Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Đột phá trong xây dựng thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh
75 năm hình thành và phát triển, dù với tên gọi nào, hai chữ 'kiến thiết' luôn là 'kim chỉ nam' trong từng kiến nghị, tham mưu chiến lược của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho Đảng, Nhà nước.
Toàn cảnh Đại hội đại biểu Đảng bộ Cơ quan Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Nhiệm kỳ nhiều dấu ấn
Giai đoạn vừa qua, kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội đã đạt nhiều dấu mốc quan trọng, có ý nghĩa lớn. Sau nhiều năm, đây là giai đoạn có mức tăng trưởng kinh tế cao liên tiếp và vượt chỉ tiêu đề ra, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo, môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện, vị thế của đất nước trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao.
Trong những dấu mốc quan trọng của quốc gia có sự đóng góp không nhỏ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cơ quan tham mưu của Đảng và Nhà nước trong việc xây dựng và triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Cơ quan Bộ Kế hoạch và Đầu tư lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2020-2025 diễn ra hôm qua (8/9) khẳng định, nhiệm kỳ qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục giữ vai trò là bộ đi tiên phong trong đổi mới tư duy và hành động.
Cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã theo dõi sát, thường xuyên phân tích, dự báo tình hình, đề xuất kịp thời các giải pháp tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong điều hành kinh tế - xã hội; tập trung, ưu tiên xây dựng, hoàn thiện thể chế, rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung những văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý, nhất là các thể chế liên quan đến cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư công…
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã triển khai nghiên cứu, tham mưu xây dựng 384 đề án, báo cáo về các cơ chế chính sách và các văn bản quy phạm pháp luật (chưa kể các báo cáo định kỳ hàng tháng, quý), trong đó đã xây dựng, trình các cấp có thẩm quyền 9 dự án luật, 16 Chỉ thị, 51 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 26 Nghị quyết và 24 Nghị định của Chính phủ; ban hành theo thẩm quyền 64 văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có 60 Thông tư và 4 Thông tư liên tịch.
“Các đề án, báo cáo, kiến nghị tham mưu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đều nhất quán quan điểm đổi mới của Đảng và Nhà nước, luôn lấy người dân và doanh nghiệp làm đối tượng ưu tiên phục vụ, tập trung tháo gỡ khó khăn, khuyến khích khởi nghiệp, sáng tạo nhằm tận dụng tối đa các cơ hội phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ.
Đánh giá Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có bước đột phá trong xây dựng thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu hội nhập của đất nước, chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan tham mưu, báo cáo các giải pháp kịp thời, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, ông Sơn Minh Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương đã nhấn mạnh: “Nhiệm kỳ qua, Đảng bộ Cơ quan Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thành và vượt các chỉ tiêu, các nhiệm vụ đề ra”.
Hai chữ “kiến thiết” trong chặng đường phát triển sắp tới
Cùng với việc đánh giá lại công tác trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đại hội đại biểu Đảng bộ Cơ quan Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trong nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Nhấn mạnh về chiến lược đổi mới cơ cấu tổ chức bộ máy, xây dựng mô hình tổ chức cơ quan trở thành một cơ quan tham mưu chiến lược về cải cách và phát triển của Đảng và Nhà nước, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định: “Với truyền thống 75 năm hình thành và phát triển của ngành Kế hoạch và Đầu tư, mà tiền thân là Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch kiến thiết, hai chữ “kiến thiết” không chỉ theo suốt chặng đường phát triển vừa qua, mà còn cần thiết hơn bao giờ hết trong chặng đường phát triển sắp tới của Bộ, của ngành và của đất nước”.
Các nhiệm vụ được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chỉ ra, đó là tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phối hợp với Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ trong việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác tham mưu, điều hành hiệu quả cơ chế, chính sách nhằm thực hiện thành công các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch của giai đoạn tới với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô ở trình độ cao hơn; đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng gắn với nâng cao hiệu quả, năng suất, sức cạnh tranh của nền kinh tế; triển khai mạnh mẽ, tạo sự chuyển biến rõ rệt các đột phát chiến lược, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII.
Bên cạnh đó, trên cơ sở phương hướng, nhiệm vụ của nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ Cơ quan Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng Đảng. Đồng thời, Đảng ủy cơ quan phải tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ban Cán sự Đảng trong mọi mặt công tác, đặc biệt là công tác tổ chức, cán bộ và công tác tư tưởng, tạo sự đồng thuận, đoàn kết, nhất trí cao trong toàn Đảng bộ và cơ quan, góp phần hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ chính trị được Đảng và Nhà nước giao phó, đặc biệt là trong định hướng chiến lược đổi mới cơ cấu tổ chức bộ máy, xây dựng mô hình tổ chức cơ quan trở thành một cơ quan tham mưu chiến lược về cải cách và phát triển của Đảng và Nhà nước.
Sau 1,5 ngày làm việc với tinh thần đoàn kết, dân chủ, đổi mới, sáng tạo và phát triển, Đại hội đại biểu Đảng bộ Cơ quan Bộ Kế hoạch và Đầu tư lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2020- 2025 đã kết thúc tốt đẹp.
Đại hội đại biểu Đảng bộ Cơ quan Bộ Kế hoạch và Đầu tư lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2020- 2025 đã bầu ra Ban Chấp hành khóa mới gồm 26 đồng chí.
Ban Chấp hành khóa mới đã họp, bầu Ban Thường vụ, Bí thư, Phó bí thư, Ủy ban Kiểm tra và Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy nhiệm kỳ mới. Kết quả, đồng chí Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư được bầu giữ trọng trách Bí thư Đảng ủy Bộ Kế hoạch và Đầu tư; đồng chí Mai Ngọc Bích và Trần Duy Đông được bầu làm Phó bí thư Đảng ủy.
Đại hội cũng đã thống nhất bầu đoàn đại biểu tham dự Đại hội Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương.