Bồi bổ đúng cách trong mùa Covid-19
Ăn uống giàu dinh dưỡng là lời khuyên phổ biến trong mùa dịch bệnh nhưng tẩm bổ không khoa học, nhất là khi cơ thể có bệnh lại gây tác dụng ngược.
Theo bác sĩ (BS) chuyên khoa II Trương Quang Anh Vũ, Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Thống Nhất (TP HCM), việc bồi bổ cho người lớn tuổi, có bệnh nền cần cẩn thận, đặc biệt là bổ sung các thực phẩm giàu dinh dưỡng hay uống thuốc bổ.
Chỉ cần ăn đủ lượng, đủ chất
Ngay khi nghe tin tái phát dịch Covid-19, chị Tr.M.T (32 tuổi, quận Bình Thạnh, TP HCM) vội vã đi mua sắm cho cha, mẹ (đã có tuổi) những thứ bổ dưỡng nào là thuốc bổ, tổ yến, sữa, hải sản, nhân sâm, trái cây… Thế nhưng 3 ngày sau, cha của chị phải nhập viện vì bị đau đầu, đau bụng.
Ông không quen mùi hơi tanh của tổ yến nên đã phải dùng thêm khá nhiều đường phèn, sữa tươi khi ăn mà quên mất lần khám sức khỏe 5 tháng trước, đường huyết của ông đã ở mức cảnh báo. Chưa kể ông không dung nạp được đường lactose trong sữa, thế là vừa đau bụng tiêu chảy, vừa bị tăng đường huyết, huyết áp cũng bất ổn do ăn đạm, đồ bổ nhiều quá.
"Ở bệnh nhân bị bệnh thận mạn, một số axít amin sẽ thúc đẩy suy thận tiến triển. Người bị bệnh tăng huyết áp mà lỡ ăn uống thứ gì đó có thành phần là sâm thì có thể dẫn đến cơn tăng huyết áp cấp. Người tiểu đường mà uống phải thuốc bổ, thực phẩm chức năng có đường, thậm chí ăn quá nhiều trái cây có vị ngọt cũng không tốt" - BS Trương Quang Anh Vũ thông tin.
Theo BS Vũ, để an toàn, người cao tuổi có sức khỏe kém, có bệnh mạn tính nên trao đổi với BS của mình trước khi sử dụng một loại thực phẩm đặc biệt nào đó mang tính chất "tẩm bổ". Thực ra, để tăng cường sức khỏe, chống lại bệnh dịch chỉ cần ăn đủ lượng, đủ chất đa dạng mọi loại thực phẩm là được, không cần phải ăn nhiều thứ bổ dưỡng.
Riêng về sữa, BS Trương Quang Anh Vũ cảnh báo tình trạng nhiều người lớn tuổi bị đau bụng, tiêu chảy sau khi uống. Đó là do ở một số người, hệ tiêu hóa không có men Lactase (bệnh lý bẩm sinh) hoặc thiếu men Lactase do giảm sản xuất (do cai sữa hoặc không uống sữa một thời gian dài), một lượng lớn đường lactose không được phân hóa đến ruột già (đại tràng). Các vi khuẩn lên men tại ruột già sẽ tác động tạo ra lượng lớn khí gây đầy hơi, đau bụng, tiêu chảy. Với những trường hợp này có thể tập bằng cách uống một ít sữa sau bữa ăn, hoặc uống kèm ăn nhẹ, sau một thời gian tình trạng vừa nêu có thể cải thiện.
Ăn nhiều rau xanh, trái cây
BS chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố (TP HCM), cho biết đúng là bổ sung vitamin C đầy đủ rất tốt cho mùa dịch. Vitamin C có lợi cho hệ miễn dịch, tăng cường sản xuất interferon giúp chống lại một số virus, giúp thành mạch và các niêm mạc khỏe mạnh. Nhưng không có nghĩa là cứ ăn cam suốt mùa dịch mà quên các lại rau trái khác.
"Nhiều vitamin khác cũng có lợi cho hệ miễn dịch, cùng các chức năng khác của cơ thể. Ví dụ vitamin E cũng tốt cho hệ miễn dịch về khả năng chống ôxy hóa, giúp các tế bào được khỏe mạnh. Vitamin A giúp cơ thể chống lại các bệnh hô hấp vì giúp hệ thống niêm mạc đường hô hấp khỏe mạnh, ngoài ra còn tăng cường miễn dịch. Còn vitamin B, nếu thiếu thì sẽ ảnh hưởng đến các hoạt động của hệ thần kinh, mà hệ thần kinh lại điều phối các hoạt động của các hệ khác trong cơ thể, trong đó có cả hệ miễn dịch" - BS Tiến giải thích.
Theo BS Tiến, bổ sung bằng thực phẩm là tốt nhất, hãy ăn nhiều rau xanh và trái cây, ăn đủ các màu sắc chủng loại rau và trái cây. Còn nếu muốn bổ sung thêm vitamin bằng đường uống, tốt nhất nên tham khảo ý kiến bác sĩ, đặc biệt là ở trẻ em và người lớn tuổi.
BS Nguyễn Minh Tiến cũng cảnh báo một vitamin khác rất dễ bị thiếu trong mùa dịch là vitamin D, loại vitamin của ánh nắng. Vì vậy dù phải ở nhà, cũng hãy cố gắng phơi nắng sớm bằng cách ra trước sân, hay ban công nhà để tập thể dục buổi sáng. Áp dụng điều này cho cả trẻ em trong nhà, bởi trẻ em rất cần vitamin D, đây là thứ cần thiết trong quá trình cơ thể tổng hợp canxi để phát triển hệ xương chắc khỏe.
Ngoài việc cố gắng duy trì việc tập thể dục tại nhà mỗi ngày, cũng cần tăng cường vận động (dọn dẹp nhà cửa). Đây cũng là biện pháp giảm stress rất tốt, giúp ngăn ngừa các tác hại do thiếu vận động ở mọi độ tuổi.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/suc-khoe/boi-bo-dung-cach-trong-mua-covid-19-20200812205748067.htm