Bình yên ở biên giới Tây Nam
Những ngày cuối năm âm lịch, hoạt động giao thương ở biên giới Tây Nam diễn ra hết sức nhộn nhịp, nhà nhà chuẩn bị đón xuân. Để mang lại cái Tết bình yên cho người dân, các lực lượng phải nỗ lực ngày đêm trong việc đẩy mạnh hoạt động tuần tra, kiểm soát, chủ động triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ, kiên quyết đấu tranh với các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, đặc biệt trên tuyến sông chung.
BÌNH YÊN TRÊN TUYẾN SÔNG CHUNG
Trên tuyến biên giới An Giang, địa bàn quản lý của Đồn biên phòng cửa khẩu (BPCK) Long Bình (thị trấn Long Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang) là phức tạp nhất, bởi tình trạng xuất nhập cảnh trái phép, buôn lậu hàng cấm, thuốc lá, đường cát… Với địa hình này, các loại tội phạm, đối tượng chỉ cần vượt qua con sông Bình Ghi (còn gọi sông Bình Di) rộng vài chục mét là đã có thể xâm nhập nội địa Việt Nam, đặc biệt là dịp cận Tết Nguyên đán.
Được biết Đồn BPCK Long Bình quản lý đoạn biên giới dài 15,6km, trong đó có 11,6km tuyến biên giới sông, chạy dọc theo sông Bình Di. Khu vực này, dân cư 2 bên sống đông đúc, cùng với nhiều nhà bè trên sông, chỉ cần vài phút là đã từ bên này qua bên kia biên giới. Theo Thiếu tá Nguyễn Ngọc Tuấn - Đồn trưởng Đồn BPCK Long Bình, khu vực đối diện với đoạn biên giới do đồn phụ trách là xã Sầm Pa Poul, huyện Koh Thum, tỉnh Kandal, vương quốc Campuchia, có rất nhiều người gốc Việt sinh sống, giữ quan hệ thân nhân lâu đời với người dân bên Cửa khẩu Long Bình. Người dân 2 bên vẫn lợi dụng sự sơ hở của cơ quan chức năng để lén qua lại mua bán, thăm thân nhân, trao đổi hàng hóa. Đặc biệt, đối diện với đoạn biên giới do đồn phụ trách có 4 casino và 2 khu giải trí phức hợp.
Bên cạnh đó, một số ít là dân địa phương do hám lợi đã tiếp tay hoặc tổ chức đưa đón người qua lại nhập cảnh trái phép với thủ đoạn tinh vi. Ngoài ra, còn có tình trạng các đối tượng thông qua các trang mạng xã hội tìm hiểu những người có nhu cầu tìm việc làm lương cao ở Campuchia hoặc muốn về Việt Nam để dụ dỗ, lừa gạt xuất nhập cảnh trái phép. Khi xuất cảnh trái phép sang Campuchia, nạn nhân sẽ bị bóc lột sức lao động, đối tượng yêu cầu gia đình trả tiền chuộc, nếu không sẽ bị đánh đập và bán cho các chủ lao động khác ở Campuchia. Từ đó làm cho tuyến sông chung càng trở nên phức tạp.
Trước đó, khoảng 10 giờ ngày 18/8/2022 Bộ đội Biên phòng An Giang phát hiện, bắt giữ 40 người (35 nam, 5 nữ) từ Casino Rich World (ấp Chrey Thum, xã Sampeou Poun, huyện Koh Thom, tỉnh Kandal, Campuchia) bơi qua sông Bình Di nhập cảnh trái phép về Việt Nam, sau khi bị bóc lột sức lao động.
Để bảo đảm Tết bình yên cho người dân biên giới, Đồn BPCK Long Bình duy trì hơn chục tổ, chốt với hàng chục cán bộ, chiến sĩ (CBCS) ngày đêm tăng cường tuần tra, mật phục, đấu tranh với các loại tội phạm. Kết quả trong năm 2023, đơn vị đã bắt giữ 4 vụ vận chuyển ma túy/4 đối tượng và phối hợp bắt 2 vụ/3 đối tượng, tang vật thu giữ hơn 18,6kg ma túy; bắt giữ 16 vụ buôn lậu/20 đối tượng. Ngoài ra còn phối hợp với Công an, Hải quan bắt 4 vụ/7 đối tượng buôn lậu vàng, thu 19kg vàng…
MANG YÊU THƯƠNG ĐẾN VỚI ĐỒNG BÀO KHÓ KHĂN
Nhằm thể hiện sự tri ân của CBCS Biên phòng đối với nhân dân trong việc tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền biên giới, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh An Giang tổ chức Chương trình “Xuân Biên phòng - ấm lòng dân bản” cho bà con thuộc các xã biên giới trên địa bàn. Theo đó tổ chức phát quang đường lộ nông thôn và vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp; trao tặng 30 căn nhà “Mái ấm biên cương” cho gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng, hộ nghèo, người già neo đơn; tổ chức tặng 200 phần quà và khám bệnh cấp phát thuốc cho người dân… Bên cạnh đó, để tạo không khí ấm áp, thắm tình quân - dân, CBCS đã tổ chức gói bánh tét và mang đến tận nhà trao cho các hộ nghèo trên địa bàn; tổ chức đêm giao lưu văn hóa, văn nghệ quần chúng phục vụ nhân dân vui xuân đón Tết; tổ chức trò chơi dân gian, những môn truyền thống của đồng bào Khmer như: kéo co, nhảy bao bố, đập nồi đất.
Thượng tá Nguyễn Văn Hiệp - Chính ủy BĐBP An Giang - cho biết: Chương trình “Xuân Biên phòng - ấm lòng dân bản” là chuỗi hoạt động ý nghĩa thiết thực của CBCS BĐBP tỉnh An Giang, góp phần cùng chính quyền địa phương thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đề ra. Bên cạnh đó phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần cho CBCS và đồng bào vùng biên giới, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, thắm tình quân - dân nơi biên giới khi Tết đến, xuân về.
Đại tá Trần Quốc Khánh - Chỉ huy trưởng BĐBP An Giang - cho biết: Hiện một số đoạn trên dòng sông chung chưa được phân giới cắm mốc. Cư dân hai bên sống sát bờ sông có mối quan hệ thân tộc với nhau, thường xuyên qua lại mua bán trao đổi hàng hóa. Trước dịch Covid-19, người dân qua lại theo tập quán địa phương, không theo quy định nào cả, không chịu sự quản lý, giám sát. Sau dịch bệnh, lực lượng Biên phòng triển khai các tổ, chốt để quản lý, bảo vệ biên giới. Đến nay đã tham mưu cho UBND huyện An Phú tuyên truyền, di dời 57 lồng bè, nhà nổi của 23 hộ dân nằm trùng và vượt quá đường biên giới với Campuchia. Từ đó, hoạt động trên tuyến biên giới đã cơ bản đi vào khuôn khổ, nề nếp.
Để bảo đảm mọi mặt công tác, nhất là dịp Tết Nguyên đán, lực lượng Biên phòng luôn phối hợp, gắn bó với chính quyền địa phương, làm tốt công tác vận động quần chúng, quan tâm đến công tác an sinh xã hội.
Ngoài ra, CBCS Biên phòng cũng thực hiện nhiều chương trình như: “Nâng bước em đến trường”, “Con nuôi đồn biên phòng”, “Hũ gạo tình thương”, trong đó đưa 21 học sinh ngoại biên sống bên Campuchia qua Việt Nam học tập…
Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/nhip-song/binh-yen-o-bien-gioi-tay-nam_158820.html