Bộ KHĐT: Chính sách ưu đãi đầu tư của VN chưa phù hợp bối cảnh mới
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết thời gian qua có nhiều tập đoàn lớn đến khảo sát, nghiên cứu đầu tư tại Việt Nam, nhưng do pháp luật chưa có quy định cụ thể về hỗ trợ đầu tư từ ngân sách Nhà nước nên họ đã chuyển sang thị trường khác.
Nội dung này được nêu trong báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) gửi Chính phủ đánh giá tác động của dự thảo Nghị định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư.
Theo đó, Bộ KHĐT thống kê trong thời gian qua có nhiều tập đoàn lớn đã đến khảo sát, nghiên cứu đầu tư tại Việt Nam, nhưng cuối cùng đã chuyển sang quốc gia khác.
Nổi bật là LG Chemical đề xuất dự án sản xuất pin với đề nghị Việt Nam hỗ trợ 30% chi phí sản xuất (tiền mặt), sau đó đã chuyển sang Indonesia. Intel đề xuất dự án sản xuất chip vốn đầu tư 3,3 tỷ USD, đề xuất Việt Nam hỗ trợ 15% tiền mặt nhưng đã chuyển sang Ba Lan.
Tập đoàn bán dẫn AT&S của Áo đã khảo sát, dự kiến đầu tư, nhưng Việt Nam không đáp ứng được về cơ chế hỗ trợ theo chi phí và số lượng lao động công nghệ cao có sẵn, nên cuối cùng doanh nghiệp này đã chuyển sang Malaysia.
"Việc mở rộng của một số dự án công nghệ cao có quy mô lớn cũng có dấu hiệu chững lại để chờ phản ứng chính sách của Việt Nam. Thời gian vừa qua, một số tập đoàn lớn đã có thông báo chính thức về việc đang tạm dừng kế hoạch đầu tư mới, mở rộng tại Việt Nam nếu Chính phủ không có chính sách hỗ trợ đầu tư phù hợp khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu", báo cáo của Bộ KHĐT nêu rõ.
Theo cơ quan này, Samsung cho biết sẽ dịch chuyển dây chuyền sản xuất sang Ấn Độ, LG đang tạm dừng kế hoạch đầu tư mới sản xuất thiết bị điện tử trị giá 5 tỷ USD.
Trong khi đó, SMC (Nhật Bản) đang dự kiến đầu tư sản xuất thiết bị y tế trị giá từ 500 triệu đến 1 tỷ USD tại Đồng Nai; còn các doanh nghiệp từ Đài Loan (Trung Quốc) gồm Foxconn, Compal, Quanta đang nghiên cứu mở rộng đầu tư các thiết bị phụ trợ cho Apple, IBM, Sisco.
Bộ KHĐT đánh giá chính sách ưu đãi của Việt Nam về cơ bản đã bám sát tình hình phát triển kinh tế xã hội của đất nước và liên tục được hoàn thiện trong hơn 30 năm qua, tuy nhiên chưa tương thích với bối cảnh mới.
Theo đó, chính sách ưu đãi của Việt Nam chỉ phụ thuộc vào các hình thức ưu đãi dựa trên thu nhập (miễn, giảm thuế) và ưu đãi về tiền thuê đất, hầu như chưa có các hình thức ưu đãi dựa trên chi phí. Do đó, Việt Nam đang giảm dần cạnh tranh trong thu hút đầu tư và chưa khuyến khích các hoạt động đầu tư lâu dài.
Bên cạnh đó, Bộ KHĐT cũng cho rằng chính sách ưu đãi đầu tư của Việt Nam chưa phù hợp với yêu cầu trong bối cảnh quốc tế có nhiều thay đổi, đặc biệt với việc ra đời của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu.
Ngoài ra theo cơ quan này, pháp luật về ngân sách của Việt Nam cũng chưa có quy định về chi ngân sách cho các hình thức hỗ trợ đầu tư được quy định tại Luật Đầu tư nên chính sách trên chưa áp dụng được trong thực tế.
"Trước mắt, cần giải pháp cấp bách để ứng phó với ảnh hưởng thuế tối thiểu toàn cầu, ngăn làn sóng dịch chuyển đầu tư ra khỏi Việt Nam của một nhóm các nhà đầu tư lớn (có thể kéo theo nhiều công ty vệ tinh đi theo) có vai trò quan trọng trong nền kinh tế", Bộ KHĐT nhấn mạnh.
Vì vậy, theo dự thảo mới nhất của Bộ, Quỹ hỗ trợ đầu tư sẽ có nguồn thu là ngân sách Nhà nước cấp từ nguồn thu thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu và các nguồn ngân sách Nhà nước khác; nguồn đóng góp, viện trợ, tài trợ từ tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; lãi từ tài khoản tiền gửi (nếu có); tồn dư quỹ hàng năm; và các nguồn khác.
Quỹ này sẽ hỗ trợ chi phí cho các doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp có dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao, doanh nghiệp có dự án ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp có dự án đầu tư trung tâm nghiên cứu và phát triển.
Các hỗ trợ chi phí bao gồm chi phí đào tạo phát triển nguồn nhân lực, chi phí nghiên cứu và phát triển, chi phí đầu tư tài sản cố định, chi phí sản xuất sản phẩm công nghệ cao, và chi phí đầu tư hệ thống công trình hạ tầng xã hội.