Bức tranh giáo dục phổ thông Việt Nam năm 2024

Năm 2024, ngành giáo dục tiếp tục đối mặt với thách thức thiếu giáo viên. Tuy nhiên, chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ có tín hiệu tích cực.

Các chuyên gia đã đưa ra dự báo nhất định đối với giáo dục phổ thông Việt Nam trong năm 2024. Ảnh: Phương Lâm.

Tri thức - Znews đã có buổi trao đổi với thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng trường Marie Curie (Hà Nội) và cô Nguyễn Thị Huyền Thảo, giáo viên trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM) để đưa ra những dự báo nhất định đối với giáo dục phổ thông Việt Nam trong năm 2024.

Tiếp tục đối mặt với thiếu giáo viên

Năm 2023, cả nước thiếu 118.200 giáo viên, tăng thêm hơn 11.000 người so với năm 2022. Trong khi đó, có hơn 19.300 giáo viên công lập nghỉ hưu và nghỉ việc.

Thế nhưng, việc tuyển dụng giáo viên phổ thông ở các địa phương còn bất cập, chưa kịp thời và thiếu cơ chế thu hút, giữ chân giáo viên gắn bó với nghề.

Thầy Nguyễn Xuân Khang và cô Huyền Thảo cùng dự báo năm 2024, ngành giáo dục tiếp tục đối mặt với thách thức trong việc tuyển dụng giáo viên, nhất là các địa phương vùng sâu, vùng xa.

Cô Thảo cho rằng việc giữ chân giáo viên cũng sẽ gặp khó khăn khi chính sách đãi ngộ, hỗ trợ, cơ hội phát triển nghề nghiệp chưa đảm bảo cũng như chưa phù hợp với mong muốn, nguyện vọng của giáo viên.

Trước câu hỏi “việc tăng lương cơ sở từ ngày 1/7/2023 và cải cách tiền lương từ 1/7/2024 liệu có giải quyết phần nào tình trạng thiếu giáo viên hay không?”, thầy Nguyễn Xuân Khang cho rằng việc này chỉ cải thiện được phần nào đời sống giáo viên chứ không giải quyết căn bản vấn đề thiếu nhân lực ngành giáo dục trong thời gian tới.

Tích cực hơn, cô Huyền Thảo nhận định đây cũng là điểm sáng trong năm tới khi góp phần ổn định đời sống, tạo thêm nhiều động lực để giáo viên yên tâm công tác, nỗ lực hơn với công việc.

“Tuy nhiên, tăng lương giáo viên cũng đặt ra các vấn đề như sự công tâm - công bằng trong phân công, sắp xếp và quy hoạch lại vị trí việc làm cho giáo viên", cô Thảo nhận định.

năm 2024, ngành giáo dục tiếp tục đối mặt với thách thức trong việc tuyển dụng giáo viên. Ảnh: Hoàng Hà.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 dần ổn định

Năm học 2023-2024, chương trình giáo dục phổ thông 2018 tiếp tục triển khai ở lớp 4, lớp 8, lớp 11 và năm 2024-2025 sẽ triển khai cho các lớp còn lại là 5, 9, 12.

Sau 4 năm, thầy Nguyễn Xuân Khang nhận định việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã dần đi vào ổn định. Bộ GD&ĐT đã dần khắc phục những khó khăn liên quan đến sách giáo khoa, thiếu giáo viên, dạy tích hợp...

Dù còn nhiều thách thức nhưng với quyết tâm đổi mới, các địa phương và các cơ sở giáo dục đã có nhiều sáng tạo, “cái khó ló cái khôn”, để triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Thầy Khang ví dụ để giải quyết việc thiếu giáo viên môn Ngoại ngữ ở vùng núi, bắt đầu từ năm học 2022-2023, Phòng GD&ĐT huyện Mèo Vạc (Hà Giang) và trường Marie Curie đã phối hợp tổ chức dạy trực tuyến môn Tiếng Anh. Theo đó, 22 giáo viên ở Hà Nội dạy cho 76 lớp 3 của huyện Mèo Vạc.

Thầy Khang kỳ vọng năm 2024 và các năm tới, để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng, các địa phương và các trường có thể áp dụng cách trên, trường có thể giúp trường bằng việc dạy trực tiếp hoặc dạy trực tuyến.

Đồng quan điểm, cô Huyền Thảo đánh giá trong các năm qua, việc đổi mới giáo dục cùng với lộ trình thực hiện đổi mới chương trình theo các cấp học đã mang lại hiệu quả tích cực cho cả thầy và trò.

“Tuy nhiên, quá trình triển khai đã bộc lộ một số vấn đề như rối ren trong dạy tích hợp. Bộ GD&ĐT đã tích cực tìm kiếm giải pháp và triển khai các đợt tập huấn, bồi dưỡng. Về cơ bản, dạy tích hợp đang dần ổn định và đi vào quỹ đạo”, cô Huyền Thảo nhận định.

Theo thông tin từ Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, năm 2024, lứa sinh viên đào tạo đúng theo hướng dạy học tích hợp sẽ ra trường. Cô Huyền Thảo cho rằng đây cũng là một tin khởi sắc đối với giáo dục phổ thông trong năm tới.

“Dù hơi muộn, với đội ngũ giáo viên được đào tạo đúng theo hướng dạy tích hợp, chúng ta sẽ có thêm lực lượng mới phối hợp với lực lượng cũ đã có kinh nghiệm và chuyên môn sâu để giải quyết từng bước vấn đề dạy tích hợp", cô Thảo chia sẻ.

Về lo ngại thiếu sách giáo khoa, thiếu tài liệu, cô Huyền Thảo tin rằng trong năm tới, việc này sẽ không tái diễn bởi ngay từ đầu năm học 2023-2024, tình trạng này đã được khắc phục.

Bộ GD&ĐT đã dần khắc phục những khó khăn trong quá trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ảnh: Duy Anh.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 giữ ổn định

Theo thông tin từ Bộ GD&ĐT, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 được giữ ổn định như giai đoạn 2020-2023 về hình thức tổ chức, mô hình kỳ thi.

Tuy nhiên, kỳ thi năm 2024 cũng sẽ có một vài điều chỉnh về mặt kỹ thuật để khắc phục các hạn chế, bất cập của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 và chuẩn bị cho công tác tổ chức thi từ năm 2025.

Thầy Khang tin rằng kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 sẽ là dấu mốc quan trọng, đánh dấu kết thúc chương trình giáo dục phổ thông 2006.

“Kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn giữ ổn định như các năm trước để không xáo trộn tâm lý người dạy và người học. Phải đến năm 2025, kỳ thi này mới có sự thay đổi lớn”, thầy Khang nhận định.

Nói thêm về những bất cập trong thi cử, cô Huyền Thảo tin rằng các biện pháp nghiêm khắc trong việc xử lý các vi phạm như lọt đề, lộ đề năm trước đã phần nào chấn chỉnh và đủ sức răn đe.

“Việc siết chặt các quy định, nghiêm túc và chấn chỉnh ngay sau sự cố để kỳ thi tiếp tục diễn ra nghiêm túc, an toàn cũng có thể xem là tín hiệu tốt trong nỗ lực lấy lại niềm tin xã hội của ngành giáo dục", cô Thảo nói.

Ngọc Bích

Nguồn Znews: https://znews.vn/buc-tranh-giao-duc-pho-thong-viet-nam-nam-2024-post1451933.html