Biến thể SARS-CoV-2 tại Nga được WHO gắn cảnh báo theo dõi thêm
Nhân viên phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây nhiễm của dịch COVID-19 tại nhà ga ở Moscow, Nga. Ảnh: AFP/TTXVN
* Pfizer và BioNTech xin cấp phép cho tiêm mũi vắc xin thứ ba
Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã gắn cảnh báo giám sát biến thể AT.1 của virus SARS-CoV-2, được phát hiện ở Nga hồi tháng 1.
Biến thể này đã được xác định "cảnh báo cần theo dõi thêm" vào ngày 9/6. WHO đã gắn nhãn "cảnh báo cần theo dõi thêm" đối với biến thể phát hiện tại Nga vào ngày 9/6. Điều này có nghĩa là biến thể này có những thay đổi di truyền được nghi ngờ là ảnh hưởng đến đặc tính của virus với một số dấu hiệu cho thấy đột biến có thể gây ra rủi ro trong tương lai.
Danh sách 12 biến thể ở mức độ cảnh báo sẽ được đánh giá lại nếu xuất hiện bằng chứng cho thấy những thay đổi của chúng ảnh hưởng đến mức độ lây lan dễ dàng, mức độ nghiêm trọng của bệnh hoặc hiệu quả của liệu pháp điều trị và vắc xin phòng COVID-19.
Trong ngày 8/7, Nga thông báo đã có thêm 24.818 trường hợp mắc bệnh mới, nhiều hơn gấp đôi so với con số được ghi nhận một tháng trước. Hơn 6.000 ca đã được ghi nhận ở Moscow. Hôm 17/6, Thị trưởng Moscow Sergei Sobyanin cho biết thành phố đang phải đối mặt với những đợt dịch căng thẳng hơn.
* Ngày 8/7, hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) và hãng BioNTech (Đức) thông báo sẽ xin cấp phép cho tiêm mũi thứ ba loại vắc xin phòng COVID-19 do 2 công ty này phối hợp sản xuất.
Theo thông báo, Pfizer/BioNTech xin cấp phép tiêm mũi vắc xin thứ ba sau khi dữ liệu ban đầu từ cuộc thử nghiệm cho thấy việc tiêm mũi thứ ba nâng cao mức kháng thể lên 5-10 lần chống lại chủng gốc ban đầu và biến thể Beta, so với khi chỉ tiêm hai mũi đầu tiên.
Thông báo nêu rõ hai công ty hy vọng sẽ sớm công bố dữ liệu rõ ràng hơn, đồng thời có kế hoạch đệ trình dữ liệu tới Cơ quan quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA), Cơ quan quản lý dược phẩm của Liên minh châu Âu (EMA) và các cơ quan quản lý khác trong những tuần tới.
Pfizer/BioNTech đồng thời kỳ vọng mũi tiêm thứ ba cũng sẽ đạt hiệu quả tốt chống lại biến thể Delta. Bên cạnh đó, Pfizer/BioNTech đang phát triển một loại vắc xin đặc hiệu chống biến thể Delta.
Lô đầu tiên của vắc xin chống biến thể Delta được sản xuất tại cơ sở của BioNTech ở Mainz, Đức. Pfizer và BioNTech dự kiến các nghiên cứu lâm sàng sẽ bắt đầu vào tháng 8 tùy thuộc vào thời gian chấp thuận của cơ quan quản lý.
Theo Pfizer/BioNTech, dựa trên sự sụt giảm về hiệu quả của vắc xin ghi nhận tại Israel sau 6 tháng, hai hãng dược này tin rằng có thể cần tiêm mũi thứ 3 trong vòng 6 đến 12 tháng sau khi tiêm chủng đầy đủ.
Trong khi đó, FDA và Cơ quan kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết những người Mỹ đã tiêm đủ liều chưa cần tiêm mũi bổ sung vào thời điểm hiện tại.
Thông báo của FDA và CDC nhấn mạnh nhà chức trách đã chuẩn bị cung ứng mũi tiêm bổ sung khi có bằng chứng khoa học cho thấy việc tiêm mũi bổ sung là cần thiết.
Tại châu Á, Chủ tịch Thượng viện Indonesia Bambang Soesatyo đã hối thúc Nhóm tư vấn kỹ thuật tiêm chủng (ITAGI) và Cơ quan Giám sát thực phẩm và dược phẩm (BPOM) ngay lập tức ban hành khuyến cáo tiêm vắc xin ngừa COVID-19 mũi thứ ba cho các nhân viên y tế do tỉ lệ tử vong cao trong nhóm đối tượng này.
Hãng thông tấn chính thức Antara cho biết dù đã tiêm đủ mũi vắc xin ngừa COVID-19 song các nhân viên y tế vẫn không an toàn trước sự nguy hiểm của virus SARS-CoV-2, do đó ông Bambang nhấn mạnh cần phải triển khai tiêm mũi thứ 3 ở nhóm đối tượng này.
Hiện việc tiêm vắc xin ngừa COVID-19 mũi thứ 3 cho các nhân viên y tế vẫn đang chờ quyết định của ITAGI và BPOM.
Ông Bambang cho rằng chính phủ cần khuyến khích ITAGI công bố kết quả thử nghiệm lâm sàng hoặc khuyến cáo tiêm mũi bổ sung để làm cơ sở tiêm chủng cho các nhân viên y tế.
Trong diễn biến liên quan, Hiệp hội dị ứng miễn dịch học Indonesia (Peralmuni) cho hay đang soạn thảo báo cáo kết quả nghiên cứu về sự cần thiết tiêm vắc xin phòng COVID-19 của hãng dược Sinovac mũi thứ 3 để chính phủ xem xét.
Indonesia đang tiến hành chương trình tiêm chủng quốc gia vắc xin ngừa COVID-19 trong đó chủ yếu dựa vào vắc xin của Sinovac.