Biện pháp điều trị dị dạng mạch não
Dị dạng mạch não là hiện tượng các mạch máu bất thường và rối loạn trong não. Đây là bệnh bẩm sinh và rất nguy hiểm bởi có nguy cơ bị vỡ gây chảy máu não.
1. Làm thế nào để phát hiện dị dạng mạch não?
NỘI DUNG:
1. Làm thế nào để phát hiện dị dạng mạch não?
2. Điều trị dị dạng mạch não bằng cách nào?
2.1 Dùng thuốc
2.2 Can thiệp nội mạch
2.3 Xạ phẫu (SRS) điều trị dị dạng mạch não
2.4 Phẫu thuật
Bình thường rất khó phát hiện dị dạng mạch não ngay từ sớm do không có triệu chứng rõ rệt. Một số người có các dấu hiệu đau đầu hoặc co giật, nhưng nhiều bệnh lý khác cũng có các triệu chứng này, nên đây không phải là dấu hiệu điển hình của dị dạng mạch máu não. Đa số bệnh được tình cờ phát hiện khi quét não cho người bệnh đi khám hoặc sau khi vỡ mạch máu và gây chảy máu não.
Để phát hiện sớm bệnh, người bệnh đi khám khi có các triệu chứng:
Nhức đầu hoặc đau ở một vùng đầu, đau đầu dữ dội.
Động kinh.
Yếu cơ hoặc tê liệt ở một bộ phận của cơ thể.
Mất thị lực.
Nói khó.
Nhầm lẫn hoặc không thể hiểu ý của người khác...
Sau khi được phát hiện sớm, mạch máu chưa bị vỡ, bệnh thường có thể được điều trị thành công và ngăn ngừa các biến chứng như tổn thương não hoặc đột quỵ...
2. Điều trị dị dạng mạch não bằng cách nào?
Mục tiêu của điều trị dị dạng mạch máu não là ngăn ngừa xuất huyết não, kiểm soát các cơn động kinh (nếu có) hoặc các biến chứng thần kinh khác. Tùy tình trạng sức khỏe, độ tuổi, giới tính của bệnh nhân cũng như vị trí, kích thước của mạch máu bị dị dạng, bác sĩ sẽ xác định phương pháp điều trị phù hợp nhất.
Các biện pháp điều trị gồm:
2.1 Dùng thuốc
Một số thuốc có thể được chỉ định nếu bệnh nhân có các triệu chứng do dị dạng mạch máu não gây ra, chẳng hạn như đau đầu, co giật/động kinh.
Lưu ý: Thuốc không phải là biện pháp điều trị dị dạng mạch máu não dứt điểm mà chỉ làm giảm triệu chứng hoặc ngăn ngừa biến chứng. Để điều trị dứt điểm cần sử dụng các phương pháp can thiệp nội sọ, phẫu thuật…
2.2 Can thiệp nội mạch
Với phương pháp này, bác sĩ sẽ can thiệp, bít tắc mạch máu dị dạng bằng các chất đặc biệt như ethylene-vinyl (onyx) hoặc N-butyl cyanoacrylate (NBCA).
Can thiệp nội mạch giúp làm giảm hoặc ngăn chặn dòng máu lưu thông nuôi dị mạch. Từ đó, làm giảm kích thước khối dị dạng mạch máu não và giảm nguy cơ dị dạng bị vỡ gây chảy máu não. Can thiệp nội mạch còn được sử dụng như biện pháp hỗ trợ xạ trị hoặc phẫu thuật.
Trong kỹ thuật này, bác sĩ sẽ chèn một ống dài, mỏng vào động mạch ở đùi rồi luồn qua các mạch máu đến não dưới sự chỉ dẫn của hình ảnh Xquang. Sau đó tiếp cận vị trí có khối dị dạng mạch máu não và tiêm chất làm thuyên tắc để chặn động mạch, giảm lưu lượng máu vào mạch máu bị dị dạng.
Phương pháp này ít xâm lấn hơn so với phẫu thuật truyền thống, thường được sử dụng trước các phương pháp điều trị phẫu thuật khác nhằm giúp thủ thuật an toàn hơn, bằng cách giảm kích thước của mạch máu bị dị dạng hoặc giảm khả năng chảy máu. tuy nhiên, đây cũng là một kỹ thuật xâm nhập, có nhiều nguy cơ cao tương tự phẫu thuật mở, ví dụ như thiếu máu hay xuất huyết.
2.3 Xạ phẫu (SRS) điều trị dị dạng mạch não
Là phương pháp phẫu thuật dị dạng mạch máu nhỏ, mang lại thành công khá cao, thường được chỉ định cho những trường hợp không thể tiếp cận giải phẫu mở hộp sọ và những trường hợp dị dạng không gây xuất huyết.
Bác sĩ sẽ sử dụng bức xạ tập trung chính xác để phá hủy các mạch máu bị dị dạng mà không có vết mổ. SRS bắn nhiều chùm bức xạ được nhắm chính xác vào các mạch máu bị dị dạng để làm hỏng và gây ra sẹo. Phương pháp này cho kết quả tốt nhất sau 1-3 năm sau điều trị.
Đây là kỹ thuật không xâm nhập, nên có thuận lợi là có thể đi tới vị trí mạch máu nằm sâu, ngóc ngách trong não, phù hợp điều trị cho những tổn thương nhỏ, đường kính dưới 3cm. Các mô khỏe mạnh có nguy cơ hoại tử do bức xạ. Tỉ lệ chữa lành là 81-90%, nên số ít trong những tổn thương vẫn còn xuất huyết sau điều trị. Hơn nữa, sau điều trị, bệnh nhân vẫn có thể có nguy cơ chảy máu trong não. Một số trường hợp có khả năng cần phải điều trị lại hoặc thay đổi phương án điều trị khác.
2.4 Phẫu thuật
Phẫu thuật cắt bỏ mạch máu dị dạnglà phương pháp điều trị phổ biến nhất cho dị dạng mạch máu não. Chỉ định này cho trường hợp dị dạng mạch máu não bị chảy máu hoặc nằm trong khu vực có thể dễ dàng tiếp cận. Kỹ thuật này được thực hiện thông qua phẫu thuật não thông thường. Bác sĩ chuyên khoa thần kinh thực hiện các bước gồm mở hộp sọ và tiến hành kẹp, loại bỏ mạch máu dị dạng ra khỏi mô não xung quanh.
Phương pháp phẫu thuật có thể giúp loại bỏ hoàn toàn khối dị dạng mạch máu não. Tuy nhiên có nguy cơ chảy máu trong phẫu thuật, ảnh hưởng các mô não và đột quỵ do thiếu máu não.
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/bien-phap-dieu-tri-di-dang-mach-nao-169241015162554366.htm