'Bóng cây Kơ-nia' và tình yêu Tây Nguyên

Mỗi lần nghe giai điệu vút cao của bài hát 'Bóng cây Kơ-nia', chúng tôi lại bồi hồi nhớ về nhà thơ-liệt sĩ Ngọc Anh (1934-1965), tác giả bài thơ 'Bóng cây Kơ-nia', bởi ông không chỉ là người dành hầu như toàn bộ cuộc đời mình cho nền văn hóa các dân tộc Tây Nguyên mà còn là người đầu tiên truyền cho chúng tôi một tình yêu đối với mảnh đất Tây Nguyên hùng vĩ.

Những năm 1960-1964, căn nhà số 24 phố Lê Đại Hành (Hà Nội) là khu tập thể của Ủy ban Khoa học Nhà nước. Ngoài các gia đình cán bộ trong cơ quan, còn có một số phòng dành cho cán bộ độc thân. Nhà thơ Ngọc Anh công tác tại Viện Văn học, chuyên theo dõi về văn học miền núi, là một trong hai cán bộ miền Nam tập kết, được bố trí ở cùng một căn phòng rộng chừng 10m². Mọi người trong khu đều quý ông vì ông rất yêu trẻ và thường xuyên quan tâm, giúp đỡ mọi người.

Ảnh minh họa: Tinhte.vn

Không chỉ kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện cổ tích, truyền thuyết về Tây Nguyên, ông còn dạy lũ trẻ chúng tôi những bài hát (như bài "Ca ngợi anh hùng Núp") hay tặng chúng tôi những cuốn truyện tranh do “Ngọc Anh phỏng dịch”, mà sau này chúng tôi được biết do chính ông sáng tác. Qua ông, chúng tôi hiểu thêm về nền văn hóa đa dạng, phong phú của các dân tộc Tây Nguyên. Năm 1964, trước một chuyến đi công tác xa, ông còn tặng lại cho cha tôi chiếc đài bán dẫn ông vẫn thường dùng để nghe tin tức về miền Nam. Không ngờ, đó cũng là lần cuối cùng chúng tôi được gặp ông (ngày đó, "đi B" còn là việc rất bí mật).

Nhà thơ Ngọc Anh tên khai sinh là Nguyễn Ngọc Anh, quê quán: xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Trước khi tập kết, ông từng là thiếu sinh quân, phóng viên Báo Vệ quốc quân thuộc Phòng Chính trị, Bộ tư lệnh Quân khu 5. Những năm kháng chiến chống Pháp, ông đã cùng sống với đồng bào các dân tộc Ê Đê, Gia Lai, Xơ Đăng, Gié Triêng... trong các buôn làng và chính nền văn hóa các dân tộc Tây Nguyên đã có sức cuốn hút mạnh mẽ đối với nhà thơ đất Quảng Nam này. Chính vì vậy, khi trở về miền Nam, ông đã đến Kon Tum công tác và tiếp tục nghiên cứu về văn hóa các dân tộc Tây Nguyên. Ông hy sinh ngày 15-10-1965, tại chân núi Ngọc Linh trên địa bàn Tây Nguyên.

Trước khi trở lại Tây Nguyên, nhà thơ Ngọc Anh đã cho công bố "Trường ca Đăm Di" (Nghiên cứu Văn học số 1,2,3-1961) và "Chàng Ná" (truyện dân tộc Hrê trên Nghiên cứu Văn học số 6-1963) cũng như các bài viết: “Giới thiệu vài nét về truyền thống chiến đấu của thơ ca dân gian Tây Nguyên” (Tạp chí Văn hóa số 7-1963), “Thần thoại Ê Đê” (Tạp chí Văn hóa số 4-1964) và “Tinh thần dũng cảm của nhân dân Tây Nguyên qua một số trường ca và truyện cổ Tây Nguyên” (Tạp chí Văn hóa số 8-1964)...

Gần 60 năm đã trôi qua, nhưng khi đọc lại những trang viết thấm đẫm tình yêu Tây Nguyên của nhà thơ-liệt sĩ Ngọc Anh, chúng tôi vẫn xúc động như được gặp lại người thanh niên có nước da trắng hồng, giọng nói nhỏ nhẹ, đặc biệt là đức tính lặng lẽ, khiêm nhường vốn có ở ông. Nếu như mong ước muôn đời của người làm văn chương, nghệ thuật là để lại được một điều gì đó thì chỉ với các bài thơ như "Chiếc khăn thêu", "Thương Cụ Hồ", "Thương Đảng" và "Bóng cây Kơ-nia" được người dân Tây Nguyên ghi nhận đã đủ để nhà thơ Ngọc Anh xứng đáng đứng trong đội ngũ các nhà thơ-liệt sĩ thời chống Mỹ, cứu nước tiêu biểu như Nguyễn Mỹ, Lê Anh Xuân...

LÊ AN KHÁNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/bong-cay-ko-nia-va-tinh-yeu-tay-nguyen-702446