'Bông hồng thép' của bắn súng Việt Nam được chữa khỏi chấn thương
Thông tin mới nhất từ Tổng cục Thể dục Thể thao (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã phẫu thuật nội soi để điều trị chấn thương khớp gối cho nữ huấn luyện viên bắn súng Nguyễn Thị Nhung, người được mệnh danh là 'bông hồng thép' của Đội tuyển Bắn súng quốc gia Việt Nam.
Nữ huấn luyện viên Nguyễn Thị Nhung cùng với xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì vì những cống hiến xuất sắc cho thành công của bộ môn bắn súng Việt Nam nói riêng và của thể thao Việt Nam nói chung tại Olympic Rio 2016. Hiện tại huấn luyện viên Nguyễn Thị Nhung đang đảm nhận cương vị huấn luyện viên trưởng Đội tuyển Bắn súng quốc gia, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên đoàn Bắn súng và Trưởng bộ môn bắn súng thuộc Tổng cục Thể dục Thể thao.
Tiến sĩ, bác sĩ Trần Hoàng Tùng, Phó trưởng khoa khoa Phẫu thuật Chi dưới (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức), người trực tiếp phẫu thuật cho chị Nhung, cho biết: Bệnh nhân bị rách đôi sừng sau sụn chêm trong, vón cục, đụng dập một phần dây chằng chéo trước, bong sụn mâm chày và thoái hóa khớp gối. Trước đó, bệnh nhân bị đau tại khe khớp gối, kẹt khớp, đi lại khó khăn… Phim chụp cổng hưởng từ cho thấy hình ảnh tổn thương sụn chêm khớp gối. Bệnh nhân đã từng sử dụng nhiều phương pháp kể cả biện pháp tế bào gốc, tiêm huyết tương tiểu cầu... nhưng không đỡ, đứng và đi lại rất khó khăn.
"Trong chấn thương khớp gối thì sụn chêm rất hay bị rách. Sụn chêm chịu khoảng 45% trọng lượng của cơ thể và di động trên mâm chày song song với việc gấp duỗi gối. Các thể thương tổn sụn chêm có thể gặp là rách dọc, rách kiểu quai xô, rách ngang thân hay rách phức tạp… Nhờ phẫu thuật nội soi khớp gối với lỗ mổ rất bé và vô trùng cao, bác sỹ có thể khâu hoặc sửa sụn chêm cho bệnh nhân để giúp họ sớm trở về hoạt động sinh hoạt bình thường", Tiến sĩ, bác sĩ Trần Hoàng Tùng cho biết thêm.
Nhờ có nội soi khớp gối mà việc chẩn đoán chính xác cũng như điều trị các tổn thương của sụn chêm trở nên thuận lợi và hiệu quả hơn rất nhiều. Tuy nhiên, sau phẫu thuật, bệnh nhân cần phải được tập phục hồi chức năng mới hạn chế được nguy cơ cứng khớp, trả lại chức năng và biên độ vận động bình thường khớp gối, giúp cho bệnh nhân sớm hòa nhập cộng đồng.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Liên, quyền Trưởng khoa Khoa Phục hồi chức năng (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức), trong quá trình phục hồi chức năng cho bệnh nhân, bác sĩ thăm khám và đưa ra một chương trình tập vật lý trị liệu theo từng giai đoạn để kỹ thuật viên thực hiện. Phục hồi chức năng đòi hỏi liệu trình cụ thể, phù hợp, nhẹ nhàng, tránh gây đau, mục đích là đạt được biên độ vận động khớp gối tốt, không đau và tránh teo cơ khu đùi trước và sau.
Nếu thực hiện đúng quy trình thì người bệnh có thể tập gấp duỗi và có thể đi lại ngay sau phẫu thuật mà không cần tới các dụng cụ trợ giúp bên ngoài như nạng, khung tập đi… Bệnh nhân có thể sớm chơi thể thao trở lại sau 3 tháng phẫu thuật. Trong những trường hợp rách sụn chêm do thoái hóa, thời gian và mức độ hoạt động thể thao trở lại còn tùy thuộc vào tổn thương sụn khớp kèm theo.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Liên cũng khuyến cáo, người bệnh nên chú ý về việc bổ sung sinh dưỡng trong quá trình tập luyện phục hồi chức năng. cần quan tâm đến chế độ dinh dưỡng cân bằng các chất đạm, đường, mỡ và bổ sung thêm một số thành phần dinh dưỡng khác như: axit béo omega 3 nhằm hỗ trợ kiểm soát tình trạng viêm, các chất chống oxy hóa có khả năng chống lại các chất tổn thương mô, một số vitamin C và vitamin E điều chỉnh hoạt động của cykotines, ngăn chặn nguy cơ teo cơ… Đồng thời, người bệnh không được quên uống đủ nước (35 ml/kg cân nặng).
Theo Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, trong 15 năm qua, đơn vị đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân là vận động viên, huấn luyện viên thuộc ngành thể dục, thể thao, trong đó, chủ yếu là ở lứa tuổi từ 20-35 (chiếm tới 70-80%). Các môn thể thao hay gặp chấn thương là bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ… Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân đến khám chữa trong tình trạng muộn hoặc do người bệnh chủ quan mà cố chịu đau, sau một thời gian không khỏi mới tìm đến bác sĩ. Nhiều trường hợp để lại những biến chứng đáng tiếc như: rách sụn chêm thứ phát, bong sụn khớp, thoái hóa, làm giảm tuổi thọ của khớp… Khi đó, hiệu quả điều trị sẽ thấp, ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống sau này.