Bộ Công Thương đã trình Dự thảo sửa đổi các nghị định kinh doanh xăng dầu
Theo Bộ Công Thương, Bộ đã trình Dự thảo sửa đổi các nghị định kinh doanh xăng dầu vào ngày 18.7.2023.
Tối ngày 3.8, Bộ Công Thương cho biết, liên quan phiên họp của Ban Chỉ đạo điều hành giá về kết quả công tác, điều hành giá 7 tháng đầu năm và những tháng còn lại của năm 2023, do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì sáng 3.8, có một số cơ quan báo đã đăng tải thông tin phản ánh Bộ Công Thương chưa trình Chính phủ dự thảo sửa đổi Nghị định 95/NĐ-CP (Nghị định 95) và Nghị định 83/NĐ-CP (Nghị định 83) về kinh doanh xăng dầu.
Về vấn đề này, Bộ Công Thương khẳng định: "Thông tin này là không chính xác. Vì trên thực tế, Bộ Công Thương đã trình dự thảo sửa đổi các nghị định này vào ngày 18.7.2023".
Liên quan thị trường xăng dầu, để đảm bảo nguồn cung xăng dầu theo chỉ đạo của Chính phủ, cùng ngày 3.8, Bộ Công Thương đã phân giao bổ sung tổng nguồn xăng dầu tối thiểu cho các tháng cuối năm 2023.
Lượng phân giao này được bổ sung dựa trên cơ sở kết quả thực hiện tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2023 của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, kế hoạch bảo trì của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn và dự báo nguồn cung xăng dầu trong nước trong các tháng cuối năm 2023.
Bộ Công Thương nhận định, nhờ sự chủ động phân giao tổng nguồn nhập khẩu và lượng bổ sung, nên kế hoạch bảo trì nhà máy của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn sẽ không gây ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu trong nước.
Đối với công tác điều hành giá xăng dầu, Bộ Công Thương khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính thực hiện nhất quán, đúng quy định tại Nghị định 83 và Nghị định 95, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, để điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới.
Bộ Công Thương thông tin, trước đây, quá trình sửa đổi Nghị định 83 và ban hành Nghị định 95 đã mất 2,5 năm, có sự tham gia góp ý của cộng đồng doanh nghiệp, trải qua quá trình thảo luận, xin ý kiến rất dài. Tất cả những vấn đề đặt ra trong quá trình sửa đổi Nghị định 83 và 95 đều là những vấn đề đã đưa ra thảo luận từ quá trình sửa đổi Nghị định 83 trước đây, ví dụ như vấn đề Quỹ bình ổn giá xăng dầu; thời gian điều hành; dự trữ xăng dầu; quyền và nghĩa vụ của thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối, đại lý... Đó đều là những vấn đề đã được đưa ra thảo luận rất kỹ trong quá trình sửa đổi.
Tuy nhiên, năm 2022, những biến động của thị trường xăng dầu mang tính chất dị biệt, đặc biệt là cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ucraina, biến động giá xăng dầu ở biên độ cao và chưa từng xảy ra trước đó… Quan điểm của Bộ Công Thương và ban soạn thảo khi soạn thảo Nghị định này là thực sự lắng nghe, thực sự cầu thị để làm sao có thị trường xăng dầu đảm bảo mục tiêu kiểm soát CPI, đảm bảo cuộc sống người dân và hoạt động của doanh nghiệp.