Bình Thuận: Rà soát quỹ đất, định hướng phát triển các khu công nghiệp mới

Việc lập quy hoạch khu công nghiệp mới ở Bình Thuận phải đảm bảo phù hợp với các quy hoạch và chỉ tiêu sử dụng đất, đảm bảo hạ tầng kết nối các khu công nghiệp và phải phát huy được lợi thế của địa phương.

91 dự án đầu tư vào các khu công nghiệp

Theo báo cáo của Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Thuận, hiện nay toàn tỉnh có 7/9 khu công nghiệp (Khu công nghiệp Phan Thiết giai đoạn 1, Khu công nghiệp Phan Thiết giai đoạn 2, Khu công nghiệp Hàm Kiệm I, Khu công nghiệp Hàm Kiệm II, Khu công nghiệp Sông Bình, Khu công nghiệp Tuy Phong, Khu công nghiệp Tân Đức) đã và đang được đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng với tổng diện tích là 1.393,43 ha; tổng vốn đầu tư thực hiện đến nay là 1.912/3.207 tỷ đồng, đạt 59,6% vốn đăng ký.

Có 02 Khu công nghiệp Sơn Mỹ 1 và Khu công nghiệp Sơn Mỹ 2 giai đoạn 1, với diện tích 1.538 ha, tổng vốn đăng ký 4.017 tỷ đồng đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, triển khai công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, thủ tục cho thuê đất nên chưa đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật.

Tỉnh Bình Thuận tổ chức cuộc họp rà soát định hướng phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ảnh: binhthuan.gov.vn

Tỉnh Bình Thuận tổ chức cuộc họp rà soát định hướng phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ảnh: binhthuan.gov.vn

Các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 91 dự án đầu tư (trong đó, có 27 dự án có vốn đầu tư nước ngoài và 64 dự án đầu tư trong nước) với tổng vốn đầu tư đăng ký là 328,41 triệu USD và 17.123,26 tỷ đồng, diện tích thuê đất là 279,4 ha, tỷ lệ lấp đầy là 29,16%. Ngoài ra, có 03 dự án quy mô lớn (Nhà máy nhiệt điện BOT Sơn Mỹ 1, Nhà máy nhiệt điện Sơn Mỹ 2 và Kho cảng khí LNG) với diện tích sử dụng đất là 156,123 ha, vốn đầu tư đăng ký 5,4 tỷ USD, đã được Bộ Công Thương và UBND tỉnh Bình Thuận chấp thuận chủ trương đầu tư tại Khu công nghiệp Sơn Mỹ 1.

Thực hiện Quyết định số 1701/QĐ-TTg ngày 27/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2030 và chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Thuận đã phối hợp với các Sở, ngành và địa phương khảo sát hiện trạng và xác định vị trí triển khai 06 khu công nghiệp, với quy mô khoảng 4.942 ha, gồm: Khu công nghiệp Đông Bắc Phan Thiết; Khu công nghiệp Sông Bình mở rộng; Khu công nghiệp phía Tây Bắc tỉnh; Khu công nghiệp Tân Đức mở rộng; Khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ Hàm Tân - La Gi; Khu công nghiệp phía Nam tỉnh.

Các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã thu hút được 91 dự án đầu tư. Ảnh minh họa

Các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã thu hút được 91 dự án đầu tư. Ảnh minh họa

Về định hướng bổ sung Quy hoạch tỉnh để phát triển các khu công nghiệp mới và hình thành chuỗi các khu công nghiệp từ huyện Đức Linh đến huyện Tánh Linh và huyện Hàm Tân nhằm phát huy lợi thế của địa phương theo chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Thuận đã phối hợp với UBND các huyện: Hàm Tân, Đức Linh, Tánh Linh và các nhà đầu tư khảo sát vị trí, đề xuất phát triển thêm 04 khu công nghiệp mới với quy mô khoảng 2.750 ha để bổ sung vào Quy hoạch tỉnh khi có điều kiện, gồm: Khu công nghiệp phía Nam tỉnh; Khu công nghiệp Gia Huynh; Khu công nghiệp Suối Giêng; Khu công nghiệp Tân Phúc.

Tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc tại từng khu công nghiệp

Tại cuộc họp rà soát định hướng phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Thuận vào ngày 01/4 vừa qua, ông Nguyễn Hồng Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho rằng, hiện nay, tỉ lệ lấp đầy doanh nghiệp thứ cấp tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh còn thấp. Và yêu cầu Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh phối hợp với các cơ quan, đơn vị kêu gọi nhà đầu tư thứ cấp vào các khu công nghiệp, tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện nay tại từng khu công nghiệp.

Đối với các khu công nghiệp đã được xác định theo Quyết định số 1701/QĐ-TTg ngày 27/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ (2021 – 2030), tầm nhìn đến năm 2030, nhưng chưa có chỉ tiêu sử dụng đất, ông Nguyễn Hồng Hải yêu cầu Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh rà soát lại, xem xét khu công nghiệp nào có thể phát triển được trong tương lai; từ đó, đề xuất lập quy hoạch và triển khai các bước tiếp theo…

Ông Nguyễn Hồng Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận nhấn mạnh việc lập quy hoạch khu công nghiệp mới phải đảm bảo phù hợp với các quy hoạch và chỉ tiêu sử dụng đất của tỉnh, kết nối hạ tầng các khu công nghiệp. Ảnh: binhthuan.gov.vn

Ông Nguyễn Hồng Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận nhấn mạnh việc lập quy hoạch khu công nghiệp mới phải đảm bảo phù hợp với các quy hoạch và chỉ tiêu sử dụng đất của tỉnh, kết nối hạ tầng các khu công nghiệp. Ảnh: binhthuan.gov.vn

Về định hướng bổ sung các khu công nghiệp trong tương lai nằm ngoài Quyết định 1701, ông Nguyễn Hồng Hải cũng yêu cầu Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh phối hợp với các địa phương rà soát quỹ đất hiện có, đề xuất định hướng phát triển các khu công nghiệp mới. Trên cơ sở đó, Sở Tài chính triển khai lập điều chỉnh quy hoạch tỉnh theo quy định.

Đồng thời, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận nhấn mạnh việc lập quy hoạch khu công nghiệp mới, lựa chọn nhà đầu tư phải đảm bảo phù hợp với các quy hoạch và chỉ tiêu sử dụng đất của tỉnh, đảm bảo hạ tầng kết nối các khu công nghiệp và phải phát huy được lợi thế của địa phương.

Hạ Vĩ

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/binh-thuan--ra-soat-quy-dat--dinh-huong-phat-trien-cac-khu-cong-nghiep-moi-138946.htm