Bỏ triệu đô chạy vào đại học Mỹ - cuộc đua xuống đáy của cha mẹ giàu

Cha mẹ sẵn sàng làm bất cứ điều gì, kể cả vi phạm pháp luật để đưa con mình vào những ngôi trường danh giá để làm gì? Đó có phải là con đường duy nhất để thành công?

Vụ việc đường dây chạy vào trường đại học hàng đầu nước Mỹ trị giá hàng triệu USD mới bị phanh phui gần đây có thể gây sốc cho nhiều người Việt vốn vẫn tin tưởng vào sự uy tín, công bằng minh bạch và chất lượng của nền giáo dục Mỹ.

Thế nhưng, đối với tôi, nó chỉ là biểu hiện của một nền giáo dục có quá nhiều vấn đề. Nó cũng minh chứng cho nỗi niềm của những người làm cha mẹ: Luôn muốn con mình được thụ hưởng môi trường giáo dục tốt nhất có thể.

Cha mẹ ở đâu cũng vậy, dù là Việt hay Mỹ. Chỉ có điều tình yêu thương lúc này đặt không đúng chỗ.

Chỉ cần tiền

Cuộc cạnh tranh vào trường đại học top đầu ở Mỹ thật sự khốc liệt. Harvard, ĐH hàng đầu thế giới, có tỷ lệ trúng tuyển trung bình khoảng 5%/năm. Nghĩa là, chỉ có 5 trong 100 học sinh ứng tuyển trở thành sinh viên trường này. Con số đó của ĐH Columbia là 6,6%, Princeton 7%, và Nam California 17%.

Đôi khi, cuộc đua vào đại học không còn là giữa những đứa trẻ với nhau. Nó đã trở thành cuộc đua xuống đáy giữa những bậc phụ huynh giàu có.

Nhưng thực sự để chen chân vào trường đại học danh tiếng có khó đến vậy? Đôi khi, cuộc đua không còn là giữa những đứa trẻ với nhau. Nó đã trở thành cuộc đua xuống đáy giữa những bậc phụ huynh giàu có.

50 phụ huynh dính líu vụ bê bối mới bị phanh phui vừa qua, người chi ít nhất là 200.000 USD; có người chi đến 6 triệu USD để thực hiện đủ các chiêu luồn lách, nhằm đưa con mình vào đại học. Tiền được chi vào việc gian lận, sửa điểm thi; giả mạo chứng nhận thành tích thể thao; hối lộ huấn luyện viên.

Theo lời công tố viên, một nhà sản xuất rượu ở San Francisco đã chi ra tổng cộng 700.000 USD làm giả hồ sơ y tế, sửa điểm kỳ thi SAT (kỳ thi chuẩn hóa của Mỹ dành cho học sinh cấp 3 để làm căn cứ xét tuyển vào đại học) và làm giả giấy chứng nhận thành tích chơi bóng nước, nhằm đưa con gái vào ĐH Nam California. Diễn viên Felicity Huffman đút lót trá hình dưới dạng ủng hộ 15.000 USD cho quỹ của trường.

Vụ việc chạy trường vừa qua có thể gây bất ngờ đối với một số người về quy mô và sự tham gia của nhiều người nổi tiếng, thế nhưng bản chất của nó không hề mới.

Trong quyển sách xuất bản năm 2016 phanh phui thủ thuật giới nhà giàu sử dụng để đưa những đứa con “không đủ tiêu chuẩn” của mình vào trường đại học danh giá, nhà báo kỳ cựu Daniel Golden chỉ ra: Jared Kushner, con rể tổng thống Donald Trump và hiện là cố vấn cấp cao của Nhà Trắng, với số điểm tầm tầm và không có thành tích nào nổi bật, gần như chẳng có cơ hội nào để đặt chân vào Harvard. Thế nhưng, với khoản tiền 2,5 triệu USD gia đình Kushner quyên góp cho trường, Kushner đã có thể sở hữu thư mời nhập học của Harvard trong tay.

“Đây là cách giới nhà giàu ‘mua’ giấy nhập học cho con mình, thông qua những khoản quyên góp được miễn trừ thuế khổng lồ, và hợp pháp”, ông Golden viết.

Cha mẹ của những đứa trẻ nhà giàu không cần phải làm chuyện gì phi pháp, chỉ cần có tiền là đủ.

Không chỉ Golden lên tiếng về “chiêu trò” tuyển sinh, một cựu tư vấn tuyển sinh đại học, trong bài luận ẩn danh, cũng nói rõ: “Cha mẹ của những đứa trẻ nhà giàu không cần phải làm chuyện gì phi pháp, chỉ cần có tiền là đủ.

Bản thân những cha mẹ này cũng tốt nghiệp từ những trường danh tiếng nên họ sẽ sẵn lòng chi tiền để con họ cũng được học những trường hàng đầu. Đây như một cách để bảo toàn danh tiếng của gia đình. Tiền không phải là yếu tố duy nhất quyết định nhưng những đứa trẻ ‘sinh ra ngậm thìa bạc’ có lợi thế hơn rất nhiều bạn bè đồng trang lứa”.

Hình thức “cha truyền con nối” thấy được rất rõ ở ĐH Harvard. Trong một cuộc khảo sát sinh viên năm 2018, khoảng 14% sinh viên Harvard từng có cha mẹ hoặc người thân là cựu sinh viên. Những ứng viên có người thân từng học Harvard có xác suất được nhận cao gấp 5 lần những ứng viên khác. Trong khi đó, việc từng có người thân là cựu sinh viên không phải lợi thế với Học viện Kỹ thuật Massachusetts (MIT) hay Đại học Berkeley California.

Học trường danh giá để làm gì?

Quay lại vụ bê bối gian lận đại học mới bị phanh phui, hầu hết đứa trẻ đều không biết những gì cha mẹ chúng đã làm, vô tình chúng trở thành “nạn nhân”.

Đại học danh tiếng Mỹ nổi tiếng là nơi sản sinh ra những người tài, tỷ phú như Jeff Bezos, Bill Gates hay Mark Zuckerberg. Lợi thế của việc tốt nghiệp từ những đại học danh tiếng này là gì?

Trong một bài báo có tựa đề "Con bạn học trường đại học nào chẳng quan trọng", giáo sư Peter Gray (ĐH Boston) nhấn mạnh: 83% nguyên nhân gây ra sự căng thẳng, mệt mỏi đến từ việc học hành ở trường.

Cha mẹ sẵn sàng làm bất cứ điều gì, kể cả vi phạm pháp luật để đưa con mình vào những ngôi trường danh giá để làm gì?

Những đứa trẻ “miệng ngậm thìa vàng” kể trên cũng không phải ngoại lệ. Thậm chí, chúng còn bị áp lực cả việc phải đạt được thứ hạng đặc biệt cao để duy trì danh tiếng gia đình.

Cha mẹ sẵn sàng làm bất cứ điều gì, kể cả vi phạm pháp luật để đưa con mình vào những ngôi trường danh giá để làm gì? Đó là con đường duy nhất để thành công hay để khoe mẽ hay lũ trẻ buộc phải noi theo tấm gương học tập xuất sắc của những người đi trước?

Liệu học đại học danh giá giúp con bạn giàu có hơn, kiếm được nhiều tiền hơn hay hạnh phúc hơn?

Nghiên cứu của nhà toán học Stacy Dale và nhà kinh tế học Alan Krueger được thực hiện hai lần, trên những sinh viên nhập học vào các năm 1976 và 1989, đều cho thấy: Nếu có cùng khả năng học tập và cùng tầng lớp xã hội, tốt nghiệp đại học nào, danh giá hay bình thường, cũng không ảnh hưởng thu nhập của họ cả trong ngắn hạn lẫn dài hạn.

Do đó, hãy thoải mái với trẻ, đừng làm con bạn căng thẳng, để chúng theo đuổi ước mơ, đam mê thực sự. Đó mới là ý nghĩa cuộc sống, ý nghĩa của sự hạnh phúc mà bạn vẫn hay dạy con mình.

Mark Ashwill
Illustration: Phượng Nguyễn Biên dịch: Hà Phương

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/chay-vao-truong-danh-gia-cuoc-dua-xuong-day-cua-cha-me-kha-gia-post925407.html