Bùi ngùi Bàn Môn – 'nơi chôn nhau cắt rốn' của Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh

Xứ Truồi hôm nay trầm lắng hẳn. Nước sông Truồi dường như cũng lặng lẽ chảy qua từng đoạn làng Bàn Môn, khiến lòng người bùi ngùi khi thông tin Nguyên Chủ tịch nước – Đại tướng Lê Đức Anh từ trần được thông báo rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Nguyên Chủ tịch nước - Đại tướng Lê Đức Anh trong một lần về thăm quê nhà vào năm 2002. Ảnh chụp lại trong cuốn Hồi ký Đại tướng Lê Đức Anh - Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng

“Tôi sinh ngày 1/12/1920 trong một ngôi nhà tranh tại gia đình ông bà nuôi ba tôi ở làng Trường Hà, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Quê gốc tôi ở xứ Truồi, làng Bàn Môn, xã Lộc An, huyện Phú Lộc. Tên ba má đặt là Lê Văn Giác. Năm đầu tiên đi học, mắt kém, lại tên là Giác, vần G thì phải ngồi ở phía sau, nên thầy giáo nói ba má tôi đổi tên sang vần A để được ngồi lên phía trên, nhìn bảng cho rõ hơn. Ba má tôi nhất trí với thầy đổi tên Giác thành Anh. Và tôi mang tên Lê Đức Anh từ đó”. Đây là đoạn mở đầu Chương 1: Tổi thơ và những ngày đầu tham gia cách mạng, trong cuốn Hồi ký Đại tướng Lê Đức Anh – Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng, được chính nguyên Chủ tịch nước chấp bút.

Quê hương Bàn Môn ở xứ Truồi của Nguyên Chủ tịch nước – Đại tướng Lê Đức Anh giờ đây đã đổi thay nhiều. Nhưng những dấu ấn, kỷ niệm gắn với một thời tuổi thơ của người con sông Truồi ấy vẫn còn đó: những bến Bãi, nhà thờ phái 4 họ Lê, nhà thờ ông nội, các bậc thân sinh của cố Chủ tịch, khu nhà lưu niệm Đại tướng…

Về quê hương của Nguyên Chủ tịch nước, chúng tôi được gặp anh Lê Trung Thành – con cháu trong dòng họ Lê đang là người ở và giữ nhà thờ phái 4; được gặp ông Lê Trương (70 tuổi) – người gọi Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh là bác xưng cháu; được nghe ông kể mỗi lẫn Nguyên Chủ tịch nước về thăm “nơi chôn nhau cắt rốn” dặn dò cháu con chăm ngoan học giỏi, tiếp nối truyền thống cách mạng của dòng họ, của quê hương như thế nào, làm sao để trở thành những con người có ích cho xã hội.

Chúng tôi cũng may mắn được tận mắt xem và đọc những dòng lưu bút của các nguyên thủ quốc gia được lưu giữ trong cuốn “Sổ vàng lưu niệm” mỗi khi các vị về thăm Nhà văn hóa và thư viện Đại tướng Lê Đức Anh tại thôn Nam (xã Lộc An, Phú Lộc).

Một số hình ảnh PV ghi tại khu nhà thờ - Nhà văn hóa và thư viện Lê Đức Anh:

Khu Nhà văn hóa và thư viện Đại tướng Lê Đức Anh được khánh thành và đưa vào sử dụng từ nằm 2012

Công trình được xây dựng trong khuôn viên rộng hơn 4.000m2, nằm tại thôn Nam (xã Lộc An, Phú Lộc, Thừa Thiên Huế) gồm nhiều hạng mục như hệ thống nhà lưu niệm, thư viện, sân vườn, hồ nước, nhà lục giác,...

Đây là nơi lưu giữ nhiều kỷ vật liên quan đến thân thế và sự nghiệp của Nguyên Chủ tịch nước - Đại tướng Lê Đức Anh

Công trình hiện đang được gấp rút sửa chữa, nâng cấp. Đây dự kiến sẽ là địa điểm tiếp đón người dân khắp nơi đến thắp hương, tưởng nhớ cố Chủ tịch nước

Nằm phía tay trái tính theo hướng cổng chính của Nhà văn hóa và thư viện, cùng nằm trên trục đường Lê Đức Anh là nhà thờ phái 4 họ Lê. Đây cũng là nơi thờ ông cố của Nguyên Chủ tịch nước

Các sổ sách, tài liệu, ảnh,...liên quan đến Đại tướng Lê Đức Anh vốn được trưng bày tại Nhà văn hóa hiện tạm thời được di dời về đây

Bức Hoành bên trong nhà thờ

Xứ Truồi, làng Bàn Môn nổi tiếng là mảnh đất màu mỡ nên cây cối xanh tươi, hoa quả sai trĩu. Ảnh chụp sau vườn nhà thờ phái 4 họ Lê

Nằm bên cạnh nhà thờ phái 4 họ Lê là nhà thờ ông bà nội, các bậc thân sinh của Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh

Căn nhà đã được con cháu của Nguyên Chủ tịch nước sửa chữa lại gần đây

Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh cùng em gái Lê Thị Xoan trước mộ mẹ Lê Thị Thoa tại làng Bàn Môn vào năm 2002. Ảnh chụp lại trong cuốn Hồi ký

Dòng lưu bút và chữ ký của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thời còn ở vị trí Phó Thủ tướng khi đến thăm Nhà văn hóa và thư viện Đại tướng Lê Đức Anh trong cuốn "Sổ vàng lưu niệm"

Dòng lưu bút và chữ ký của các cựu nguyên thủ quốc gia

Bình yên và bùi ngùi nơi quê hương Nguyên Chủ tịch nước - Đại tướng Lê Đức Anh

THẢO VI

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/bui-ngui-ban-mon--noi-chon-nhau-cat-ron-cua-chu-tich-nuoc-le-duc-anh-d95915.html