Bình yên một dải biên cương

Với phương châm sống 'Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt', những năm qua, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Đàm Thủy, BĐBP Cao Bằng luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, đồng thời, tích cực giúp đỡ chính quyền và nhân dân các xã biên giới phát triển kinh tế-xã hội, góp phần xây dựng biên cương ngày càng giàu mạnh.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Đàm Thủy giúp nhân dân thu hoạch lúa. Ảnh: Trần Hoàng Anh

Đồn Biên phòng Đàm Thủy có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ gần 19km đường biên giới, trong đó, có hơn 17,5km biên giới trên đất liền, gần 1,5km trên sông và 60 mốc quốc giới. Địa bàn do đơn vị quản lý gồm 2 xã Chí Viễn và Đàm Thủy của huyện biên giới Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng là nơi sinh sống của bà con 4 dân tộc: Tày, Nùng, Kinh, Dao. Những năm qua, cán bộ, chiến sĩ của Đồn Biên phòng Đàm Thủy đã tích cực bám sát địa bàn, triển khai đồng bộ các biện pháp công tác biên phòng, đặc biệt làm tốt công tác vận động quần chúng, qua đó, góp phần xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới của Tổ quốc.

Khắc sâu lời Bác Hồ dạy: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Đàm Thủy đã ngày đêm bám dân, bám địa bàn, thực hiện "4 cùng" (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào) với bà con; thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương; tích cực giúp nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Chỉ tính riêng trong 9 tháng của năm 2023, đơn vị đã phối hợp với chính quyền, các đoàn thể xã hội ở 2 xã Chí Viễn và Đàm Thủy tổ chức tuyên truyền được 47 buổi với trên 5.730 lượt người nghe; phối hợp giúp dân lao động sản xuất, xây dựng nông thôn mới được 25 buổi với 276 lượt cán bộ, chiến sĩ của đơn vị tham gia. Bằng nguồn kinh phí tăng gia sản xuất, đơn vị đã tổ chức thăm và tặng 51 suất quà trị giá 31,5 triệu đồng cho các gia đình chính sách, người có uy tín, mẹ liệt sĩ nhân dịp Tết Nguyên đán và tham gia giúp 5 hộ dân di dời chuồng trại ra khỏi gầm sàn nhà, đơn vị hỗ trợ 12,5 triệu đồng...

Trung tá Nguyễn Xuân Mạnh, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Đồn Biên phòng Đàm Thủy đưa đoàn công tác chúng tôi xuống thăm bà con thôn xóm núi Lũng Phiắc, xã Đàm Thủy. Trên đường đi, Chính trị viên Nguyễn Xuân Mạnh cho biết, cách đây hơn chục năm về trước, khi nhắc đến địa danh Lũng Phiắc, ai cũng nghĩ đến sự khó khăn, phức tạp về an ninh, trật tự, nổi cộm lên những vấn đề như: khai thác và vận chuyển quặng trái phép qua biên giới, nạn tảo hôn, nghiện hút ma túy, trộm cắp... bởi vùng đất này được mệnh danh là “lãnh địa nóng” của tỉnh Cao Bằng. Trước tình hình đó, năm 2006, Tỉnh ủy Cao Bằng đã ra Chỉ thị 15 về việc “Củng cố, phát triển kinh tế-xã hội và an ninh trật tự của xóm Lũng Phiắc”. Thực hiện chỉ thị này của Tỉnh ủy Cao Bằng, hàng chục cán bộ được tăng cường về Lũng Phiắc, trong đó có các cán bộ của Đồn Biên phòng Đàm Thủy.

Với phương châm “Sâu sát cơ sở, gần dân, trọng dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân” và “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, sau hàng chục năm bám dân, bám bản, các cán bộ, chiến sĩ của Đồn Biên phòng Đàm Thủy đã giúp dân hiểu, dân tin chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; yên tâm lao động sản xuất. Không chỉ tuyên truyền, vận động, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Đàm Thủy còn trực tiếp lội ruộng cấy lúa, trồng ngô hay sửa chữa nhà cửa, làm đường sá cùng bà con.

Bằng những việc làm cụ thể và thiết thực như thế, tình cảm quân-dân ngày càng gắn bó như tình cảm của những người trong gia đình. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, nhờ đó, bà con dần hiểu được những hệ lụy từ việc khai thác, vận chuyển quặng trái phép, nạn tảo hôn và tác hại của ma túy. Từ đó, bà con ngày càng gắn bó với đồng ruộng, đồng thời, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, tránh xa các tập tục lạc hậu cũng như các tệ nạn xã hội.

Ngoài ra, Đồn Biên phòng Đàm Thủy còn phối hợp với các đơn vị chức năng của huyện Trùng Khánh và tỉnh Cao Bằng mở các lớp hướng dẫn trồng các loại cây cho năng suất và giá trị kinh tế cao như: lúa, ngô, gấc, lạc... Bà con còn được đơn vị giúp phát triển chăn nuôi, nhất là mở rộng đàn lợn, nhiều hộ duy trì thường xuyên 30 đến 50 đầu lợn. Những hộ có khó khăn về vốn được Đồn Biên phòng Đàm Thủy hướng dẫn làm thủ tục vay vốn ngân hàng chính sách.

“Để giúp nhân dân thoát nghèo bền vững, Đảng ủy, Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Đàm Thủy đã mạnh dạn đề nghị lãnh đạo cấp trên đầu tư kinh phí làm đường, biến những con đường ngập bùn ngang ống chân khi mưa thành đường bê tông bằng phẳng; làm 2 tuyến mương nội đồng với tổng chiều dài hơn 5km, đưa nước từ sông Quây Sơn cung cấp cho 45ha đất ruộng, giúp bà con tăng từ một vụ lúa lên thành hai vụ (một vụ lúa và một vụ màu). Nhờ thế, những ngôi nhà khang trang đang dần mọc lên ở Lũng Phiắc, nhiều hộ gia đình đã có “của ăn, của để”, thoát khỏi cảnh đói nghèo. Và một điều đáng quý nữa đối với bà con, đó là Lũng Phiắc đã bình yên trở lại” - Chính trị viên Nguyễn Xuân Mạnh tâm sự.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Đàm Thủy gắn bó máu thịt với nhân dân nơi biên giới. Ảnh: Trần Hoàng Anh

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, triển khai thực hiện mô hình “Giúp đỡ hộ nghèo phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững” do Bộ Chỉ huy BĐBP Cao Bằng phát động, những năm qua, Đồn Biên phòng Đàm Thủy đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền 2 xã Đàm Thủy, Chí Viễn cung ứng kịp thời hàng chục tấn giống ngô, giống lúa mới có năng suất, hiệu quả kinh tế cao để bà con đưa vào sản xuất. Đồng thời, tổ chức được nhiều lớp tập huấn về kỹ thuật trồng lúa, ngô, chăn nuôi với trên 2.000 lượt người tham gia.

Đơn vị cũng chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các ngành, địa phương, đơn vị trong tỉnh xây dựng, nhân rộng nhiều mô hình giúp dân phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, các hoạt động trong bảo đảm an sinh xã hội. Hàng loạt chương trình, nội dung hoạt động đã và đang được triển khai có hiệu quả như: “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo”, “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn Biên phòng".

Ngoài ra, Đồn Biên phòng Đàm Thủy còn nhận giúp đỡ xây dựng thôn, bản, khu dân cư biên giới vững mạnh, tiêu biểu, xây dựng, nhân rộng và đẩy mạnh thực hiện các mô hình: “Thôn, bản không có ma túy”, “Thôn, bản không có tội phạm”, "Thôn, bản không có hôn nhân cận huyết thống”... Cũng chính nhờ sự chung tay, góp sức của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Đàm Thủy, đến nay, diện mạo 2 xã biên giới Đàm Thủy, Chí Viễn ngày càng thay đổi theo hướng tốt đẹp hơn, đời sống bà con các dân tộc cũng đang ngày càng cải thiện, số hộ nghèo ngày càng giảm, cái đói, cái lạc hậu cũng không còn tồn tại.

Ngày chúng tôi rời Đàm Thủy cũng là ngày đông đảo bà con các dân tộc xã Đàm Thủy và Chí Viễn xúng xính trong những bộ trang phục lộng lẫy, nô nức kéo về tập trung tại khu vực mốc 834/1 để chứng kiến Lễ vận hành thí điểm cho du khách qua lại Khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam)-Đức Thiên (Trung Quốc). Trong tương lai không xa, việc đưa vào vận hành chính thức khu cảnh quan này sẽ thúc đẩy hợp tác phát triển du lịch xanh qua biên giới, kinh tế thương mại, giao lưu văn hóa hữu nghị giữa nhân dân địa phương hai bên biên giới và nhân dân hai nước Việt-Trung, góp phần quan trọng thúc đẩy quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc phát triển và đi vào chiều sâu.

Trần Hoàng Anh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/binh-yen-mot-dai-bien-cuong-post467513.html