Bình yên cho 'lá phổi xanh'
BPO - Một mùa xuân mới lại về. Những khúc ca xuân vui tươi, rộn ràng, tưng bừng trong từng ngôi nhà, góc phố. Nhà nhà khấp khởi du xuân… Thế nhưng, trong sương khói đại ngàn Vườn quốc gia Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước, những người bảo vệ rừng vẫn lặng lẽ với mỗi bước chân không mỏi, trèo đèo, lội suối, băng rừng, quyết tâm giữ bình yên cho “lá phổi xanh” vùng Đông Nam Bộ.
Vì nhiệm vụ cao cả
Tháng Chạp ở Vườn quốc gia Bù Gia Mập trời se lạnh. Đêm xuống, sương giăng khắp nơi, lạnh run người, nhất là ở vùng giáp ranh tỉnh Đắk Nông. Thời tiết như thử sức bền, sự vững chí của người giữ rừng khi họ cùng lúc phải đối mặt với cả những rủi ro, nguy cơ từ con người.
20 năm gắn bó với rừng, anh Nguyễn Văn Chính, Phó Trạm trưởng Trạm kiểm lâm Đắk Đo gần như chưa năm nào được đón tết cùng gia đình. Anh Chính chia sẻ: So với ngày trước, công việc của anh em kiểm lâm hiện nay đỡ vất vả hơn vì đường sá đi lại, cơ sở vật chất được Nhà nước, đơn vị đầu tư. Nhất là thời gian gần đây, lãnh đạo vườn quan tâm ứng dụng công nghệ 4.0 vào bảo vệ rừng. Thế nhưng, điều kiện khí hậu và nguồn nước sinh hoạt vẫn là bài toán khó đối với người bảo vệ rừng khu vực giáp ranh tỉnh Đắk Nông. Tuy nhiên, anh em chúng tôi luôn đoàn kết, động viên nhau khắc phục khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Ông Vương Đức Hòa, Giám đốc Ban Quản lý Vườn quốc gia Bù Gia Mập cho biết: Phải trải nghiệm trong rừng mới hiểu hết công việc và sự vất vả của những người giữ rừng. Không chỉ đối mặt với hiểm nguy trong thực hiện nhiệm vụ, những vụ việc chống người thi hành công vụ vẫn diễn ra, đối tượng vào rừng có chủ ý, thậm chí tính toán cả cách để thoát thân nếu bị phát hiện. Chúng tôi rất hiểu và thương anh em. “Chỉ có yêu rừng nhiều người mới có thể công tác ở đây hàng chục năm, và chỉ có tập hợp được sức mạnh từ tình yêu ấy, cho đến hôm nay, cánh rừng này vẫn vẹn nguyên, thậm chí tăng dày thêm sự đa dạng sinh học” - ông Hòa khẳng định.
Năm 2024, Ban Quản lý Vườn quốc gia Bù Gia Mập đối mặt với rất nhiều khó khăn. Trước hết phải kể đến những tháng mùa khô, hạn hán khốc liệt, hầu hết các trạm kiểm lâm đều thiếu nước sinh hoạt. Công tác phòng, chống cháy rừng thực sự là một thử thách. Thế nhưng, vượt qua tất cả, những cánh rừng vẫn được bảo vệ vẹn toàn.
“Không chỉ đối mặt với hạn hán, thời gian qua, tình hình xâm nhập rừng trái phép của một số đối tượng ngày càng phức tạp và tinh vi. Thế nhưng các đơn vị, cộng đồng nhận khoán đã phối hợp với lực lượng kiểm lâm hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ rừng. Trong năm 2024, đã ngăn chặn và xử lý 12 vụ vi phạm lĩnh vực lâm nghiệp. Đáng chú ý, trên lâm phần vườn quốc gia không có vụ cháy rừng nào xảy ra”.
Giám đốc Ban Quản lý Vườn quốc gia Bù Gia Mập
VƯƠNG ĐỨC HÒA
“Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng/ Gian khổ sẽ dành phần ai”. Lời bài hát trong ca khúc “Một đời người, một rừng cây” của nhạc sĩ Trần Long Ẩn chợt xuất hiện trong tâm trí tôi. Có lẽ chỉ khi đến với rừng, trải nghiệm nhiệm vụ của các kiểm lâm viên, tôi mới thực sự hiểu được sự hy sinh thầm lặng của họ. Và thật ngưỡng mộ là lúc nào họ cũng luôn tràn đầy niềm tin, quyết tâm giữ màu xanh cho những cánh rừng.
Chung tay bảo vệ
Tiết trời giao mùa cũng là thời điểm những nhánh lan rừng ở Vườn quốc gia Bù Gia Mập khoe sắc. Tiếng chim rừng thánh thót báo hiệu mùa xuân đang về, đem đến những xúc cảm đặc biệt cho bất kỳ ai khi đến với rừng.
Với diện tích gần 26.000 ha, Vườn quốc gia Bù Gia Mập tiếp giáp biên giới Vương quốc Campuchia, có tài nguyên sinh học khá đa dạng và phong phú với 1.114 loài thực vật thuộc 480 chi, 126 họ của 5 ngành thực vật bậc cao có mạch, trong đó có 24 loài thực vật bị đe dọa, nguy cấp, quý hiếm và đặc hữu. Vườn có 832 loài động vật với 106 loài thú, 248 loài chim, 59 loài bò sát, 28 loài lưỡng cư, 342 loài côn trùng, 49 loài cá. Trong đó có 61 loài động vật bị đe dọa, nguy cấp, quý hiếm. Thành quả đạt được trong công tác bảo vệ rừng ở Vườn quốc gia Bù Gia Mập trong hơn 22 năm qua có sự góp sức chăm lo của biết bao mồ hôi, công sức, nước mắt, thậm chí là máu của các thế hệ cán bộ, nhân viên bảo vệ rừng.
Với việc huy động sức dân, khoảng hơn 10 năm trở lại đây, Vườn quốc gia Bù Gia Mập có sự chung tay bảo vệ rừng của người dân địa phương. Hiện nay, Ban Quản lý vườn đã triển khai giao khoán bảo vệ rừng cho 11 cộng đồng thuộc các xã vùng đệm của vườn, với sự tham gia của 710 hộ dân là đồng bào dân tộc S’tiêng và M’nông. Tổng diện tích giao khoán hơn 24.039 ha.
Từ việc người dân địa phương chung tay bảo vệ rừng cho thấy lợi ích kép trong mối quan hệ phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường. Được giải quyết việc làm, có thu nhập ổn định, lại là công việc phù hợp với sức khỏe, sở thích nên ngày càng có nhiều người muốn được tham gia bảo vệ rừng. Anh Điểu Thớ, Tổ bảo vệ rừng thôn 3, xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập cho biết: “Bảo vệ rừng đã trở thành niềm yêu thích của tôi 13 năm qua. Từ khi nhận rõ giá trị của rừng, tôi thường xuyên vận động, tuyên truyền bà con không vào rừng săn bắt thú hay khai thác lâm sản”.
“Mình sinh ra từ rừng, rừng đã nuôi sống và che chở cho mình thì phải nỗ lực bảo vệ rừng, để con cháu sau này được sống trong môi trường xanh, an toàn” - ông Điểu Mép, Tổ bảo vệ rừng thôn Bù Dốt, xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập chia sẻ.
Khi đã trót yêu rừng…
Cùng với việc chuẩn bị hành trang vào rừng, kiểm lâm và cộng đồng nhận khoán các thôn cũng chuẩn bị một vài món ăn mang hương vị ngày tết đem theo để đón xuân giữa những cánh rừng già xanh thẳm, hoặc bên cạnh những con suối. Ở đó, họ sẽ làm bạn với cỏ cây, lắng nghe khúc nhạc giao mùa từ các loài chim muông thân thuộc. Nhưng với họ đó là hạnh phúc, là bình yên.
“Mỗi mùa trong năm đều có những áp lực riêng với lực lượng bảo vệ rừng. Mùa khô này, chúng tôi tăng cường tuần tra, phòng chống cháy rừng; chủ động phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn kẻ xấu lợi dụng dịp tết để khai thác lâm sản trái phép” - anh Hoàng Anh An, Phó Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm số 1, Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Bù Gia Mập khẳng định.
Ở giữa đại ngàn xa xôi, không có sóng điện thoại, không kết nối liên lạc được với gia đình và bạn bè để gửi đến nhau những lời chúc mừng năm mới nên trong sâu thẳm mỗi người, đâu đó vẫn lắng đọng những nỗi nhớ. Thế nhưng, chúng tôi cảm nhận được rằng, khi đã trót yêu những cánh rừng tha thiết thì điều ấy sẽ được kiểm lâm và cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng ở Vườn quốc gia Bù Gia Mập gói ghém lại chờ ngày đoàn tụ, bởi những cánh rừng nơi đây luôn cần họ bảo vệ.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/168403/binh-yen-cho-la-phoi-xanh