Bước chạy nhỏ, thông điệp lớn qua giải 'Chạy vì rùa'

(SGTT) – Giải “Chạy vì rùa” được tổ chức ngày 3-12 vừa qua đã thu hút gần 500 cá nhân, tổ chức từ 27 quốc gia tham gia. Giải chạy nhằm lan tỏa các thông điệp về bảo tồn, bảo vệ các loài rùa nói chung và các loài rùa nước ngọt nói riêng tại Việt Nam.

“Chạy vì rùa” có sự tham gia của nhiều vận động viên nhí.

Giải “Chạy vì rùa” nằm trong khuôn khổ giải chạy “Song Hong Half Marathon” lần thứ 14 được tổ chức tại Khu đô thị quốc tế Ciputra Hà Nội do Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) phối hợp với Sporting Republic và Cục Kiểm ngư (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) tổ chức. Sự kiện này nhằm thúc đẩy công tác bảo tồn rùa và khuyến khích cộng đồng không mua bán trái phép các loài rùa và sản phẩm từ rùa hoặc nuôi nhốt rùa làm cảnh.

Gần 500 cá nhân, tổ chức tham gia Chạy vì rùa ở Khu đô thị quốc tế Ciputra Hà Nội

Theo ENV, Việt Nam là nơi sinh sống của 31 loài rùa với 25 loài được xếp loại ở mức độ “nguy cấp” (EN) hoặc “cực kỳ nguy cấp” (CR) theo Sách đỏ IUCN và 28 loài được liệt kê trong các danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm theo quy định của pháp luật Việt Nam. Đặc biệt, 13 loài trong số đó bị nghiêm cấm hoàn toàn hoạt động khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại. Tuy được pháp luật bảo vệ nghiêm ngặt nhưng hầu hết những loài rùa của Việt Nam đều đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng cao trong tự nhiên.

Việt Nam là nơi sinh sống của 31 loài rùa.

Bà Nguyễn Phương Dung, Phó giám đốc ENV cho biết: “Việc nuôi rùa làm cảnh, mua rùa để phóng sinh và mua bán các sản phẩm có nguồn gốc từ rùa sẽ đem lại lợi nhuận cho các đối tượng buôn bán và do đó tiếp tay cho hoạt động săn bắt, khai thác rùa trái phép từ tự nhiên. ENV tin rằng mỗi cá nhân cần phải hành động để chấm dứt tình trạng buôn bán và tiêu thụ rùa bất hợp pháp. Một khi nhu cầu không còn nữa, động lực cho các đối tượng săn bắt và buôn bán rùa cũng sẽ bị xóa bỏ, từ đó tạo cơ hội cho các quần thể rùa hoang dã còn sót lại có cơ hội được phục hồi trong tự nhiên”.

Các loài rùa thường bị săn bắt và buôn bán trái phép ở Việt Nam để đáp ứng nhu cầu về thực phẩm và làm thuốc tại Trung Quốc. Tại Việt Nam, các loài rùa mai mềm cũng thường được coi là “đặc sản”. Ngoài ra, rùa còn bị nuôi nhốt để làm cảnh hoặc phóng sinh tại các đền, chùa. Rùa biển cũng thường bị chế tác thành tiêu bản, mai rùa bị dùng làm đồ trang sức hoặc các sản phẩm khác.

Ngọc An

Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị: https://www.sgtiepthi.vn/buoc-chay-nho-thong-diep-lon-qua-giai-chay-vi-rua/