Bóng dáng thầy nơi ngôi trường xưa
Cuối năm, thầy trò chụp chung tấm ảnh kỷ niệm. Thầy tự tay ghi đủ họ và tên từng em ở sau tấm ảnh, năm học và ký tên thầy. Nét chữ nắn nót, rõ ràng như gửi vào đó tình thương. Tôi vẫn giữ tấm ảnh đó cho đến bây giờ
Đến tuổi đi học, tôi trở thành học sinh lớp một của Trường Tiểu học Nam Sa Đéc. Đây là ngôi trường lớn nhất tỉnh Đồng Tháp hồi đó. Thầy cô ở đây đều được đào tạo qua sư phạm tiểu học.
Những thầy, cô với chi tiết đặc biệt
Trường chỉ thu nhận nam sinh. Những trường khác ở địa phương chỉ dạy đến hết lớp ba - bậc sơ học, bà con hay gọi là trường làng. Ngôi Trường Tiểu học Nam Sa Đéc ấy được xây từ những năm 1885, sớm hơn một năm so với ngôi trường chuyên dạy học sinh nữ có tên là Trường Nữ Tiểu học Sa Đéc cách đó không xa. Năm 1966, tôi vào học thì hiệu trưởng là thầy Trần Bá Mậu, thầy làm hiệu trưởng trong mười năm 1958-1968. Năm học 1969, tôi lên lớp bốn, thầy Phùng Tân Dân kế nhiệm.
Trường tôi học bề thế lắm, có trên 40 thầy cô với gần 30 lớp tiểu học. Cổng trường to, cửa sắt. Trên có bảng ghi rõ tên Trường Tiểu học Nam Sa Đéc, sau này đổi thành Trường Tiểu học Cộng đồng Nam Sa Đéc. Bước qua cánh cửa trường là khu vực rộng lớn, thềm cao, nền xi-măng kiên cố, mái lợp ngói đỏ được gọi là nhà mát. Nơi đây học sinh chúng tôi có thể chạy nhảy, vui đùa, ngồi chờ cha mẹ đến đón…
Nhiều thầy cô được chúng tôi biết đến với những chi tiết đời thường mà đặc biệt: Thầy Phó thân hình cao lớn, dạy lớp nhì (lớp 4 ngày nay) rất thích nuôi gà và hay cho gà chọi mỗi chiều. Học trò hay xúm xít quanh các lồng gà thầy nuôi đặt ở trước sân. Nhà thầy ngang trường nên học sinh tiện thể đi học là ghé vào ngắm nghía mấy con gà đá của thầy. Cô Sang, thầy Thăng dạy lớp nhất (lớp 5 ngày nay) có tiếng dữ đòn nên phụ huynh thích lắm, luôn tìm cách gửi con vào học. Cô Thủy, cô Lộc... rất sang trọng, tóc uốn thời trang. Đến trường các cô bao giờ cũng che dù. Thầy Mỹ, Phó hiệu trưởng, luôn đội trên đầu chiếc nón trắng tinh. Cô Phi Anh dạy hát, múa. Thầy Thuật dạy lớp đầu cấp, viết chữ đẹp...
Sân trường rộng mênh mông. Cả sân trước, sau đều được sử dụng sau buổi học thành sân chơi tennis cho người yêu môn thể thao này. Học trò chúng tôi mê mẩn thường hay nán lại để xem. Mãi chạy theo nhặt từng quả bóng nỉ, tối về nhà mới biết lòng bàn chân bị rộp lên...
Kỷ niệm giòn tiếng cười đùa
Thầy giáo của tôi năm đó khoảng năm mươi tuổi. Thầy nói năng điềm đạm, nhẹ nhàng, trang phục lịch sự, nghiêm túc. Thầy ân cần dạy dỗ, cầm tay chỉ từng nét chữ, kiên nhẫn sửa từng lỗi phát âm sai của chúng tôi. Thầy sửa từng dáng ngồi học trò sao cho lưng thẳng để sau không bị gù, hướng mắt nhìn thẳng vào sách, đúng khoảng cách, thầy bẻ lại cổ áo cho trang phục chúng tôi chỉnh tề, vở ghi của học trò được thầy bọc bìa, dán nhãn chu đáo.
Để giúp học trò phát âm đúng âm tiết "r", thầy soạn những câu có nhiều âm tiết ấy và cho các bạn tập đọc ngay lớp và dặn về nhà phải luyện tập. Nội dung câu từ đơn giản nhưng phù hợp: "con cá rô nhảy trong rổ kêu rồ rồ..." Nhờ vậy, các bạn phát âm chính xác hơn, viết không còn sai nữa. Thầy có một cây thước gỗ hay đặt trên bàn dùng để kẻ hàng trên bảng dạy tập viết. Lúc chúng tôi ồn ào, phá phách nhau thì thầy dùng cây thước ấy gõ một phát xuống bàn là chúng tôi ai về việc người ấy.
Giờ ra chơi, khi thầy lên văn phòng, chúng tôi thi nhau chạy lên bàn thầy, bắt chước thầy gõ thước xuống bàn, miệng hô to "trật tự" rồi cười vang. Một lần bạn tôi đang gõ thước như thế, bỗng thầy trở về lớp sớm hơn mọi ngày. Cả lớp sợ hãi, lo bị phạt. Nhưng thầy vẫn cười hiền và nói: thích làm thầy thì phải cố gắng học nhé. Thầy không phạt ai cả.
Chúng tôi thường giành nhau ôm chiếc cặp táp của thầy khi tan học, quây quần bên thầy như cha với con. Một lần tôi ngủ gục trong lớp. Tôi úp mặt xuống trang vở, thầy gọi mà không hay. Thầy lay nhẹ vai tôi, tôi giật mình, tỉnh dậy. Thầy cười khoan dung, không trách phạt gì, cho tôi ra ngoài rửa mặt cho tỉnh táo. Thầy dặn cả lớp: trò nào đang học mà thấy buồn ngủ hãy xin phép thầy ra ngoài uống nước, rửa mặt cho tỉnh táo rồi vào học tiếp.
Kỷ niệm ấy theo tôi mãi, khi tôi trở thành thầy giáo tôi cũng luôn nhắc học sinh nếu quá mệt mỏi, cứ báo cáo để được ra ngoài chốc lát. Em nào đêm qua ngủ muộn vì phải lo học bài hay giúp việc nhà cứ nói lý do. Thầy sẽ hướng dẫn lại bài và trao đổi lại với cha mẹ về sinh hoạt gia đình sao cho hợp lý. Bạn nào thiếu tập sách, thầy gửi cho, gia đình giảm bớt khó khăn.
Trở thành giáo viên nối nghiệp thầy
Thầy tôi hay kể những câu chuyện lịch sử. Cội nguồn dân tộc, những tấm gương anh hùng cứu nước, những chiến công oai hùng của tổ tiên, những kiệt tác văn học, những câu ca dao êm đềm… đi vào lòng chúng tôi từng chút như thế. Không chỉ dùng lời nói, thầy còn dùng tranh ảnh khi giảng dạy để khắc họa lòng yêu kính tiền nhân, anh hùng dân tộc. Nhiều tranh do thầy tự vẽ. Tôi yêu văn chương và lịch sử nước nhà là nhờ thầy. Sau này, trở thành thầy giáo, sau mỗi bài học, tôi đều cho học sinh viết vào tập tư liệu cá nhân mấy câu ca dao, những đoạn trích từ truyện Kiều, Lục Vân Tiên, nêu cảm nhận về các anh hùng dân tộc… vừa luyện chữ vừa tăng cường vốn văn học, lòng yêu kính tiền nhân… như thầy tôi đã làm.
Một lần đến giờ học, chúng tôi chờ mãi không thấy thầy đến lớp, không ai biết chuyện gì xảy ra. Ba ngày như thế trôi qua. Tôi và các bạn buồn vì không gặp thầy. Chúng tôi quá nhỏ để được chia sẻ thông tin. Ngày thứ tư, lớp chúng tôi vui mừng đón thầy trở lại. Nhưng thầy trông có vẻ khác lắm. Thường ngày thầy mặc chiếc áo sơ mi trắng tay dài, chiếc quần tây đen và mang giày. Hôm nay, thầy tôi lại mặc bộ vest đen, tay cầm theo chiếc dù đen che nắng. Trên tay thầy còn một chiếc khay trầu rượu, chúng tôi chỉ thấy trong đám cưới, cúng bái mà thôi.
Thầy cho chúng tôi vào lớp. Buổi học trôi qua trong không khí trầm lặng. Thầy tôi không vui như mọi ngày dù bài nào thầy cũng dạy tận tình, cũng chăm sóc từng em. Đến cuối buổi, thầy cho chúng tôi ngồi nghỉ trong yên lặng. Lớp chúng tôi trật tự như chưa bao giờ trật tự đến thế.
Tôi và các bạn cảm nhận sắp biết một điều rất lạ. Thầy của chúng tôi lấy khăn tay lau dòng nước mắt. Rồi thầy đứng lên, thầy nói muốn cho lớp biết một việc. Mắt thầy đỏ hoe, khuôn mặt hiện lên nét buồn bã. Thầy nói: "Ba ngày qua, thầy phải xa các con, không đến lớp được là có lý do. Mẹ thầy vừa mất. Thầy phải lo việc nhà. Hôm nay, thầy trở lại với lớp. Thầy sẽ đưa tất cả các con cuối năm lên lớp đầy đủ không ai phải học lại". Tôi và các bạn quá nhỏ để chia sẻ với thầy nhưng bạn nào cũng thấu hiểu nỗi buồn của thầy.
Thầy tôi vẫn hết lòng vì lớp. Thầy cũng mang đến những giây phút vui vẻ, những tiếng cười vang, những lời khen khi chúng tôi học tốt. Nhưng không biết vì sao tôi vẫn cảm nhận được nỗi buồn mất mẹ ở thầy. Đằng sau cặp kính trắng kia, đằng sau nụ cười của thầy là những giọt nước mắt chảy ngược vào trong… Thầy đã nén nỗi đau mà dốc lòng hết sức cho học trò. Có lẽ sự cố gắng của chúng tôi trong việc học làm thầy nguôi ngoai nỗi buồn.
Suốt những năm học tiểu học, tôi và các bạn hay về lớp cũ tìm gặp thầy. Thầy vẫn ân cần thăm hỏi và chúc chúng tôi học giỏi, chăm ngoan. Khi tôi vào sư phạm, thầy mất. Mộ thầy xây thật đơn giản ở ngoại ô thành phố.
Nhân kỷ niệm 30 năm ngày trở thành thầy giáo, tôi đưa con trai cùng đến thắp hương tưởng nhớ thầy. Tôi thầm nói: "Thưa thầy, con đã không phụ công ơn dạy dỗ của thầy. Con đã trở thành một thầy giáo như thầy năm xưa". Người thầy dạy tôi năm học đầu tiên đó đã đi xa rất xa nhưng tôi mãi không quên. Thầy tên Nguyễn Văn Bảy, dạy Trường Tiểu học Nam Sa Đéc những năm 1966-1967…
Trường trọng điểm
Ngôi trường ngày xưa nay xây dựng mới, đổi tên thành Trường Tiểu học Kim Đồng. Trường cũng thu nhận nữ sinh vào học, là trường trọng điểm của ngành giáo dục tỉnh Đồng Tháp. Hiệu trưởng đương nhiệm là cô giáo Lê Thị Bích Hà. Cô Hà từng là hiệu trưởng của Trường Nữ tiểu học Sa Đéc (nay là Trường Tiểu học Trưng Vương), là cô giáo đầu tiên lần lượt làm hiệu trưởng ở hai ngôi trường xưa nhất Sa Đéc.
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/bong-dang-thay-noi-ngoi-truong-xua-196231217201108054.htm