Bổ sung quy định về quản lý thuế đối với hoạt động thương mại

Sáng 8-11, tiếp tục chương trình kỳ họp, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi).

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: Luật Quản lý thuế được Quốc hội thông qua ngày 29-11-2006, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2007, từ đó đến nay Luật quản lý thuế đã được sửa đổi, bổ sung 3 lần vào các năm 2012, 2014 và năm 2016. Qua đánh giá thực trạng việc thực thi Luật Quản lý thuế và qua nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, Chính phủ thấy rằng việc sửa đổi Luật quản lý thuế ở thời điểm hiện nay là hết sức cần thiết, nhằm mục đích tạo cơ sở cho quản lý thuế hiện đại, tiếp cận tới những chuẩn mực, thông lệ quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế, cơ quan quản lý thuế thực hiện nghiêm quyền, nghĩa vụ của người nộp thuế; quyền và trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế theo quy định pháp luật, tích cực phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày Tờ trình về dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi). Ảnh: Quốc hội.

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, về cơ bản, dự thảo Luật có phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng như Luật Quản lý thuế hiện hành. Theo đó, Luật quy định việc quản lý các loại thuế và các khoản thu thuộc ngân sách nhà nước do cơ quan quản lý thuế quản lý (bao gồm cả cơ quan thuế và hải quan). Đồng thời, để bao quát tất cả các nguồn thu của ngân sách nhà nước, dự thảo Luật điều chỉnh đối với các khoản thu thuộc ngân sách nhà nước không do cơ quan quản lý thuế quản lý thu tại khoản 3 Điều 3 dự thảo Luật. Tuy nhiên, do tính chất, nội dung của từng khoản thu là khác nhau, nên trình Quốc hội giao Chính phủ căn cứ quy định của Luật này và pháp luật khác có liên quan, quy định việc quản lý đối với các khoản thu thuộc ngân sách nhà nước không do cơ quan quản lý thuế quản lý thu.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng bố trí một điều riêng quy định về những hành vi bị cấm trong quản lý thuế nhằm thực hiện, tuân thủ các nguyên tắc và các nội dung quản lý thuế.

Ngoài ra, dự thảo Luật bổ sung quy định khai thuế, tính thuế trong trường hợp hạch toán toàn ngành, giao dịch liên kết theo hướng vừa tạo thuận lợi cho người nộp thuế, vừa phù hợp với quy định của Luật Ngân sách nhà nước về phân cấp ngân sách, bảo đảm nguyên tắc quản lý thuế.

Để xử lý nợ đọng thuế, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp đối với các đối tượng người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự; người nộp thuế bỏ địa chỉ kinh doanh, doanh nghiệp chờ giải thể, doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, cơ quan đăng ký kinh doanh đã thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh được khoanh nợ thuế.

Nhằm thúc đẩy giao dịch điện tử trong quản lý thuế, dự thảo Luật đã bổ sung những quy định liên quan đến quản lý thuế đối với hoạt động thương mại theo hướng: Xây dựng cơ sở dữ liệu và triển khai rộng rãi các dịch vụ thuế điện tử như khai thuế điện tử, hóa đơn điện tử, nộp thuế online; bổ sung quy định trách nhiệm của các bộ, ngành, các tổ chức, đơn vị liên quan đến hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, trên cơ sở đó áp dụng các biện pháp quản lý thuế phù hợp.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, để có đủ thời gian chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai thực hiện Luật hiệu quả (nhất là ứng dụng công nghệ thông tin), Chính phủ trình Quốc hội quyết định về hiệu lực thi hành của Luật Quản lý thuế (sửa đổi) từ ngày 1-7-2020. Trên cơ sở những nội dung cơ bản của dự án Luật quản lý thuế (sửa đổi), Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định.

PHƯƠNG HẰNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/bo-sung-quy-dinh-ve-quan-ly-thue-doi-voi-hoat-dong-thuong-mai-553929