Bốn 'ngọn núi' cản Thạch Kim Tuấn đoạt huy chương Olympic
Thông số tốt nhất được ghi nhận của Thạch Kim Tuấn là 304kg, xếp dưới thành tích của 3 trong số 8 đối thủ tại nội dung 61kg nam môn cử tạ Olympic Tokyo.
10 năm mơ huy chương Olympic
Sinh năm 1994, sớm khẳng định tài năng bằng các tấm huy chương từ giải trẻ đến các sân chơi châu lục, thế giới, song Olympic vẫn là giấc mơ mà Thạch Kim Tuấn đeo đuổi suốt 10 năm qua.
Trước thềm Olympic 2012, Thạch Kim Tuấn khi đó mới 18 tuổi song đã nổi lên như lực sỹ cử tạ số 1 Việt Nam ở hạng 56kg với tấm HCV Olympic trẻ 2010 và HCV trẻ châu Á 2011.
Thế nhưng, khi cử tạ Việt Nam buộc phải chọn giữa Thạch Kim Tuấn và Trần Lê Quốc Toàn cho suất duy nhất tới London tranh tài thì Tuấn lại hụt hơi trước đàn anh ở giải tuyển chọn.
Bốn năm sau tại Olympic Rio, Thạch Kim Tuấn với kinh nghiệm và đẳng cấp được khẳng định, trở thành niềm hy vọng số 1 của thể thao Việt Nam.
Nhưng rốt cuộc, đô cử quê Bình Thuận đã thất bại một cách khó tin, khi cử đẩy không thành ở cả 3 lượt nâng, chia tay kỳ Olympic đầu đời trong cay đắng và day dứt.
Đến với Olympic Tokyo ở thời điểm được xem là đỉnh cao sự nghiệp và có thể sẽ là kỳ Thế vận hội cuối cùng, Thạch Kim Tuấn một lần nữa được trao gửi kỳ vọng mang huy chương về cho đoàn Việt Nam. Còn với bản thân anh, đó là giải "cơn khát" huy chương Olympic kéo dài suốt 10 năm qua.
Bốn "ngọn núi" cản bước
13h50 hôm nay 25-7, Thạch Kim Tuấn sẽ cùng 8 đối thủ bước vào tranh tài hạng 61kg nam. Các VĐV sẽ lần lượt thi cử giật và cử đẩy, mỗi nội dung tối đa 3 lần nâng tạ, tính thành tích tổng cử để xếp hạng huy chương.
Theo danh sách đăng ký, Tuấn có thành tích tổng cử 296kg. Tuy nhiên thành tích thi đấu tốt nhất được ghi nhận của Tuấn ở nội dung này là 304kg, lập tại SEA Games 2019.
Nhưng ngay cả với mức 304kg, lực sỹ của Việt Nam vẫn xếp sau 3 đối thủ "nặng ký" là Shota (Georgia, 305kg), Li Fabin (Trung Quốc, 310kg) và Eko Juli (Indonesia, 315kg). Đây cũng là 3 ứng viên cho các tấm huy chương hạng 61kg Olympic Tokyo này.
Li Fabin và Eko Juli được đánh giá vượt trội ở nội dung này, vì vậy về lý thuyết, cơ hội để Tuấn tranh huy chương vàng và bạc rất khó. Giới chuyên môn nhận định, lực sỹ Việt Nam sẽ tranh huy chương đồng với Shota, bên cạnh những đối thủ tiềm tàng như Yoichi (Nhật Bản, thành tích tốt nhất 300kg) hay Alsaleem (Ả Rập Xê Út, thành tích tốt nhất 303kg).
Chuyên môn là một vấn đề, nhưng mối lo lớn nhất với Thạch Kim Tuấn nằm ở tâm lý - nguyên nhân chính dẫn đến thất bại của anh tại Olympic Rio. Đây được ví như "ngọn núi" thứ tư cản bước Tuấn đến với tấm huy chương danh giá.
Hy vọng bài học xương máu tại Olympic Rio cùng khát khao làm nên lịch sử sẽ là động lực để lực sỹ 27 tuổi chạm tay vào giấc mơ.