Bước ngoặt mới cho kinh tế Bình Định

Với tiềm năng phát triển đa dạng, kết hợp chiến lược thu hút đầu tư thích hợp, Bình Định đang dần khẳng định là địa phương đầu tàu của miền Trung trong phát triển kinh tế.

Phát triển chưa tương xứng tiềm năng Tính đến nay, Bình Định có trên 200 dự án trong nước được cấp giấy chứng nhận đầu tư, với tổng vốn đầu tư đăng ký 24.800 tỷ đồng và 33 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn đăng ký hơn 422 triệu USD. Là tỉnh có sức hút lớn về đầu tư của vùng duyên hải miền Trung, nhưng kinh tế của Bình Định chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, cũng như lợi thế sẵn có. Về tiềm năng, ông Nguyễn Văn Thiện, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho rằng, lợi thế của địa phương tương đối lớn khi được Chính phủ quy hoạch thuộc Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, với lợi thế về giao thông (Quốc lộ 1A, Quốc lộ 19...), cảng biển (Cảng quốc tế Quy Nhơn, Cảng nội địa Thị Nại…). Theo ông Thiện, Bình Định là tỉnh có tiềm năng về kinh tế biển, với chiều dài bờ biển 134 km, vùng lãnh hải 2.500 km2, vùng đặc quyền kinh tế 40.000 km2… Đây có thể xem là điều kiện cần để phát triển kinh tế biển, nhất là lĩnh vực du lịch và hải sản. Ngoài ra, diện tích rừng hiện có của Bình Định trên 207.370 ha; trong đó rừng tự nhiên 154.390 ha, rừng trồng 52.980 ha (rừng sản xuất 34.624 ha)... là điều kiện cần thiết để phát triển ngành chế biến gỗ xuất khẩu. Bên cạnh đó, Bình Định có 4 sông lớn là sông Kôn, sông Lại Giang, sông La Tinh và sông Hà Thanh, 135 hồ tự nhiên và nhân tạo, với tổng diện tích 38.000 ha, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển thủy lợi và thủy điện. Đặc biệt, Bình Định có nhiều loại khoáng sản quý hiếm như đá granite (trữ lượng 700 triệu m3), quặng sa khoáng titan (trữ lượng 2,5 triệu tấn ilmenite, tập trung ở các huyện Phù Cát, Phù Mỹ và xã Nhơn Lý – TP. Quy Nhơn). Các mỏ vàng tập trung phân bố ở các khu vực Vĩnh Kim, Vạn Hội, Kim Sơn, Tiên Thuận, trong đó mỏ Tiên Thuận được đánh giá là có tiềm năng lớn nhất. Ngoài ra, còn có các mỏ cao lanh, đất sét (tập trung ở các huyện Phù Cát, Tuy Phước, Tây Sơn) trữ lượng đã thăm dò khoảng 24 triệu m3; đủ để phục vụ công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh… Đánh giá chung về năm 2009, ông Thiện cho rằng, tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp và không bền vững, hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu tăng thấp so với năm 2008. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng trưởng thấp, xuất khẩu giảm; một số sản phẩm công nghiệp thế mạnh của tỉnh giảm sút (sản phẩm gỗ, đường RS, đá xuất khẩu...). Công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, giải phóng mặt bằng của Khu kinh tế Nhơn Hội và các khu, cụm công nghiệp tiến độ thực hiện chậm, quảng bá xúc tiến thu hút đầu tư yếu và có xu hướng giảm, một số dự án đăng ký đầu tư, nhưng chậm triển khai, hoặc triển khai không đúng tiến độ đã cam kết. Tập trung cải thiện môi trường đầu tư Triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2010, tỉnh Bình Định tập trung mọi nỗ lực phấn đấu phục hồi tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt mức cao hơn năm 2009, với tăng trưởng GDP đạt 10%, tổng kim ngạch xuất khẩu 350 triệu USD, tổng chi ngân sách địa phương 3.699,5 tỷ đồng, tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn tỉnh dự kiến huy động 10.500 tỷ đồng, bằng 42% GDP của tỉnh. Để thực hiện mục tiêu trên, ông Thiện cho biết, tỉnh Bình Định đang tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tăng cường quảng bá, xúc tiến đầu tư, đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, phát triển dịch vụ nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tăng cường các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh đầu tư các công trình, dự án có hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh. Trong đó, đặc biệt ưu tiên cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, rà soát các dự án đầu tư chậm triển khai và xúc tiến đầu tư vào các dự án trọng điểm. Cụ thể, chính quyền tỉnh Bình Định đang nỗ lực rà soát các dự án đầu tư, trong đó đáng chú ý là Dự án cảng nước sâu quốc tế Gemadept Nhơn Hội do Công ty cổ phần Gemadept làm chủ đầu tư, với tổng vốn đầu tư gần 1,2 tỷ USD được khởi công từ năm 2007, nhưng do không triển khai được, buộc UBND tỉnh ra quyết định thu hồi và giao Tổng công ty Hàng hải Việt Nam nghiên cứu đầu tư. Ngoài ra, UBND tỉnh sẽ triển khai những giải pháp cụ thể để đôn đốc hỗ trợ các nhà đầu tư nhanh chóng triển khai dự án đúng tiến độ cam kết, như Dự án đầu tư hạ tầng Khu A – Khu kinh tế Nhơn Hội, Dự án đầu tư hạ tầng Khu B – Khu kinh tế Nhơn Hội... “Trong thời gian tới, Bình Định sẽ tăng cường sự chặt chẽ trong ký kết thỏa thuận đầu tư với các nhà đầu tư thông qua việc triển khai quy chế ký quỹ đầu tư, đồng thời hỗ trợ tối đa từ chính quyền đối với nhà đầu tư trong thiết kế, lập quy hoạch dự án đầu tư, cũng nhưng tạo sự kết nối thông tin với các nhà đầu tư. Đồng thời, Bình Định cũng chính thức áp dụng khung giá thuê mặt bằng đầu tư với mức giá cạnh tranh, thuận lợi nhất cho nhà đầu tư”, ông Thiện nhấn mạnh và cho biết, sắp tới, sẽ khởi công xây dựng khu phi thuế quan thuộc Khu kinh tế Nhơn Hội. Cùng với đó, UBND tỉnh sẽ chính thức cấp phép đầu tư Dự án xây dựng hệ thống cấp nước Khu kinh tế Nhơn Hội đến năm 2025 (công suất 90.000 m3/ngày, đêm) cho Công ty TNHH Thương mại Đông Nam Á, với tổng vốn đầu tư 1.400 tỷ đồng… Ngoài ra, Bình Định cũng sẽ công bố danh mục các dự án đầu tư hạ tầng giao thông, phát triển du lịch lớn trong giai đoạn 2010-2015… Có thể nói, Bình Định đang xây dựng cho mình một hình ảnh mới, với những bước đi vững chắc hơn, qua đó tạo nên bước ngoặt phát triển bền vững và hiệu quả hơn trong những năm tiếp theo.

Nguồn Đầu Tư: http://www.baodautu.vn/portal/public/vir/parameterizedviewer/repository/collaboration/sites%20content/live/vir/web%20contents/topic/economy/chance/B%C6%B0%E1%BB%9Bc%20ngo%E1%BA%B7t%20m%E1%BB%9Bi%20cho%20kinh%20t%E1%BA%BF%20B%C3%ACnh%20%C4%90%E1%BB%8Bnh