Bình Liêu: Người dân mong chờ chính sách mới

Diện tích rừng ở huyện Bình Liêu có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ vành đai biên giới, tạo kế sinh nhai cho người dân, phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Vì vậy, nhiều chủ rừng đang mong chờ chính sách mới về phát triển lâm nghiệp bền vững của tỉnh đi vào cuộc sống.

Nhiều hộ dân ở xã Lục Hồn (huyện Bình Liêu) thoát nghèo, làm giàu từ rừng.

Bình Liêu hiện có trên 41.600ha rừng và đất lâm nghiệp. Trong đó, gần 23.000ha rừng, đất rừng sản xuất; trên 18.200ha rừng, đất rừng phòng hộ (trên 3.800ha rừng tự nhiên, trên 9.300ha rừng trồng). Huyện có trên 6.500 hộ được giao rừng, đất rừng. Nhiều năm qua, rừng đã mang lại thu nhập ổn định cho người dân, giúp họ thoát nghèo bền vững, ổn định cuộc sống.

Gia đình anh Hoàng Văn Tâm (thôn Khau Pưởng, xã Lục Hồn) có 3,5ha rừng đều trồng cây hồi. Với độ tuổi trung bình khoảng 20 năm, nhiều năm nay, rừng hồi đã đem lại giá trị kinh tế cao cho gia đình. Ngôi nhà 2 tầng mới xây được vài năm của gia đình nhờ lợi nhuận từ cây hồi.

Anh Tâm cho biết: Nếu diện tích rừng hồi của gia đình nằm trong diện phải chuyển đổi sang rừng phòng hộ thì cũng sẽ không bị ảnh hưởng quá nhiều, bởi hồi là cây lâu năm, gia đình vẫn khai thác hoa hằng năm. Nếu chuyển đổi, gia đình vừa được hỗ trợ, vừa được nhận phí bảo vệ rừng, nên gia đình hoàn toàn đồng ý với chủ trương này. Người dân mong muốn các chính sách sớm đi vào cuộc sống, đồng thời có những hỗ trợ sát với thực tế của người trồng, quản lý, bảo vệ rừng.

Rừng hồi nhà anh Hoàng Văn Tâm (thôn Khau Pưởng, xã Lục Hồn) đã cho thu hoạch.

Theo ông La Tiến Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Lục Hồn: Từ năm 2019 đến nay, xã đã trồng mới gần 70ha rừng, gồm các loại thông mã vĩ, hồi, quế, keo, bạch đàn. Theo cơ chế hỗ trợ của tỉnh, mỗi ha rừng sản xuất chuyển sang rừng phòng hộ được hỗ trợ 10 triệu đồng trong cả chu kỳ, nhưng phải là đối tượng trồng lần đầu. Trong khi đó, toàn bộ diện tích rừng trên địa bàn xã đều đã được phủ xanh. Như vậy, nhiều diện tích rừng sẽ không được hỗ trợ.

Với những diện tích đất trồng keo, bạch đàn... nằm trong diện phải chuyển đổi từ rừng sản xuất sang rừng phòng hộ, người dân không thể khai thác trắng, mà phải cắt tỉa cây. Như vậy, sau một vụ keo 5-6 năm, người dân và các chủ rừng khó có thể thu hồi vốn hay có một khoản kinh phí để trang trải cuộc sống.

Người dân xã Đồng Văn (huyện Bình Liêu) phấn khởi sau khi thu hoạch hoa hồi.

Mặt khác, thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm sản xuất, ít đất canh tác, là những hạn chế trong phát triển lâm nghiệp hiện nay, không chỉ ở Bình Liêu mà còn ở nhiều địa phương khác.

Ông Nguyễn Đình Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty TNHH 1TV Lâm nghiệp Bình Liêu, cho rằng: Chính sách sắp xếp doanh nghiệp lâm nghiệp nếu được triển khai sớm sẽ đem lại hiệu quả cao. Bởi hiện tại, việc đầu tư quá manh mún, các công ty lâm nghiệp thiếu vốn, yếu về năng lực quản lý. Tuy nhiên, để làm được điều đó, cần chuẩn bị vùng nguyên liệu đủ rộng và chất lượng để có thể đáp ứng năng lực sản xuất, chế biến quy mô lớn.

Theo nhiều chủ rừng, để tăng diện tích rừng phòng hộ, mức hỗ trợ chuyển đổi cần có sự phù hợp với thực tế, tạo thuận lợi cho người dân, khuyến khích thực hiện chuyển đổi đúng lộ trình, kế hoạch. Phát triển rừng cần có sự kết hợp phát triển du lịch sinh thái, du lịch cảnh quan, bảo vệ môi trường.

Để Nghị quyết số 19-NQ/TU sớm đi vào cuộc sống, các chính sách hiện nay cần tiếp tục khắc phục những bất cập, đảm bảo ổn định cuộc sống cho chủ rừng, hài hòa giữa các lợi ích.

Khánh Nam

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202008/binh-lieu-nguoi-dan-mong-cho-chinh-sach-moi-2495837/