Bước chân âm thầm gác vùng phên dậu Tổ quốc

Bảo vệ chủ quyền biên giới của Tổ quốc, đấu tranh phòng chống ma túy, bộ đội biên phòng Thanh Hóa còn giúp đồng bào vùng biên xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế

Tạo thế trận lòng dân vững chắc

Đến với vùng biên Mường Lát vào những ngày cuối năm, những cây đào già trên núi đã bắt đầu nở rộ, báo hiệu một cái Tết đang đến rất gần. Trong ánh chiều nhập nhoạng, những bản làng người Mông, người Thái, rồi người Dao hiện ra xen kẽ những triền núi cao.

Với xuất phát điểm thấp, điều kiện kinh tế, xã hội nhiều khó khăn, những năm qua, nhờ các chính sách quan tâm của Đảng và Nhà nước, đời sống người dân tộc thiểu số ở vùng biên này đã có nhiều thay đổi. Dù vậy, còn đó nhiều gian khó, tỉ lệ hộ nghèo cao, dân trí thấp. Những kẻ xấu thường lợi dụng địa hình phức tạp này để lôi kéo người dân vào các tệ nạn xã hội như tàng trữ, vận chuyển, mua bán ma túy, mua bán phụ nữ.

Để giữ gìn bình yên cho vùng đất này, lực lượng bộ đội biên phòng huyện Mường Lát đã nỗ lực triển khai nhiều nhiệm vụ, phương án, vừa đấu tranh quyết liệt với tội phạm, vừa mềm mỏng, “dân vận khéo” với nhân dân.

Bộ đội biên phòng giúp dân thu hoạch sắn.

Trên địa bàn huyện Mường Lát có 5 Đồn biên phòng đóng quân, gồm: Trung Lý, Pù Nhi, Tam Chung, Quang Chiểu và Cửa khẩu Tén Tằn, có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ 105km đường biên giới, tiếp giáp 2 huyện Xốp Bâu, Viêng Xay, thuộc tỉnh Hủa Phăn, nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào. Điển hình tại Đồn biên phòng Pù Nhi, thực hiện khẩu hiệu hành động “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt” và với phương châm “4 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào), đơn vị đã thường xuyên tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ bám nắm cơ sở, tham gia xây dựng các công trình dân sinh, giúp dân thu hoạch mùa màng.

Đặc biệt, hưởng ứng phong trào “Bộ đội biên phòng chung sức xây dựng nông thôn mới, Đồn Biên phòng Pù Nhi đã giúp đỡ, hỗ trợ chính quyền và Nhân dân các địa phương hơn 200 ngày công để tu sửa, làm mới 11 km đường giao thông liên bản. Thực hiện hiệu quả chương trình “Nâng bước em đến trường”, “Con nuôi đồn biên phòng”; dự án “Cán bộ, chiến sĩ quân đội nâng bước em tới trường” đơn vị lập danh sách và đưa vào hỗ trợ 20 cháu để hỗ trợ sách, vở, dụng cụ học tập, các nhu cầu thiết yếu như quần áo, giày dép, phương tiện đến trường... Trong năm 2023, đơn vị tổ chức thực hiện chương trình “Bữa sáng yêu thương” cho các em học sinh trên địa bàn xã Pù Nhi và Nhi Sơn với 1.320 suất ăn.

Nồng ấm tình quân dân

Tại bản Suối Lóng, xã Tam Chung, có một lớp học đặc biệt, đó là lớp xóa mù chữ cho đồng bào người Mông do cán bộ, chiến sĩ đồn Tam Chung đứng lớp. Ban đầu lớp học có 33 người, đến nay sĩ số đã tăng lên 50 người. Kế hoạch dạy 1 tuần 3 buổi từ 19h - 21h nhưng với sự tận tụy, nhiệt tình của thầy giáo - những chiến sĩ mang quân hàm xanh- đã khiến bà con muốn đến lớp vào mỗi tối.

Đại úy Đào Nguyên Túc chia sẻ, các anh không chỉ dạy bà con học viết chữ mà còn phổ biến nhiều kiến thức pháp luật bổ ích khác về phòng chống ma túy, chủ quyền biên giới, luật hôn nhân gia đình... giúp nâng cao nhận thức pháp luật cho bà con.

Thầy giáo "biên phòng" mở lớp học xóa mù cho bà con người Mông.

Nhớ về những ngày mới đến lớp học xóa mù chữ, chị Giàng Thị Cong (bản Suối Lóng) còn thẹn thùng, e ngại. Cái tay lâu nay chỉ quen cầm dao chặt ngô, cầm cuốc xới đất, đào sắn chứ không biết cầm bút viết. Thầy Túc thấy chị cứ loay hoay với bút, vở, thầy ân cần cầm tay chỉ bảo, thế mà giờ chị cũng đã viết được tên mình bằng tiếng phổ thông.

“Khi biết chữ, họ có thể nhắn tin, xem tin tức trên mạng xã hội, thậm chí có thể phát triển kinh tế gia đình thông qua các nền tảng mạng xã hội trực tuyến. Trong lớp học còn nhiều chị em phụ nữ trẻ, nếu biết chữ viết họ có thể tự đi tìm công việc khác thay vì chỉ ở nhà hoặc làm nương rẫy. Từ đó, giúp họ xóa đói giảm nghèo, phát huy vai trò của người phụ nữ trong thôn, bản”, Đại úy Túc chia sẻ.

Không chỉ mở lớp xóa mù, các đồn biên phòng ở huyện Mường Lát còn tổ chức các “lớp học đặc biệt”, “tiết học biên cương” góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân và thế hệ trẻ vùng biên đối với chủ quyền của đất nước.

Theo Thượng tá Đỗ Ngọc Sơn, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Đồn Biên phòng Tam Chung, với phương châm “nói cho dân hiểu, làm cho dân tin”, đơn vị đã cử 3 đảng viên tham gia sinh hoạt chi bộ ở 3 bản giáp biên (bản Ón, bản Suối Phái và bản Poọng); tăng cường 2 cán bộ đảng viên làm Phó bí thư 2 chi bộ tại bản Ón và bản Suối Phái. Phân công, giao nhiệm vụ 28 đảng viên phụ trách 127 hộ gia đình ở khu vực biên giới.

Bộ đội biên phòng tặng con giống giúp đồng bào xóa đói giảm nghèo.

Đồng thời, phối hợp với cấp ủy, chính quyền xã Tam Chung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó tập trung tuyên truyền các quy định của pháp luật liên quan trực tiếp đến địa bàn biên giới như: Hiệp định biên giới Việt - Lào, Luật Biên giới quốc gia, Luật Biên phòng Việt Nam, các nội dung có liên quan đến trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tội phạm, tệ nạn ma túy, xuất cảnh trái phép; các chính sách ưu tiên về đầu tư phát triển kinh tế, văn hóa xã hội cho các huyện nghèo theo Chương trình 134, 135, 30a của Chính phủ...

Không chỉ dân vận khéo, lực lượng biên phòng còn quyết liệt trong thực hiện các chuyên án về phòng chống ma túy, đẩy lùi tệ nạn xã hội, giữ gìn sự bình yên cho nhân dân. Bằng những việc làm cụ thể của những người lính bộ đội cụ Hồ đã củng cố lòng tin vào Đảng và Nhà nước, thắt chặt tình quân dân máu thịt, tạo nên thế trận biên phòng lòng dân vững chắc nơi biên giới.

Lương Diễn

Phạm Xuân Chinh

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/buoc-chan-am-tham-gac-vung-phen-dau-to-quoc-a648143.html