)

Cũng trong ngày hôm qua (19/7), tại hội nghị sơ kết thực hiện “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã khẳng định rằng phải “kiên quyết xử lý nghiêm, đưa ra khỏi ngành” những con sâu làm rầu nồi canh. Vậy nên khi phát hiện được sâu mọt, việc mà nhân dân – những người đóng vai trò giám sát nên làm là chờ đợi ngày “Tết Đoan Ngọ” - thời điểm chúng bị diệt trừ hoàn toàn.

Ngân Hà

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/bv-viet-duc-mo-nham-chan-gap-luong-y-duoc-khuyen-mai-nhung-gi-a250982.html