'Bỏ làng' ra đồng kiếm mỗi năm 300 triệu

Dịp cuối năm, tôi đến trang trại của gia đình anh Đinh Văn Bằng, 54 tuổi, ở làng Xuân Áng, xã Hà Bình (Hà Trung) khi anh đang hì hục đẩy chiếc xe rùa đầy đất để bồi đắp bờ ao chuẩn bị thu hoạch vụ cá và cấy lúa vụ chiêm xuân 2024. Dáng nhỏ bé da sạm nắng phong sương nên trông anh Bằng già trước tuổi.

Anh Đinh Văn Bằng bên trang trại của gia đình.

Tạm dừng công việc và niềm nở tiếp khách, anh Bằng chia sẻ: Vì không có nghề, chỉ biết làm mấy sào ruộng tạm đủ ăn nên anh đã “bỏ làng” ra đồng nhận thầu 5.300m2 dòng chảy tại cánh đồng của xã để thả nuôi các loại cá trôi mè, trắm, chép. Tính ra, mỗi năm anh thu được 1,2 tấn cá tương đương 50 triệu đồng/năm. Với diện tích đất hai bên bờ dòng chảy, ban đầu anh trồng 500 cây chuối tiêu hồng, cho thu hoạch được một vài vụ thì chuối bị ngập úng chết nên anh chuyển sang trồng các loại cây chịu nước như keo lá chàm, dừa, ổi, na... Đến nay, 50 cây dừa xiêm đỏ đã cho thu hoạch với giá bình quân 10.000 đồng/quả. Để tăng thu nhập, anh Bằng vay thêm tiền ngân hàng đầu tư mua máy vò lúa, máy cày bừa làm dịch vụ cho bà con trong thôn.

Sau những tháng này tần tảo làm ăn, anh dành dụm được ít vốn, lại vay thêm ngân hàng mua lại 0,6ha đất 2 vụ lúa của một số hộ trong thôn để cải tạo sản xuất mỗi năm 1 vụ lúa (chiêm), 1 vụ cá (mùa).

Anh Bằng cho biết: Sau khi thu hoạch vụ lúa chiêm xuân, dọn vệ sinh ao, phát cỏ quanh bờ ao sạch sẽ, hút nước cạn đến đáy ao phơi khô từ 10 - 15 ngày, rải vôi bột và hóa chất diệt khuẩn và tạp chất trong ao... Sau đó, bơm nguồn nước sạch vào ao và luôn duy trì mực nước từ 1,2 - 1,5 mét. Khi lấy nước vào ao nuôi vẫn phải xử lý vôi bột qua dòng chảy để khử khuẩn. Ao nuôi sau khi được chuẩn bị kỹ, tháng 5 dương lịch (sau gần 1 tháng) thì thả cá giống xuống theo đúng lịch thời vụ. Cá đưa vào sản xuất chủ yếu là các loại cá truyền thống thích nghi với điều kiện tự nhiên về đất, nước, khí hậu, như: trắm, trôi, mè, chép. Thức ăn chủ yếu nuôi cá là các loại cỏ thu gom tự nhiên xung quanh trang trại và ở nơi khác lấy về, ngoài ra cho cá ăn kết hợp với các loại tinh bột ngô, lúa được ngâm ủ mọc mầm; mỗi ngày cho ăn từ 1 - 2 lần vào lúc 8 giờ và 16 giờ.

Thời điểm thu hoạch vào dịp cận Tết Nguyên đán, trọng lượng cá trắm khoảng 4kg/con, cá mè 2,5 - 3kg/con, thương lái đến tại ao mua với giá 45 - 50.000 đồng/kg tùy theo giá thị trường. Ngoài cá, gia đình anh Bằng còn thu hoạch từ chăn nuôi gà, vịt đẻ trứng, bán các loại rau, màu như cải, muống, mồng tơi, rau gia vị... cho thu nhập khá.

“Nếu chỉ độc canh cây lúa thì may ra đủ ăn, muốn khấm khá phải kết hợp nhiều công việc khác như trồng trọt, chăn nuôi gia cầm, nuôi thủy sản,... Tính ra, mỗi năm, gia đình tôi thu được 300 triệu đồng sau khi trừ chi phí” - anh Bằng cho hay. Nói về dự kiến sắp tới, gia đình anh Bằng cho biết, gia đình sẽ tiếp tục duy trì cơ cấu sản xuất cây trồng, vật nuôi như hiện nay, đồng thời đầu tư thêm vốn đưa vào sản xuất các con nuôi đặc sản như ba ba, ốc nhồi để tăng thêm thu nhập kinh tế trên một đơn vị canh tác.

Cũng tại cánh đồng làng Xuân Áng của xã Hà Bình hiện còn có các ông: Đạo, Sơn, Quyến, Tùy “đồng hành” cùng làm trang trại tổng hợp để phát triển kinh tế gia đình với anh Bằng. Mọi người có chung kỳ vọng góp một phần nhỏ bé công sức của mình vào XDNTM trên quê hương. Các hộ đã bàn bạc, liên kết hợp tác với nhau tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, qua đó vừa tăng thêm giá trị thu nhập ổn định, lâu dài vừa đảm bảo an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng.

Lê Như Cương (Tiểu khu 6, thị trấn Hà Trung)

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/bo-lang-ra-dong-kiem-moi-nam-300-trieu/208191.htm