'Bước ngoặt' gây rung chuyển nước Mỹ
Phán quyết đảo ngược quyền phá thai được cảnh báo sẽ làm thay đổi tiến trình lịch sử của nước Mỹ, báo hiệu một thời kỳ biến động và chia rẽ mới bắt đầu.
Ngày số phận nước Mỹ được viết lại cuối cùng đã tới. Quyết định của Tòa án Tối cao đảo ngược phán quyết về quyền phá thai hôm 24/6 là một tiếng sét pháp lý, chính trị, xã hội xứng đáng với khái niệm "lịch sử", bởi quyết định này sẽ thay đổi cuộc sống của hàng triệu người Mỹ theo rất nhiều cách, có những thay đổi đến nay chưa thể lường trước, theo CNN.
Phe Dân chủ không có cách đáp trả
Dù quyết định của Tòa án Tối cao gây sốc, đặc biệt khi nó đi ngược lại quan điểm của đa số công chúng Mỹ, quyết định này không quá bất ngờ.
Phán quyết hôm 24/6 là kết quả từ chiến dịch thành công đáng kinh ngạc của phong trào bảo thủ ở mọi cấp độ chính trị kéo dài suốt nhiều thập kỷ, từ các nhà hoạt động xã hội, tôn giáo, giới lãnh đạo cánh hữu, cho tới các tổng thống qua nhiều nhiệm kỳ của đảng Cộng hòa.
Chỉ trong ngày 24/6, phe Dân chủ đã trải qua đủ mọi cung bậc cảm xúc, từ chối bỏ sự thật, tức giận cho đến đau đớn, và cuối cùng khẳng định sẽ đáp trả.
Nhưng cũng giống như những gì phe bảo thủ đã trải qua, con đường để đảng Dân chủ có thể lật ngược phán quyết ngày 24/6 của Tòa án Tối cao có thể kéo dài hàng chục năm, thậm chí còn lâu hơn nữa.
"Phán quyết này là đỉnh cao trong nỗ lực kéo dài hàng thập kỷ nhằm thay đổi sự cân bằng trong luật pháp của chúng ta. Phán quyết đã hiện thực hóa một hệ tư tưởng cực đoan, là một sai lầm chiến lược của Tòa án Tối cao. Mọi chuyện sẽ chưa ngã ngũ", Tổng thống Joe Biden tuyên bố.
Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren, một trong những gương mặt tiếng tăm của phong trào cấp tiến của đảng Dân chủ, cho biết phán quyết ngày 24/6 khiến bà "phát điên".
"Chúng ta sẽ sử dụng những công cụ mình có trong tháng 11. Chúng ta sẽ bảo đảm bầu đủ những người tin vào nền dân chủ, để có thể thông qua luật về Roe và Wade", Thượng nghị sĩ Warren nói.
Nhưng cuộc tranh đấu về quyền phá thai ít có khả năng sẽ được giải quyết bởi những người đã ở tuổi thất thập như Tổng thống Biden hay nghị sĩ Warren.
Phe Dân chủ cũng ít có khả năng ngay lập tức đáp trả, bởi vị thế chính trị bấp bênh của đảng lúc này. Nếu muốn khôi phục quyền phá thai ở cấp liên bang, đảng Dân chủ sẽ cần mức độ cống hiến và tập hợp lực lượng tương tự đảng Cộng hòa đã làm suốt hàng chục năm qua.
Đó là một quá trình xây dựng mạng lưới các nhóm chính trị, cùng thúc đẩy vấn đề về một hướng. Các chính trị gia Dân chủ ở mọi cấp độ phải tận dụng thời gian khi nắm quyền để xây dựng cấu trúc chính trị, pháp lý hiệu quả để có thể tạo ra thay đổi, trong bối cảnh hàng chục tiểu bang gần như ngay lập tức sẽ ban hành các luật hạn chế quyền phá thai.
Phá thai là vấn đề cá nhân sâu sắc với nhiều người Mỹ, liên quan tới niềm tin của họ về thời điểm cuộc sống của một sinh linh bắt đầu, cũng như quyền của một cá nhân tự đưa ra quyết định với cơ thể họ.
Đây cũng là một vấn đề nhạy cảm và chia rẽ sâu sắc về mặt chính trị bởi nó đặt ra câu hỏi liệu chính phủ có thể can thiệp vào những câu hỏi đạo đức và pháp lý không, và nếu có thì ở mức độ nào, cũng như Hiến pháp thiêng liêng quy định cụ thể như thế nào.
Phong trào chống phá thai sẽ không dừng lại sau phán quyết ngày 24/6. Một số nhà hoạt động đã lập tức kêu gọi cử tri bầu lên Quốc hội và tổng thống do phe Cộng hòa lãnh đạo, để không chỉ cấm phá thai tại các bang bảo thủ mà thậm chí ngay tại các bang ủng hộ đảng Dân chủ, nơi vừa tuyên bố sẽ kiên quyết bảo vệ quyền phá thai.
Lãnh đạo phe Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell tán dương nỗ lực kéo dài suốt nhiều năm của phong trào bảo thủ đã mang tới phán quyết ngày 24/6.
"Hàng triệu người Mỹ đã dành nửa thế kỷ cầu nguyện, vận động, làm việc để có chiến thắng lịch sử cho nguyên tắc pháp quyền, cho những sinh linh vô tội. Tôi tự hào được đứng bên họ trong suốt hành trình dài ấy, và cùng chia sẻ niềm vui hôm nay", ông McConnell nói.
Hàng loạt hậu quả sắp đến
Phán quyết ngày 24/6 là chiến thắng toàn diện cho phe bảo thủ, và rất khó để đảng Dân chủ có thể lật ngược tình thế, không chỉ bởi những hậu quả pháp lý ngay lập tức, mà còn bởi hàng loạt tác động sẽ đến, một số thậm chí không liên quan tới vấn đề phá thai.
Từ ngày 24/6, lối sống của hàng triệu phụ nữ và nam giới Mỹ sẽ phải thay đổi khi quyền phá thai chắc chắn bị siết chặt ở hàng chục tiểu bang.
Khi mà các bang bảo thủ bắt đầu cấm hoàn toàn việc phá thai, phạm vi quyền của người Mỹ sẽ phụ thuộc vào nơi họ sống hoặc ra đời.
Hãng tin CNN nhận định phá thai là một quyền hiến định mà nay đã bị Tòa án Tối cao tước bỏ bởi chỉ diễn giải Hiến pháp Mỹ theo đúng nghĩa đen. CNN cho rằng, cùng với các diễn biến về quyền sở hữu súng và tôn giáo diễn ra tuần qua, một kỷ nguyên biến động xã hội tại Mỹ sắp đến.
"Nếu một quyền hiến định có thể bị tước đoạt, các quyền khác sẽ thế nào? Hôn nhân đồng giới, các biện pháp tránh thai, thậm chí thụ tinh trong ống nghiệm, cũng có thể bị sờ đến", CNN bình luận dù không đưa ra dẫn chứng cụ thể.
Các phán quyết tuần qua về quyền sở hữu súng và quyền phá thai đã cho thấy quyền lực mạnh mẽ của Tòa án Tối cao với đa số bảo thủ có thể tạo ra thay đổi sâu rộng cho đời sống của người Mỹ.
Bởi các thẩm phán bảo thủ mang trong mình niềm tin tôn giáo sâu sắc, nhiều khả năng sẽ dẫn tới đối đầu giữa Tòa án Tối cao với các thành phần phi tôn giáo đa dạng hơn trong xã hội Mỹ.
Sự khác biệt về niềm tin tôn giáo, cũng như các phán quyết đi ngược quan điểm của đa phần công chúng gần đây, đồng nghĩa những chia rẽ mang tính ý thức hệ trong xã hội Mỹ sẽ càng bị khoét sâu.
Chiến thắng cho ông Trump và phe Cộng hòa
Diễn biến ngày 24/6 đã củng cố "thành tựu" nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Donald Trump, người tự tay bổ nhiệm 3 trong tổng số 9 thẩm phán của Tòa án Tối cao.
Ông Trump là người đã giành lại thế đa số cho phe bảo thủ tại Tòa án Tối cao bằng cách đề cử các thẩm phán thuộc phe bảo thủ và phản đối phá thai.
Một gương mặt khác là Thượng nghị sĩ McConnell, ông đã chứng tỏ là một nhà thao lược tài năng mở ra con đường giúp phe bảo thủ nắm chắc thế đa số tại Tòa án Tối cao. McConnell được coi là một trong những tượng đài chính trị đáng chú ý nhất mọi thời đại.
Neil Gorsuch, Brett Kavanaugh và Amy Coney Barrett là các thẩm phán mà cựu Tổng thống Trump và Thượng nghị sĩ McConnell đã đưa vào Tòa án Tối cao.
Với độ tuổi đều dưới 60, cùng nhiệm kỳ trọn đời, ba thẩm phán này hứa hẹn sẽ thay đổi bộ mặt nước Mỹ trong thời gian dài ngay cả khi hai ông Trump và McConnell rời chính trường.
Bản chất của hệ thống Thượng viện Mỹ giúp đảng Cộng hòa nắm giữ quyền lực lớn lao tại các bang nông thôn ngay cả khi lép vế về số cử tri phổ thông.
Điều này khiến đảng Dân chủ rất khó giành đủ 3/4 số ghế của Thượng viện, yêu cầu tối thiểu để khởi động tiến trình pháp điển hóa phán quyết trong vụ Roe và Wade, tức chính thức đưa quyền phá thai vào Hiến pháp.
Trong ngắn hạn, phán quyết ngày 24/6 có thể tác động tới bầu cử giữa nhiệm kỳ tháng 11 tới. Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, chính trị gia của đảng Dân chủ, cam kết sẽ đảo ngược vấn đề phá thai.
Nhưng khi nước Mỹ đang gặp nhiều thách thức vì lạm phát và giá xăng cao kỷ lục, phe Dân chủ nhiều khả năng sẽ tập trung hơn vào các vấn đề kinh tế nhức nhối, đặc biệt tại những nơi đảng Dân chủ cần thỏa hiệp để giữ lại thế đa số mong manh ở lưỡng viện.
Thực tế mới về phá thai chắc chắn sẽ làm nóng thêm chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2024, khi mà phe Dân chủ có nguy cơ đánh mất cả lưỡng viện và Nhà Trắng.
Cũng như từng xảy ra với Covid-19, vai trò của các thống đốc và cơ quan lập pháp tiểu bang sẽ trở nên cực kỳ quan trọng bởi họ là những người trực tiếp định đoạt về quyền phá thai. Một số tiểu bang đã nhanh chóng cấm phá thai, trong khi một số khác tuyên bố bảo vệ quyền này.
Nhiều khả năng sẽ có tranh cãi về thẩm quyền của các tiểu bang trong ngăn chặn cư dân bang mình phá thai tại một bang khác nơi biện pháp này được cho phép.
Các doanh nghiệp lớn cũng sẽ bị kéo vào cuộc chiến về quyền của nhân viên nữ, điều này có thể ảnh hưởng tới nơi đặt trụ sở, cũng như buộc các doanh nghiệp đánh giá lại đối với những câu hỏi hóc búa liên quan tới chăm sóc y tế.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/buoc-ngoat-gay-rung-chuyen-nuoc-my-post1329828.html