Biểu tình Mỹ gia tăng, Nga lên án 'bạo lực nhà báo'

Biểu tình Mỹ liên tục gia tăng, Moscow yêu cầu Mỹ thực hiện các biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn bạo lực nhằm vào các phóng viên Nga.

Thông tấn TASS của Nga hôm 2/6 dẫn thông báo từ Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ, Moscow yêu cầu Washington “thực hiện các biện pháp khẩn cấp" để ngăn chặn bạo lực của cảnh sát đối với các nhà báo, trong đó có phóng viên Nga.

Đổ lỗi cho Nga về biểu tình và bạo loạn, Mỹ muốn quay lại thời Chiến tranh Lạnh?

"Chúng tôi rất phẫn nộ về bạo lực các cơ quan thực thi luật pháp Mỹ nhằm vào truyền thông quốc tế đưa tin về các cuộc biểu tình ở Mỹ, trong đó có truyền thông Nga. Chúng tôi yêu cầu chính quyền Mỹ thực hiện các biện pháp khẩn cấp để ngăn các nhà báo trở thành mục tiêu trừng phạt của cảnh sát” - thông cáo nêu rõ.

Bộ Ngoại giao Nga cho biết nhà sản xuất làm việc cho hãng thông tấn nhà nước Sputnik, Nicole Roussell, đã bị thương khi cảnh sát bắn đạn cao su và ném lựu đạn để giải tán cuộc biểu tình ở Washington DC.

Theo Bộ Ngoại giao Nga, Roussell đã bị "nhiều thương tích, kể cả thương tích do súng", và sau đó bị một sĩ quan cảnh sát đạp lên. Nga lên án đây là "hành động thiếu thân thiện" và "bất hợp pháp" xảy ra ngay bên ngoài Nhà Trắng.

Trước đó, phía Nga cũng gửi đi một thông cáo cho Mỹ liên quan đến việc phóng viên Nga Mikhail Turgiyev của RIA Novosti đã bị lực lượng trấn áp biểu tình của Mỹ xịt hơi cay dù đã đưa ra thẻ xác nhận nhà báo.

Trong thông cáo gửi đi, Moscow nhấn mạnh "không thể chấp nhận việc các quan chức thực thi pháp luật Mỹ sử dụng vũ khí kiểm soát bạo loạn gồm đạn cao su và bình xịt aerosol chống lại các đại diện truyền thông sau khi họ đã trình bày thẻ báo chí", đồng thời gọi đây là "một biểu hiện của sự bất công và tàn bạo".

Chưa hết, Moscow còn trở thành tâm điểm của một số nhân vật có tiếng nói trên chính trường Mỹ, cáo buộc đã đứng sau kích hoạt các vụ biểu tình trở thành bạo loạn.

Cựu Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ thời Tổng thống Barack Obama - bà Susan Rice còn từng tố cáo Nga đã tiến hành các hoạt động xúi giục các kẻ cực đoan thông qua các phương tiện truyền thông xã hội để kích động biểu tình ở Mỹ. Bà Susan Rice tiếp tục cáo buộc Moscow "cố gắng làm tan rã nước Mỹ từ bên trong". Vị cựu cố vấn trả lời CNN rằng bà tin vào điều này và không còn được truy cập vào các báo cáo tình báo để có thể cung cấp thêm bằng chứng.

Để tăng tính thuyết phục, CNN còn đưa thêm các bằng chứng khác cho thấy, Cựu Thị trưởng New Orleans Marc Morial cũng nói với CNN hôm 30/5 rằng, các "điệp viên Nga" đang gây ra bạo loạn.

Một nhà báo độc lập người Mỹ Max Parry đã phải thốt lên: "Những lời buộc tội vô căn cứ này là một phần của mô hình mà chúng ta đã thấy kể từ cuộc bầu cử năm 2016, nơi các quan chức cấp cao trong cộng đồng tình báo, Đảng Dân chủ và các phương tiện truyền thông đã tìm cách mô tả lại các phong trào xã hội ở Mỹ bằng cách làm sống lại một âm mưu cũ từ Chiến tranh Lạnh".

Theo ông Max Parry, đây là sự lặp lại những gì đã xảy ra trong Phong trào Dân quyền trong những thập kỷ qua: đổ lỗi cho Liên Xô.

"Trước đây, mọi thứ, từ các cuộc biểu tình của Dakota Access Pipeline đến Black Lives Matter đều bị đổ lỗi cho Kremlin" - ông viết.

Nhà báo Parry đề cập đến Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ và cựu ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ Kamala Harris, người đã tuyên bố trong chiến dịch gần đây của mình rằng Nga đã cố tình sử dụng phân biệt chủng tộc để phá vỡ trụ cột dân chủ Mỹ trong cuộc bầu cử năm 2016.

David Schultz, Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Hamline (Mỹ) tuyên bố rằng, không có báo cáo chính thống nào của Mỹ cho rằng "bạo lực và biểu tình hợp pháp sau vụ giết người của George Floyd là kết quả của các lực lượng bên ngoài chẳng hạn như bởi người Nga", cho đến khi bà Susan Rice lên tiếng về những cáo buộc của mình.

Còn Phó Giáo sư Matthew Wilson về khoa học chính trị tại Đại học Southern Methodist đã cho rằng, việc đổ lỗi cho Nga là "đặc điểm của sự cố định của nhiều người trong cơ sở Dân chủ về vai trò được cho là bất chính của Moscow trong các vấn đề đối nội của Mỹ".

Ông không loại trừ rằng các đối thủ quốc tế của Mỹ sẽ "hài lòng" về tình trạng bất ổn dân sự ở Mỹ song việc luôn đổ lỗi cho các quốc gia bên ngoài sẽ che khuất đi tầm nhìn của các chiến lược gia về những sự thật đang xảy ra ở trong nước: đó là sự chia rẽ và không luật pháp.

"Không phải người Nga - hay người Trung Quốc hay người Iran - cướp bóc các doanh nghiệp Mỹ, đập vỡ cửa sổ và đốt xe cảnh sát" - nhà khoa học chính trị nhấn mạnh.

Nước Mỹ ủng hộ ông Trump?

Trong một diễn biến liên quan đến tình hình bạo lực ở Mỹ, Cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush ngày 2/6 đã đưa ra một tuyên bố rằng đây là “thời điểm để nước Mỹ xem xét lại những thất bại bi thảm của mình”. Vị này cho biết ông và phu nhân "đang tức giận vì cái chết do nghẹt thở tàn bạo của George Floyd".

"Đây không phải là lúc để chúng ta giảng đạo lý. Đã đến lúc chúng ta lắng nghe” - ông Bush nói.

“Đã đến lúc xem xét lại những thất bại bi thảm của chúng ta... Đây vẫn là một thất bại gây sốc khi nhiều người Mỹ gốc Phi, đặc biệt là thanh niên Mỹ gốc Phi, bị quấy rối và đe dọa trên chính đất nước của họ ... Cách duy nhất hiện nay là lắng nghe tiếng nói của rất nhiều người đang bị tổn thương và đau buồn. Những người muốn dập tắt những tiếng nói đó không hiểu ý nghĩa của nước Mỹ - hoặc không biết cách làm thế nào để nước Mỹ trở thành một nơi tốt đẹp hơn” - cựu Tổng thống Mỹ nhấn mạnh.

Tuyên bố của ông Bush được đưa ra một ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ triển khai quân đội tới các tiểu bang không sử dụng Lực lượng Vệ binh Quốc gia để “dẹp loạn” trên đường phố.

Một cuộc thăm dò được thực hiện từ ngày 31/5 đến ngày 1/6 bởi công ty tình báo dữ liệu Morning Consulting cho thấy có tới 58% người Mỹ tán thành ý tưởng của ông Trump. Một phần ba số người được hỏi đã ủng hộ mạnh mẽ việc triển khai quân đội để "dẹp loạn" biểu tình biến tướng. Cuộc khảo sát dựa trên mẫu quốc gia của 1.624 người Mỹ.

Hải Lâm

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/bieu-tinh-my-gia-tang-nga-len-an-bao-luc-nha-bao-3404141/